Nghỉ học vì Covid -19, đang khiến nhiều nhóm trẻ tư thục lao đao, thậm chí đang đứng trước bờ vực phá sản, buộc phải đóng cửa.
Nếu để tình trạng này xảy ra thì đó là một điều hết sức đáng tiếc và phải mất một lượng tiền đầu tư lớn mới có thể khôi phục lại hoạt động như khi chưa có dịch xảy ra.
Theo thống kê, hiện nay số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã cấp phép thành lập trên địa bàn Hà Nội là 2669 cơ sở. Hoạt động của nhóm trẻ này đa phần theo hình thức thuê mặt bằng, lấy tiền học phí của học sinh để duy trì hoạt động.
Các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, đóng cửa vì dịch covid 19 (ảnh minh họa - nguồn Trường mầm non Tuổi Thơ Nghệ An). |
Đa số, vốn ít, các cô lấy công làm lãi nên khi dịch Covid -19 bùng nổ, những gánh nặng tiền mặt bằng, tiền chi trả lương cho giáo viên, nhân viên đã đẩy các chủ trường rơi vào tình trạng khốn đốn.
Theo ghi nhận của phóng viên, đã có nhiều nhóm trẻ đóng cửa, nhiều nhóm trẻ đứng trước nguy cơ không thể duy trì hoạt động nếu dịch Covid -19 kéo dài
Tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Lan chủ nhóm trẻ tư thục Hiền Tài Việt ở Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ tình cảnh rất khó khăn.
Chị cho rằng, cơ sở của chị hiện nay có nhiều giáo viên nghỉ việc và tới đây nếu nghỉ dài các cô tìm công việc mới. Nhiều trường khác như cơ sở của chị đang trong tình trạng đóng cửa, giải tán.
Đến thời điểm bây giờ cơ sở của chị có 3 tháng không doanh thu. Trong tháng Tết, học sinh nghỉ về quê sớm, trong khi đơn vị phải chi trả lương cho giáo viên, thưởng Tết.
Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng! |
Chị Lan than thở: “Bạn bè nhiều người đóng của rồi còn riêng trường tôi đang không biết có tiếp tục được nữa hay không? Nếu hết tháng này mà nghỉ thì có tiếp tục được nữa hay không?
Chỉ tính mặt bằng thuê đã 70 đến 80 triệu đồng, ngoài ra còn tiền lương và các khoản tiền khác nữa”.
Cùng chung tình cảnh khó khăn như chị Lan là chị Nho, chủ của cơ sở mầm non tư thục Bé Thông Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Chị Nho chia sẻ rằng, không chỉ riêng mình chị Nho mà tất cả các nhóm trẻ, hệ thống giáo dục tư thục và các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện chị đang xin sự trợ giúp của chủ nhà vì cơ sở mặt bằng đang phải thuê. Nhờ chủ chia sẻ khăn như hỗ trợ tiền nhà. Còn lương giáo viên thì cũng trên tinh thần hỗ trợ.
“Tất cả nhóm trẻ dựa vào thu học phí của học sinh để chi trả các hoạt động. Còn bây giờ, học sinh không đi học chắc chắn không thu học phí nên tất cả các khoản chi nhà cửa, lương cơ bản của giáo viên, nhân viên bảo vệ, đóng bảo hiểm… các khoản đó đã lên đến mấy chục triệu rồi.
Ngoài ra còn tiền nhà, duy trì giáo viên đến trường tẩy trùng, khử trùng, hoạt động thì những phần lương đấy phải trả cho giáo viên và quản lý.
Một tháng phải chi phí 100 triệu đồng chưa kể các khoản phát sinh khử trùng, tẩy trùng và sắm các trang thiết bị để chuẩn bị đón học sinh đến học trở lại nên cũng rất tốn kém”.
Gánh nặng chi phí hoạt động, không có nguồn thu nên giáo viên ở các trường mầm non tư thục bị giảm lương, không lương (ảnh chỉ mang tính chất minh họa - nguồn Cơ sở giáo dục tư thục Bé Thông Minh). |
Trước thực trạng đó, chị Nho mong muốn có chính sách hỗ trợ các nhóm tư thục. Nếu kéo dài thì nhà nước cần hỗ trợ phần nào để hàng tháng cơ sở có tiền chi phí hỗ trợ giáo viên.
Chị Nho cho rằng, đến nay lo nhất vẫn là đời sống của giáo viên, nhân viên, còn chi phí nhà cửa có thể kêu gọi, thương lượng với chủ nhà.
Chủ yếu về giáo viên, về lâu về dài nghỉ như thế này là không có thu nhập, các cô không biết làm gì, không có việc gì để làm nên thu nhập không có bao nhiêu.
“Chính phủ cần có các khoản hỗ trợ cho giáo viên, nếu làm được điều đó thì vồ cùng cảm ơn” – chi Nho nêu ý kiến.
Ngoài ra chị còn cho rằng, hiện nay việc mua khẩu trang chuẩn bị đón các con đến trường rất là khan hiếm, không thể mua được. Do đó, nếu quận, phường, hay phía y tế hỗ trợ được cho các nhà trường thì đó là một điều rất tuyệt.
Giáo viên, nhà trường ngoài công lập kêu cứu vì Covid- 19 |
Trước đó, tâm sự với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Minh Chưởng, chủ của hệ thống Trường mầm non Tuổi Thở ở Nghệ An bày tỏ lo lắng.
Theo tâm sự của thầy Chưởng, tháng Tết phải chi bao nhiêu khoản vừa xong, vét hết tiền. Hoạt động của nhà trường phụ thuộc vào học phí tháng nào chi hết tháng đó nên học sinh không đi học, nhà trường không có khoản nào để thu nên không có tiền chi cho lương giáo viên.
“Khó khăn lắm rồi, cô thì không lương, nhà trường chưa biết bấu víu vào đâu để có tiền trả lương cho các cô” – thầy Chưởng lo lắng.
Theo thầy Chưởng, nếu nghỉ ngắn 1 đến 2 tháng sau này trường hoạt động trở lại sẽ tìm phương án trả bù lương cho các cô. Nhà trường phải xin các cô thông cảm.
Việc 150 giáo viên và nhân viên Trưởng mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An sống không lương, không thu nhập cần thiết phải được các cấp nghiên cứu để có phương án giúp nhà trường và các cô vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước những khó khăn như vậy, thầy Đặng Minh Chưởng tha thiết kêu gọi mong được hỗ trợ để giáo viên có lương khỏi tìm việc khác, có tiền để đóng bảo hiểm liên tục.
“Vốn làm trường là vốn vay cả dài hạn cả ngắn hạn, nếu không được giảm lãi, hoãn trả gốc thì nguy lắm…. Chính phủ phải có chính sách về vốn vay, lãi vay, hỗ trợ thêm nếu không nhiều trường phá sản” – thầy Chưởng nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, với những mô hình xã hội hóa giáo dục ở những vùng quê nghèo, còn nhiều khó khăn thì khả năng tài chính của các nhà trường là không lớn.
Chính vì thế cần phải có nghiên cứu tổng thể những tác động đối với các trường tư thục như Trường mầm non Tuổi Thơ ở Nghệ An để giúp các nhà trường vượt qua đợt dịch bệnh này.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả những trường tư thục ở thành phố lớn của Hà Nội cũng đang đối mặt với những rủi ro tài chính, các thầy cô cũng chịu tác động lớn vì dịch bệnh Covid -19.