Lương, chính sách đãi ngộ thấp khiến ngành Y tế công cộng khó thu hút sinh viên

23/01/2024 06:22
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đào tạo ngành Y tế công cộng cho rằng nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của y tế dự phòng chưa cao khiến việc tuyển sinh gặp khó khăn.

Ngành Y tế công cộng là một trong những ngành quan trọng của lĩnh vực Y tế dự phòng chuyên nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, dự phòng chấn thương, cũng như chủ động ứng phó hiệu quả với dịch bệnh như: dịch SARS, cúm A H1N1, cúm gia cầm H5N1, đại dịch Covid-19…

Tại các nước phát triển trên thế giới, ngành này đã được chú trọng từ rất sớm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của y tế dự phòng đâu đó vẫn còn hạn chế. Điều này khiến nhân lực y tế dự phòng ở nước ta còn thiếu hụt khá lớn. Dẫu vậy, các trường đại học vẫn khó thu hút sinh viên theo học các ngành thuộc khối dự phòng, trong đó có ngành Y tế công cộng.

Điểm chuẩn thấp vẫn khó thu hút sinh viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng thông tin: Trong 3 năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành Y tế công cộng của trường ở ngưỡng 15-16 điểm đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 21-26 điểm đối với phương thức xét học bạ. Trong các ngành của lĩnh vực sức khỏe, ngành Y tế công cộng có mức điểm chuẩn thấp hơn so với các ngành thuộc khối lâm sàng.

Năm 2022, chỉ tiêu chung của ngành Y tế công cộng tại trường là 190, nhưng chỉ có 140 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 74%). Năm 2023 chỉ tiêu chung của ngành này là 190 nhưng chỉ có 130 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 68,4%).

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Điểm chuẩn đầu vào của cử nhân Y tế công cộng cũng như các hệ cử nhân khác thấp hơn so với điểm của hệ bác sĩ.

Theo đó, năm 2022, điểm chuẩn ngành Y tế công cộng của Trường Đại học Y Hà Nội theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 21,5 điểm. Năm 2023, mức điểm chuẩn của ngành này giảm chỉ còn 20,7 điểm.

Trong khi đó, các ngành như Y khoa, Răng hàm mặt... mức điểm chuẩn của Trường Đại học Y Hà Nội đều rất cao, dao động từ 26 đến trên 27 điểm.

Chia sẻ về chương trình đào tạo cử nhân ngành này, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y tế công cộng cho hay: Nhà trường thiết kế chương trình với mục tiêu đào tạo được những cử nhân Y tế công cộng có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, có kiến thức về khoa học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng cơ bản và y tế công cộng tổng quát để vận dụng vào quá trình thực hiện các hoạt động y tế thường quy và trong tình huống khẩn cấp; phát hiện, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiên cứu giải quyết các vấn đề sức khoẻ ưu tiên tại nơi công tác; có khả năng tự học và học tập liên tục để nâng cao năng lực, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngoài học lý thuyết tại trường, ngay từ năm 2 sinh viên sẽ được thực tập tại bệnh viện về các vấn đề triệu chứng và xử trí các bệnh thường gặp. Năm thứ 3, sinh viên đi thực tập cộng đồng trong 4 tuần tại các Trung tâm y tế và Trạm y tế.

Năm thứ 4, sinh viên đi thực tập cộng đồng trong 10 tuần tại các cơ sở y tế như Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và các cơ sở y tế công lập khác tại Hà Nội về phát hiện các vấn đề y tế công cộng tại cộng đồng và xây dựng kế hoạch can thiệp.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể đăng ký thực tập tại các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng. Không những vậy, xuyên suốt quá trình học, các bạn liên tục được thực hành thông qua các bài tập tình huống, đóng vai, thuyết trình, tương tác thảo luận nhóm… Từ đó giúp các bạn tăng cường kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm, có thể tự tin làm việc sau khi tốt nghiệp.

Mức lương khởi điểm thấp

Theo Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cơ hội việc làm của ngành Y tế công cộng khó khăn hơn so với trước đây.

“Nguyên nhân là mô tả vị trí việc làm và phạm vi hành nghề còn chưa rõ ràng trong hệ thống. Lương thấp và hầu như không có những nguồn thu nhập khác nên chưa hấp dẫn người học”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Cũng theo cô Hương, học Y tế công cộng, sinh viên được thực hành 1 phần về triệu chứng ở các bệnh viện còn đa phần sẽ thực hành tại cộng đồng, các CDC tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, các viện vệ sinh dịch tễ, dinh dưỡng, các tổ chức quốc tế…

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc, các bạn sinh viên nên chú trọng trang bị thêm các kỹ năng mềm, kiến thức về tin học, ngoại ngữ…

Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cũng cho biết thêm mức lương của ngành này được quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BYT-BNV.

Cụ thể, cách tính lương, xếp lương chức danh nghề nghiệp Y tế công cộng quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh ngành Y tế công cộng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bao gồm:

Đối với chức danh cao cấp (hạng I) sẽ được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1). Hệ số lương được tính từ 6.2 - 8.0. Khi áp dụng mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng sẽ dao động từ 11,160 - 14,400 triệu đồng/tháng.

Đối với chức danh y tế công cộng chính (hạng II) được áp dụng hệ số loại A2 (nhóm A2.1). Hệ số lương sẽ được dao động từ 4.4 - 6.78. Khi áp dụng mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng sẽ dao động từ 7,920 - 12,204 triệu đồng/tháng.

Đối với chức danh hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1. Hệ số lương dao động từ 2.34 - 4.98. Khi áp dụng mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng sẽ dao động từ 4,212 - 8,964 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương đối với cử nhân Y tế công cộng mới ra trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thị Vui - Trưởng khoa Khoa học xã hội và Hành vi, Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của y tế dự phòng còn chưa cao mặc dù nhân lực y tế dự phòng vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng.

“Bộ Y tế đã chỉ rõ sự thiếu hụt nhân lực y tế dự phòng, trong đó thiếu hụt nhân lực Y tế công cộng trên cả nước là rất lớn. Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi đoàn giám sát Quốc hội ngày 3/4/2023 về sử dụng nguồn nhân lực y tế dự phòng, hiện tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực y tế cần có, thiếu hụt gần 24.000 người. Đáng chú ý, cử nhân Y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.

Mặc dù vậy, chính sách đãi ngộ, chế độ lương và phụ cấp cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng trong hệ thống cơ quan nhà nước còn thấp. Điều này ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của ngành Y tế công cộng với người học so với các ngành thuộc khối điều trị”, Tiến sĩ Lê Thị Vui bày tỏ.

Ngay cả sinh viên ngành Y tế công cộng cũng đang cảm thấy "mông lung", chưa biết sau khi ra trường sẽ làm gì. Bạn P.Đ.Q, sinh viên năm 3 ngành Y tế công cộng tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Em hiện tại cảm thấy ngành mà mình đang học không được chuyên sâu như các ngành khác. Các ngành khác như phục hồi chức năng, dinh dưỡng,... được học chuyên sâu hơn còn em thì chỉ được học sơ qua các kiến thức cơ bản.

Mặc dù là sinh viên năm 3 nhưng thực sự em cũng chưa định hướng được sau này ra trường sẽ làm gì. Cơ hội việc làm cũng tùy thuộc vào bản thân từng bạn học như thế nào, có bằng cấp ra sao.

Ví dụ như ở trường em, ngành này ra trường phải có bằng xuất sắc thì nhà trường mới nhận nên cũng rất khó. Các bạn ở đây hầu như ai cũng có bằng khá thôi chứ hiếm có bạn nào được bằng giỏi nên cơ hội việc làm khá khó khăn. Còn nếu làm ở các cơ sở khác ngoài trường em cũng không biết sẽ làm gì.

Hiện tại em cũng đi làm thêm nhưng chỉ là các công việc bán thời gian như các sinh viên khác thôi chứ không liên quan gì đến ngành học cả. Đợt hè vừa rồi ngành Y tế công cộng em học cũng chia ra đi thực tập ở mấy bệnh viện. Em đi thực tập ở Bệnh viện E trong 7 tuần. Trong thời gian ấy sinh viên được chia ra cứ mỗi tuần học một khoa, mỗi khoa sẽ học một số bệnh nhưng cũng chỉ được học sơ qua thôi chứ không học chuyên sâu”, nam sinh bày tỏ.

Cơ hội từ thách thức

Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Y tế công cộng, Tiến sĩ Lê Thị Vui cho biết: Sinh viên ngành Y tế công cộng sau khi ra trường có cơ hội việc làm rộng mở, từ cơ sở nhà nước đến các cơ sở tư nhân, tổ chức phi chính phủ. Trong hệ thống cơ quan nhà nước, các bạn có thể làm chuyên viên của Bộ Y tế, Sở Y tế, trung tâm kiểm soát phòng chống bệnh tật ở các tỉnh; trung tâm y tế huyện; các trạm y tế.

Ngoài ra các bạn có thể làm ở các bệnh viện từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện, chuyên viên khối phòng ban của các bệnh viện như phòng kế hoạch tổng hợp, phòng chỉ đạo tuyến. Cử nhân Y tế công cộng cũng có thể làm giảng viên hay nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu về lĩnh vực y tế, chuyên viên điều phối dự án tại các tổ chức phi chính phủ…

Theo khảo sát của Trường Đại học Y tế công cộng, tỷ lệ cử nhân ngành Y tế công cộng của trường có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp luôn duy trì ở mức trên 90%. Mức thu nhập trung bình của người làm Y tế công cộng tùy thuộc vào vị trí việc làm, cơ quan công tác và năng lực của mỗi cá nhân.

Trong khi đó, Thạc sĩ Bùi Việt Ánh, cựu sinh viên khóa 2 ngành Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: Cơ hội việc làm của ngành Y tế công cộng rất lớn.

“Ngành Y tế công cộng khá rộng, có thể làm ngay tại môi trường bệnh viện từ trung ương đến địa phương hoặc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh, thành phố, cấp huyện thì có thể làm tại trung tâm y tế huyện, cấp xã làm tại trạm y tế xã. Ngoài ra các bạn cũng có thể làm ở các tổ chức tư nhân.

Các kiến thức hiện nay cũng đã được cập nhật rất nhiều so với kiến thức tôi học trước đây. Và đó chính là thuận lợi nếu các bạn sinh viên học tốt những môn liên quan, sau đó trang bị thêm các kỹ năng mềm khi làm việc nhóm thì có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc”, Thạc sĩ Bùi Việt Ánh bày tỏ.

Sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: website nhà trường)

Chị Ánh cũng cho rằng, mặc dù ngành Y tế công cộng nói riêng và các ngành thuộc khối dự phòng nói chung có bất lợi hơn so với bác sĩ điều trị tuy nhiên đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu các bạn biết phấn đấu, không từ bỏ ước mơ ban đầu của mình.

“Thực tế, bác sĩ điều trị chỉ chuyên điều trị, còn những mảng liên quan tới Y tế công cộng thì bắt buộc phải là cử nhân Y tế công cộng làm. Trong bệnh viện cũng rất cần những nhân lực ngành Y tế công cộng cho việc triển khai các nghiên cứu sức khỏe có tầm cộng đồng. Mỗi vị trí sẽ phụ trách một mảng việc từ đó hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Sự phối hợp nhịp nhàng này mới giúp ngành Y tế ngày càng phát triển”, Thạc sĩ Bùi Việt Ánh nêu quan điểm.

Nhật Lệ