Nhiều trường đại học không thể tự chủ được vì thói quen cái gì cũng đi xin

15/09/2015 05:09
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều trường đại học không thể tự chủ được vì thói quen quản lý bao cấp, cái gì cũng xin cấp trên và trách nhiệm thuộc về tập thể”.

Vấn đề tách các trường đại học ra khỏi cơ quan chủ quản (bộ, ngành, UBND tỉnh…) đã được đặt ra từ năm 2005. Tuy nhiên, sau 10 năm kết quả thu được lại là một con số 0 tròn trĩnh. Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ nhiều bất cập khiến các trường không thể tự chủ, nhiều trường tiếp tục dựa dẫm vào ngân sách nhà nước.

Sự chậm trễ trong việc tách các trường đại học, cao đẳng ra khỏi cơ quan nhà nước gây ra hệ lụy gì cho nền giáo dục, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình.

Tự chủ là quyền phổ biến của các trường đại học, nhưng được thực hiện với những mức độ và cách thức khác nhau tùy mỗi nước.

Ở Hoa Kỳ, các trường đại học có quyền tự chủ rất cao. Trong cuộc khảo sát toàn cầu về giáo dục đại học năm 2006, tạp chí The Economist cho là sự thành công của giáo dục đại học Hoa Kỳ có phần do vai trò có giới hạn của Chính phủ và do mức độ tiếp cận cao với các nguồn tài chính.

Ở nước Anh, một trường đại học công lập nổi tiếng là Imperial College London xác định mục tiêu của nhà trường là “đem lại những hướng dẫn chuyên ngành với chất lượng cao nhất trong việc đào tạo, giáo dục, nghiên cứu trong khoa học kỹ thuật và y khoa”. Để theo đuổi mục tiêu ấy, Imperial College London được toàn quyền tự chủ trong việc cấp bằng, quản lý tài chính và các hoạt động gây quỹ, xin tài trợ…

Ở Hàn Quốc, Viện KAIST được thành lập năm 1971. Mặc dù nhận phần lớn kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng KAIST không thuộc quyền quản lý của bộ này. Thay vào đó, KAIST do một hội đồng quản trị lãnh đạo và có hai nhóm tư vấn từ ngoài trường – một về quản lý và một về các vấn đề học thuật, bao gồm các chuyên gia quốc tế và những người nổi tiếng. Cơ chế quản trị này là yếu tố quan trọng để KAIST trở thành một cơ sở giáo dục đại học danh tiếng. Tạp chí AsianWeek bầu chọn KAIST là trường đại học khoa học và công nghệ tốt nhất của Châu Á trong hai năm liên tiếp 1999 và 2000.

Năm 2009, KAIST xếp hạng 1 Hàn Quốc, hạng 21 thế giới về lĩnh vực kỹ nghệ và công nghệ thông tin, hạng 39 thế giới về khoa học tự nhiên theo bảng xếp hạng của Times - QS University Ranking. Năm 2013, KAIST xếp thứ 3 trong danh sách những trường đại học dưới 50 năm thành lập tốt nhất thế giới.

Nêu ra một vài thí dụ điển hình như thế để thấy rằng, dù được thực hiện với những mức độ khác nhau, nhưng quyền tự chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của các trường đại học. Chỉ khi có quyền quyết định những vấn đề cốt yếu nhất trong hoạt động của mình, các trường đại học mới có động cơ và năng lực cạnh tranh trên cơ sở chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng tìm việc làm của người học.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Nhiều trường đại học không muốn tự chủ vì còn dựa dẫm được vào nhà nước". ảnh: Ngọc Quang
GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Nhiều trường đại học không muốn tự chủ vì còn dựa dẫm được vào nhà nước". ảnh: Ngọc Quang

Ở Việt Nam, mỗi trường đại học, cao đẳng công lập đều thuộc một cơ quan chủ quản cấp Bộ hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; riêng ĐHQG Hà Nội và ĐH QG TP Hồ Chí Minh trực thuộc Chính phủ. Cơ quan chủ quản quyết định việc thành lập, chia tách, sát nhập, giải thể các trường; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng; quyết định luôn cả biên chế, xếp bậc lương và trả lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức toàn trường.

Nếu cứ tiếp tục duy trì cách làm này thì sẽ còn làm hạn chế sức sáng tạo của các trường, ảnh hưởng lớn tới quá trình đổi mới giáo dục, rất khó để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Giáo sư thì vì sao một vấn đề hết sức đúng đắn được đề ra tới 10 năm trời mà  vẫn không thực hiện được?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể giải thích bằng những lý do sau:

Thứ nhất, một số nhà quản lý chưa dứt bỏ được nỗi lo quản lý theo quan điểm bao cấp, không muốn buông ra vì sợ các trường không thực hiện đúng chính sách. Tôi nói thẳng, quan điểm quản lý như thế cổ hủ lắm rồi, các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương thì nên tập trung vào một số vấn đề lớn như là xây dựng luật, quản lý chính sách, chứ không nên tự biến cơ quan cấp cao của mình thành Ban giám hiệu, làm thay các trường.

Nhớ lại thời bao cấp, cứ mỗi khi giáp hạt là Chính phủ cho tới các bộ, ngành chạy tít mù lo gạo cho dân. Mỗi dịp Tết thì Chính phủ lo từ cái lá dong đến cân đỗ, lạng thịt cho dân gói bánh chưng, và đã có một thời chúng ta tự hào vì điều đó.

Nhưng nhìn lại thì khi buông ra, dân sống tốt hơn, cơ quan quản lý cũng đỡ khổ hơn. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lo lắng khi buông cái sổ gạo ra, thế nhưng trên thực tế bây giờ chúng ta không những không thiếu gạo mà chỉ ăn toàn gạo ngon, và xuất khẩu cũng đứng tốp đầu thế giới.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do một số người không muốn buông ra vì sợ mất đặc quyền, đặc lợi.

Nhiều trường đại học không thể tự chủ được vì thói quen cái gì cũng đi xin ảnh 2

GS Nguyễn Minh Thuyết: Điểm thi có phải bí mật quốc gia đâu mà giấu?

Nguyên nhân thứ ba là do chính một số trường không muốn được tự chủ, vì đấy là thói quen của một số người trong xã hội ta, cái gì cũng muốn cấp trên chỉ đạo, tập thể quyết định để không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Tôi chắc là trước câu hỏi tự chủ hay không, lãnh đạo của một số trường sẽ phải đặt ra nhiều vấn đề để cân nhắc. Thí dụ: Nhận tự chủ rồi có nuôi nổi anh em cán bộ, giảng viên không? Có thúc đẩy được chất lượng lên cao không?

Theo quy định hiện nay, một ông Hiệu trưởng cùng lắm cũng chỉ được giữ hai nhiệm kỳ là 10 năm, và trong khoảng thời gian ấy, hẳn là nhiều người sẽ chọn phương pháp an toàn nhất là cứ thuộc bộ chủ quản, chứ chẳng mấy ai dám dấn thân để tạo nên hẳn một cái mới, vì có khi chưa nhìn thấy thành quả thì họ đã gặp rắc rối rồi.

Trên thực tế ngay cả một số trường đại học công lập từng được gắn mác tự chủ, nhưng thực tế thì họ không có quyền tự chủ hoàn toàn. Có lẽ điều đó cũng làm giảm đi quyết tâm tự chủ của các trường, thưa Giáo sư?

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Khi đã giao quyền tự chủ cho các trường thì phải giao đủ quyền để họ có được 4 tự chủ: Tự chủ về chuyên môn; Tự chủ về nhân sự; Tự chủ về tổ chức bộ máy; Tự chủ về tài chính.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay khâu tự chủ về chuyên môn, bắt đầu từ chuyện đơn giản nhất là tự chủ phương án tuyển sinh (đúng quy định của Luật Giáo dục đại học), các trường cũng không được hưởng. Mặc dù từ năm 2005 Luật Giáo dục đã ghi nhận quyền tự chủ của trường đại học, nhưng trên thực tế, Bộ GD-ĐT vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho các trường.

Việc mở ngành hiện vẫn theo cơ chế xin-cho. Theo phản ánh của một lãnh đạo trường, chỉ cần hồ sơ sai một chữ cũng bị trả lại để sửa và có khi mất hàng tháng trời mới được duyệt mở ngành. Một số trường khác cho biết trường vẫn không được in phôi bằng mà phải mua phôi của Bộ GD-ĐT và phải đi lại nhiều lần.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 dù được gọi là đổi mới, nhưng trên thực tế với cách tổ chức thi như vậy thì rất khó để đảm bảo điểm số công bằng. Vì cách coi thi và chấm thi ở các cụm thi khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau; người đạt điểm cao chót vót ở cụm này chưa chắc đã bằng người đạt điểm thấp hơn ở cụm khác. Điều này có thể khiến các trường khó tuyển được những người giỏi thực sự.

Năm 2005, thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, có 5 trường đại học công lập thí điểm tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, sau 6 năm thí điểm, 1 trường bỏ cuộc, các trường còn lại đều thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

GS.TS Hoàng Văn Châu khi còn là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương – một trong 5 trường làm thí điểm, cho biết: “Trường tự chủ nhưng không được hưởng quyền lợi, cơ chế gì hơn về nguồn thu so với các trường đại học công lập khác. Nguồn thu học phí của nhà trường tăng không đáng kể trong khi nguồn thu từ ngân sách nhà nước bị cắt giảm, chi phí gia tăng. Trường không tăng được thu nhập cho cán bộ, giảng viên. Trong khi Nghị định 43 cho phép trả lương bằng 2,5 lần nhưng nhà trường chỉ trả được 1,8 lần. Trường không có nguồn tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất. Không thực hiện được các chế độ ưu đãi đối với giảng viên, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám”.

Học viện Tài chính cũng gặp khó khăn tương tự. GS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện, cho rằng tự chủ tài chính gặp nhiều khó khăn vì thiếu đồng bộ với tự chủ về nhân sự và vì vẫn phải thực hiện những định mức thu - chi tồn tại từ mấy chục năm nay, ví dụ: “Trường học giảng 3 ca thì máy chiếu trên 2.000 giờ hết khấu hao nhưng theo Bộ Tài chính quy định thì 5 năm mới hết khấu hao. Trường phải chờ hết khấu hao mới được sắm máy mới”.

Còn những bất cập về thực hiện quyền tự chủ xét từ hạn chế của pháp luật và việc thực thi pháp luật ở Việt Nam thì sao, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Luật Giáo dục 2005 đã nói rõ về quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp:

Được quyền xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề được phép đào tạo; xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng.

Được tổ chức bộ máy nhà trường; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, cán bộ, nhân viên; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, có thể các nhà lập pháp chưa hiểu hết chiều sâu của những quy định này và các nhà quản lý chưa sẵn sàng thực hiện chúng. Minh chứng là ngay trong Luật Giáo dục có thể tìm thấy những quy định trái chiều. Ví dụ: “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận”; “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Quyền tự chủ được tái khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012. Về học thuật, lần đầu tiên các trường được tự chủ xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tự in phôi bằng, cấp bằng cho tất cả các trình độ mà trường đào tạo.

Đây là một bước tiến trong tư duy quản trị đại học, nhưng chưa phải là một bước ngoặt có khả năng tạo ra sự đột phá, vì theo quy định của Luật, Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn. Ví dụ, ngay từ việc phát triển trường theo định hướng nào (nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng) cũng do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính. Hay như chuyện tiêu chuẩn xếp hạng, phân tầng cơ sở giáo dục đại học lại do Chính phủ quy định. Điều đó có nghĩa là sứ mạng của trường không còn phụ thuộc vào nguyện vọng của những người sáng lập và tập thể nhà trường nữa.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(Còn tiếp)

Ngọc Quang (Thực hiện)