Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trường đào tạo một thế hệ trẻ toàn diện về mặt nhân cách và sức khỏe để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thời kỳ hội nhập.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có sứ mạng đào tạo từ đại học đến tiến sĩ; thực hiện nghiên cứu ứng dụng và cơ bản trong các lĩnh vực khoa học sức khỏe, kinh tế, quản lý, khoa học xã hội và kỹ thuật - công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Về tầm nhìn, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ trở thành trường đại học có môi trường quốc tế tốt nhất ở Việt Nam. Trường đào tạo đa lĩnh vực, trong đó khoa học sức khỏe là lĩnh vực trọng tâm.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng được thành lập năm 1997 theo quyết định số 518/TTG với tên gọi ban đầu là Trường Đại học dân lập Hồng Bàng. Năm 2009, nhà trường đổi tên thành Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Hiện tại, Phó giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần giữ chức Chủ tịch hội đồng trường. Hiệu trưởng trường là Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Lình. Trường có 5 Phó hiệu trưởng gồm: Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Khắc Cường; Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lâm Hoài Phương; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt; Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn; Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên.
Nhà trường có trụ sở tại 215 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở 2 của trường nằm tại 36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điểm đáng chú ý qua các năm tuyển sinh
Trường có các chương trình đào tạo ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của xã hội như: Khoa học Sức khỏe, Kinh tế - Quản trị, Ngôn ngữ và văn hoá Quốc tế, Khoa học Xã hội, Công nghệ - Kỹ thuật, Khoa học giáo dục.
Năm 2020, nhà trường bắt đầu đào tạo ngành Y khoa, Digital Marketing. Năm 2021, trường mở thêm ngành Quản lý giáo dục, Tâm lý học, Quan hệ công chúng, Quản trị sự kiện.
Năm 2022, trường đào tạo thêm 7 ngành gồm: Hộ sinh, Y học cổ truyền, Thương mại điện tử, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật bản, Ngôn ngữ Trung Quốc, Giáo dục tiểu học.
Năm 2023, Nhà trường mở mới ngành Y tế công cộng, Dinh dưỡng.
Năm 2024 trường giữ nguyên các ngành học như năm 2023. Sau 27 năm hình thành và phát triển, đến nay, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có 10 khoa, 35 ngành đào tạo với các chương trình tiếng Việt, tiếng Anh và liên kết quốc tế.
Phương thức xét tuyển của trường cũng có sự thay đổi qua từng năm. Năm 2020, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển dựa trên 6 phương thức bao gồm: Thi kiểm tra năng lực theo dạng SAT II, xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập trung học phổ thông, xét tuyển đối với học sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài, xét tuyển thí sinh bằng điểm kỳ thi SAT, xét kết quả thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2021, Trường xét tuyển bằng 7 phương thức, trong đó bỏ 2 phương thức thi kiểm tra năng lực theo dạng SAT II, xét tuyển đối với học sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài. Nhà trường thêm 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của HIU, xét tuyển thẳng, xét tuyển dành cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Năm 2022, Trường bỏ 2 phương thức xét tuyển, sử dụng 5 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học bạ trung học phổ thông, xét kết quả thi SAT, xét tuyển thẳng, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh .
Năm 2023, nhà trường giữ nguyên 5 phương thức xét tuyển này.
Theo thông báo tuyển sinh năm 2024, trường không có thay đổi trong phương thức xét tuyển.
Chỉ tiêu và điểm chuẩn của trường qua các năm
Theo số liệu đề án tuyển sinh qua các năm của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2020 đến năm 2023 liên tục tăng.
Cụ thể, năm 2020, tổng chỉ tiêu của trường là 3.460 chỉ tiêu. Năm 2021, nhà trường tăng thêm 330 chỉ tiêu. Đến năm 2022, trường tiếp tục tăng thêm 420 chỉ tiêu. Năm 2023, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có tổng chỉ tiêu là 4.800 chỉ tiêu, tăng 590 chỉ tiêu so với năm học trước đó.
Theo thông tin tuyển sinh của trường, năm nay, trường giữ nguyên nguyên tổng chỉ tiêu là 4.800 cho 36 ngành học.
Về điểm chuẩn, theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các ngành thuộc khối ngành VI, lĩnh vực Sức khỏe luôn có điểm trúng tuyển cao nhất trường, mức điểm trong khoảng từ 19 đến 22 điểm. Từ năm 2020 đến năm 2023, điểm chuẩn của tất cả các ngành duy trì ổn định, tăng giảm không đáng kể.
Từ năm 2020 đến năm 2022, ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt đều có chung mức điểm chuẩn là 22 điểm, đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất trường các năm này. Năm 2023, điểm chuẩn của ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt đều tăng nhẹ lên 22,5 điểm, vẫn giữ vững là các ngành có điểm chuẩn cao nhất trường.
Ngành Y học cổ truyền được mở vào năm 2022, mức điểm chuẩn năm đầu đào tạo là 21 điểm, là ngành có điểm chuẩn cao thứ hai của trường. Đến năm 2023, điểm chuẩn của ngành Y học cổ truyền tăng 1,5 điểm, đạt mức 22,5 điểm, cùng mức điểm chuẩn với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học cổ truyền nằm trong nhóm ngành có điểm đầu vào cao nhất trường năm 2023.
Xếp vị trí thứ hai toàn trường là ngành Dược học, từ năm 2020 đến năm 2023, ngành luôn có mức điểm chuẩn đạt mức 21 điểm.
Các ngành còn lại trong lĩnh vực sức khỏe cùng mức điểm đầu vào là 19 điểm, xếp thứ ba toàn trường.
Cụ thể, ngành Điều Dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học có chung mức điểm chuẩn là 19 điểm từ năm 2020 đến năm 2023. Ngành Hộ sinh (mở từ năm 2022) cũng cùng mức điểm chuẩn này trong hai năm 2022 và 2023.
Thực tế theo số liệu công bố trong báo cáo tình hình việc làm của sinh viên qua các năm của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, lĩnh vực Sức khỏe luôn chứng minh được sức nóng khi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn ở mức cao.
Từ năm 2020 đến năm 2023, các ngành thuộc lĩnh vực Sức khỏe luôn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn ở mức trên 90%.
Năm 2020, ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100%, các ngành khác cùng lĩnh vực cũng có tỷ lệ xấp xỉ 100%. Cụ thể, ngành Điều dưỡng đạt 99,81%, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học đạt 99,48%, ngành Dược học đạt 92,13%.
Năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm giảm những vẫn ở mức từ 90%, trong đó ngành Điều dưỡng có tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 90%, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dược học có cùng tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 91%.
Tại khối ngành VII của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở mức cao, nhiều ngành đào tạo có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% trong nhiều năm.
Tại khối ngành VII, lĩnh vực Nhân văn, nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc đạt tỷ lệ 100% trong 2 năm liên tiếp.
Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% vào năm 2020 và 2021. Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% vào năm 2021 và 2022.
Năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm giảm, ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Hàn Quốc cùng đạt 89%, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đạt 92%. Riêng ngành Ngôn ngữ Nhật Bản có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tăng nhẹ, đạt 90%.
Đáng chú ý, trong khối ngành VII, lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, ngành Truyền thông đa phương tiện có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% trong 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến năm 2022. Năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Truyền thông đa phương tiện đạt 91%.
Cùng lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, ngành Quan hệ quốc tế cũng có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100% trong 2 năm 2020 và 2021. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Quan hệ quốc tế đạt 92% và năm 2023 đạt 94%.