Học phí tăng phải tương thích chất lượng, đừng lợi dụng chương trình CLC để thu

01/09/2022 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính sách nhà nước phải đi trước việc tăng học phí đại học, cơ sở nào tăng học phí nhưng không phù hợp với chất lượng đào tạo thì điều này không thể chấp nhận.

Bài toán học phí khi các trường đại học thực hiện theo cơ chế tự chủ là vấn đề đang nhận được sự quan tâm hiện nay.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là học phí phải tương thích với chất lượng giáo dục mà người học nhận được.

Trường đại học nào tăng học phí lên nhưng không phù hợp với chất lượng đào tạo thì điều này là không thể chấp nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nhà nước phải có ngân sách, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay một cách tương đối đầy đủ để họ đóng học phí và chi phí sinh hoạt khi theo học đại học. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nhà nước phải có ngân sách, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay một cách tương đối đầy đủ để họ đóng học phí và chi phí sinh hoạt khi theo học đại học. (Ảnh: NVCC)

Học phí tăng, những học sinh nghèo học giỏi, điểm cao có thể không đủ tài chính để theo học tại những trường đại học tốp đầu có mức đóng quá cao, họ phải chọn học tập tại những cơ sở khác. Như vậy là thiệt thòi cho cả người học và xã hội.

Vì vậy, chính sách của nhà nước phải đi trước việc tăng học phí đại học, cần thêm chính sách tín dụng cho sinh viên. Sau khi họ học tập, ra trường đi làm, trở thành những người tài năng, vừa có khả năng chi trả tài chính, vừa có đóng góp cho xã hội.

Thầy Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm, không thể tách rời tự chủ đại học nói chung với tự chủ tài chính nói riêng, cần nhấn mạnh tự chủ toàn diện đại học, về mặt tài chính, nhà nước phải có ngân sách, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay một cách tương đối đầy đủ để họ đóng học phí và chi phí sinh hoạt khi theo học đại học.

Theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/3/2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5/2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khi học phí tăng cao, mức vay này chưa đủ để sinh viên trang trải học phí và sinh hoạt phí khi học tập tại các thành phố lớn.

Chương trình chất lượng cao: học phí phải xứng tầm chất chất lượng

Trước băn khoăn có nhiều chương trình chất lượng cao, học phí cao tại các trường đại học nhưng chất lượng chưa rõ ràng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho biết, chương trình chất lượng cao ưu tiên đầu tư điều kiện giảng dạy và học tập tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy học hiện đại theo định hướng tiêu chuẩn của các đại học tiên tiến trong khu vực. Chương trình chất lượng cao là chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chất lượng cao, học phí cao ngay từ đầu, và các trường tuyển những người có đủ khả năng chi trả mức học phí đó.

Lợi ích của việc xây dựng các chương trình chất lượng cao là để nâng chất lượng giáo dục đại học, đi đôi với đó là nâng cao nguồn thu cho trường, giảm tình trạng “tị nạn” giáo dục.

Đào tạo chất lượng cao có nghĩa là đào tạo bằng tiếng Anh, chương trình dạy và giáo trình bằng tiếng Anh, giảng viên phải đủ trình độ tiếng Anh để dạy sinh viên, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường phải vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực tiếng Anh tốt. Một số cơ sở giáo dục đại học đã làm tốt điều này.

“Tuy nhiên, cũng có cơ sở mở chương trình chất lượng cao nhưng không thành công, và sĩ số giảm dần. Có trường giảng viên dạy chương trình chất lượng cao mà nói tiếng Anh không đạt, học trò trình độ tiếng Anh cũng kém, đậu vào chương trình chất lượng cao mà điểm thấp hơn chương trình đại trà.

Nếu không đảm bảo chất lượng, chương trình chất lượng cao sẽ trở thành "mạo danh", đánh lừa người học, sinh viên có thể đóng tiền vào học năm thứ nhất nhưng thấy chất lượng không cao, các em cũng sẽ bỏ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Theo thầy Tống, chương trình chất lượng cao phải đảm bảo những điều kiện như giảng viên được đào tạo thế nào, trình độ ngoại ngữ ra sao, chương trình học, công bố công khai cho người học biết mức học phí... Tuy nhiên, một số nơi đang lợi dụng chương trình chất lượng cao để thu học phí cao.

Ở một khía cạnh khác, thầy Nguyễn Thiện Tống cho rằng, mở đào tạo chương trình chất lượng cao cũng phần nào giúp giải quyết vấn đề thù lao cho giảng viên. Song, điều quan trọng nhất vẫn là việc phải đảm bảo chất lượng của những chương trình này.

Đảm bảo tỷ lệ đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học

Bàn về vấn đề học phí đại học tăng cao, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cơ sở tăng học phí của các trường đại học hiện nay chủ yếu là dựa trên lí do: cắt giảm tỷ lệ trợ cấp ngân sách nhà nước cho các trường chuyển sang tự chủ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VEPR

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VEPR

Khi học phí đại học tăng lên quá cao, gia đình người học có thu nhập trung bình và thấp sẽ buộc phải cân nhắc. Ngay cả khi tiếp cận được tín dụng, nhưng điều kiện đáp ứng cũng như yêu cầu trả nợ sớm cũng là yếu tố cản trở các gia đình và học sinh nghèo quyết định theo học.

Chính vì vậy, cần phải đảm bảo một tỷ lệ nhất định đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, nhưng cũng phải có cơ chế hỗ trợ công khai, minh bạch, công bằng cho cả khu vực công và tư, dựa trên tiêu chí hỗ trợ trực tiếp cho người học là chính.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm, trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới giáo dục, việc tăng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục là hết sức cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là phải đánh giá lại cơ cấu chi và tỷ trọng cụ thể.

Khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn thì việc đánh giá hiệu quả để đảm bảo các khoản chi phù hợp với nhu cầu, đáp ứng tốt nhất mục tiêu nâng cấp chất lượng giáo dục, đào tạo rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các nguồn ngân sách nhà nước, ODA, huy động đóng góp doanh nghiệp và xã hội hóa từ người học... cần có cơ chế rất rành mạch, rõ ràng mới đảm bảo tính hiệu quả và tránh lãng phí, tránh những hành vi trục lợi.

Phạm Minh