Nhiều trường ĐH chưa tăng học phí theo NĐ 81 để chia sẻ khó khăn với người học

27/09/2022 06:31
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Đà Lạt... là những trường có quyết định dừng tăng học phí.

Để chia sẻ khó khăn với sinh viên và phụ huynh sau hai năm khó khăn vì dịch Covid-19, một số trường đại học đã có thông báo về quyết định dừng tăng học phí trong năm học 2022-2023.

Cụ thể, ngày 20/9, trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc không tăng học phí năm học 2022-2023. Theo đó, mức học phí áp dụng cho sinh viên được giữ nguyên như năm học 2021-2022 (chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học: 354.000đ/tín chỉ; chương trình chất lượng cao trình độ đại học: 770.000đ/tín chỉ).

“Với sứ mệnh là một trường đại học công lập có trách nhiệm với xã hội, cùng chung tay với toàn xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo không tăng học phí trong năm học mới”, thông cáo nêu rõ.

Trước đó, vào hồi tháng 6/2022, trường này thông báo áp dụng mức thu học phí mới từ năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 81, tức tăng khoảng 2 lần so với mức học phí cũ.

Nhiều trường đại học đã có thông báo dừng tăng học phí trong năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Nhiều trường đại học đã có thông báo dừng tăng học phí trong năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Tương tự, trường Đại học Nha Trang cũng đã có quyết định điều chỉnh lại khung học phí năm học 2022 - 2023 theo chủ trương tạm thời chưa áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81, giữ ổn định mức thu như năm 2021. Học phí được tính theo tín chỉ với mức 220.000 - 370.000 đồng/tín chỉ tùy theo môn học.

Ngoài ra, trường còn cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và miễn phí ký túc xá cho sinh viên theo học nhóm ngành thủy sản.

Trường Đại học Đà Lạt Trường Đại học kinh tế Quốc dân cũng chia sẻ quan điểm là không tăng học phí trong năm học 2022-2023.

Theo đó, hiện học phí của trường Đại học Đà Lạt phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ, trung bình khoảng 6 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra, chia sẻ với báo chí, ông Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt cho biết nhà trường đang thí điểm hai ngành chất lượng cao nhưng vẫn thu học phí như hệ đại trà.

Trong khi nhiều trường đại học khi tự chủ đã thực hiện tăng học phí để đảm bảo cân đối nguồn thu chi thì trong suốt 4 năm qua, kể từ năm 2019, trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong số rất ít các trường đại học tự chủ hiện nay giữ mức học phí ổn định qua các năm.

Cụ thể, theo đề án tuyển sinh năm 2022, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường duy trì ổn định kể từ năm 2019 đến nay.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí áp dụng cho năm học 2022-2023.

Theo đó, mức trần học phí với các đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ 12 đến 24,5 triệu đồng một năm, tùy theo ngành đào tạo.

Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm. Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được tự xác định học phí.

Theo đó, hàng loạt trường đã thông báo tăng học phí như: trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh,... Đặc biệt ghi nhận mức học phí tăng mạnh ở khối ngành sức khỏe.

Đơn cử trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm học 2021-2022 trường áp dụng mức học phí 14.300.000 đồng/năm nhưng từ năm học 2022-2023, học phí của trường được điều chỉnh tăng lên ở mức 44,368 triệu đồng đồng/năm ở nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt; và 41 triệu đồng ở nhóm ngành đào tạo còn lại.

Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới đối với khối giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 theo chủ trương cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết với học phí của năm học tới. Trong đó, Bộ kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 với giáo dục đại học công lập thêm một năm.

Như vậy, đến nay dù nghị quyết điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 81 theo chủ trương cơ bản không tăng học phí của Chính phủ chưa được ban hành nhưng đã có những trường đại học đầu tiên chủ động không tăng học phí cho năm học mới.

Doãn Nhàn