Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tối 22/7, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tỏ ra rất bất ngờ với cách công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không công khai toàn bộ điểm của các thí sinh là một chuyện khó hiểu tại kỳ thi quốc gia lần đầu tiên. Nhiều thí sinh và phụ huynh đang rất lo lắng trước cách làm có phần “lạ” của Bộ Giáo dục. Giáo sư nghĩ sao về chuyện này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu đây là tin chính xác thì tôi rất ngạc nhiên. Trước hết, vì qua báo chí, tôi được biết: ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo 3 hình thức công bố điểm, trong đó có hình thức thông tin trên trang mạng của Bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết giữ kín điểm thi! |
Thứ hai, vì một kỳ thi đã được tổ chức thì kết quả phải được công khai. Đấy là chuyện đương nhiên. Thí sinh cần được biết phổ điểm chung như thế nào. Ít nhất là biết điểm của những người khác để có sự so sánh, chọn trường.
Kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ không cho các cụm thi công bố điểm thi đã là một chuyện lạ. Không công khai điểm của toàn bộ thí sinh lại càng lạ hơn. Tôi đề nghị nhà báo kiểm tra lại việc này. Không lẽ lại có một chuyện như vậy?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Có những ý kiến cho rằng, phải chăng vì sự chênh lệch điểm giữa các cụm thi lớn, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sợ dư luận đánh giá về tính công bằng của kỳ thi cho nên không công bố điểm thi như các năm trước?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cho đến lúc này tôi cũng không hiểu thực sự là tại sao mà Bộ không công khai. Điểm thi có phải bí mật quốc gia đâu mà không công khai?
Một cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cách làm này vẫn là công khai, chỉ khác hình thức. Thậm chí còn có giải thích, việc công khai điểm thi có thể ảnh hưởng tới cá nhân các em, với những em điểm cao sẽ rất phấn khởi, nhưng với những em điểm thấp, kết quả bị liệt thì sẽ có những mặc cảm nhất định. Quan điểm của Giáo sư thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu những người tổ chức các cuộc thi thể thao,thi sắc đẹp, thi tay nghề… cũng tư duy kiểu này thì người ta sẽ nói thầm với từng vận động viên hoặc thí sinh về thành tích của họ, rồi kéo một vài anh chị lên nhận giải trước sự ngạc nhiên của mọi người?
Bộ giữ điểm thi, nhà giáo lo lắng gửi thư ngỏ tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Đối với tất cả các kỳ thi, công khai và công bằng là yêu cầu số một. Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội.
Dù các trường đại học được quyền tuyển sinh riêng, Bộ Giáo dục lại có định hướng lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển đại học. Nhưng kết quả thi tốt nghiệp thì lại không đáng tin cậy, và bây giờ lại thêm chuyện không công khai điểm thi, có lẽ sẽ gây khó khăn cho nhiều trường đại học?
"Giữ điểm thi, tôi không hình dung được tư duy của Bộ giáo dục ở việc này" |
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quả thực có chuyện các cụm thi coi lỏng, coi chặt khác nhau; chấm lỏng, chấm chặt khác nhau. Và như vậy thì có thể tạo ra những kết quả không công bằng. Và sự không công bằng ấy, cho dù có thể chỉ chiếm một phần không lớn, nhưng cũng tạo nên tâm lý lo lắng cho nhiều trường đại học tốp đầu khi xét tuyển.
Nếu các trường đại học không tin tưởng vào kết quả này và tổ chức thi, đánh giá lại những thí sinh ứng tuyển một lần nữa thì ý nghĩa của kỳ thi quốc gia này giảm sút rất nhiều.
Theo đúng Luật Giáo dục đại học thì các trường phải được tự chủ về chuyện tuyển sinh, phù hợp với mục tiêu đào tạo và yêu cầu về chất lượng của mình.
Kỳ thi năm nay vẫn thấy còn nhiều bất cập trong công tác tổ chức, thí dụ tại một số cụm thi quốc gia số lượng thí sinh tăng đột biến nên phải thuê cả địa điểm là các trường tiểu học, cán bộ coi thi là sinh viên chiếm số lượng lớn. Thí sinh lúng túng khi làm hồ sơ đăng ký dự thi dẫn tới sai sót và Bộ Giáo dục phải dành nhiều thời gian để chỉnh sửa. Theo Giáo sư, cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học - Cao đẳng nên như thế nào cho thật hợp lý?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quan điểm của tôi là kết thúc 12 năm học vẫn cần phải thi, vì hiện nay đã bỏ thi vào lớp 6, chỉ còn thi vào lớp 10, nếu bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học sinh sẽ học hành chểnh mảng, và ngành giáo dục cũng khó đánh giá học sinh, từ đó khó có thể đưa ra những điều chỉnh tích cực trong công tác đào tạo.
Tuy nhiên, không cần thi tập trung trên quy mô toàn quốc vào cũng một ngày như hiện nay, vì nó vẫn có nhiều bất cập, gây ra nhiều khó khăn cho thí sinh và cả các trường Đại học - Cao đẳng.
Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho Sở Giáo dục Đào tạo các địa phương tự tổ chức. Các tỉnh có thể thi vào những ngày khác nhau. Chỉ cần một kỳ thi nhẹ nhàng, vừa đủ để đánh giá tốt nghiệp phổ thông.
Còn việc tuyển sinh vào Đại học – Cao đẳng, nên để từng trường tự quyết định phương án tuyển theo đúng Luật Giáo dục đại học. Các trường có thể tổ chức thi tuyển hoặc chỉ xét tuyển theo kết quả học phổ thông. Những trường chọn phương án thi tuyển có thể tổ chức thi riêng hoặc liên kết với nhau thi theo cụm.
Nếu đổi mới theo hướng này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tính toán sớm để công bố lộ trình thực hiện, để tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là thí sinh có thời gian chuẩn bị. Đến ngẫu hứng, bất ngờ như bóng đá cũng không thể thay đổi luật chơi vào phút cuối như chuyện công bố điểm thi tốt nghiệp năm nay.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!