Như thông tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sau khi Văn phòng Trung ương Đảng thông báo về chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan tới sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiều cơ quan đã vào cuộc.
Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được dư luận, các cơ quan báo chí rất quan tâm.
Có thể nói đây là điển hình cho việc bất cập, tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Những bất cập, tồn tại này cần được xử lý, chấn chỉnh, đặc biệt cần điều tra, xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình của dự bất cập trong công tác cán bộ. ảnh: Ngọc Kha. |
Từ vụ việc trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo ngày 26/7/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao trực tiếp Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm tra để kết luận đúng-sai vụ việc theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đồng thời giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra, kiểm điểm, xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2016.
Ai nâng đỡ ông Trịnh Xuân Thanh "vòng vèo" vào nhiều chức vụ? |
“Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ đang tiến hành triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm điểm, xem xét quy trình thực hiện đối với công tác cán bộ.
Sau khi có kết quả xác minh chính xác sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí.
Công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh, xem xét rất kỹ, nếu ai, cá nhân nào, tổ chức nào vi phạm, lợi dụng công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, ông Dũng cho hay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, người đứng đầu Chính phủ và tập thể thường trực Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ.
Mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Liên quan tới vụ việc này, ngày 1/8, Báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam đã đăng phát ngôn của ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường đương nhiệm của Quốc hội, phản ứng lại những phát biểu trước đó của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang – ông Huỳnh Minh Chắc.
“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư? |
Có thông tin cho rằng, tỉnh Hậu Giang không biết ông Trịnh Xuân Thanh cho tới khi ông Lê Hồng Tịnh giới thiệu. Tuy nhiên, ông Tịnh lại khẳng định, ông Huỳnh Minh Chắc biết ông Trịnh Xuân Thanh từ năm 2008.
Thời điểm này, ông Thanh đang làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) vào khởi công một dự án đô thị lớn tại tỉnh Hậu Giang.
Ông Tịnh nói: “Quả thật là tôi chưa bao giờ giới thiệu anh Thanh hay bất cứ ai cho Hậu Giang. Vậy nên anh Bảy Chắc nói tôi giới thiệu anh Thanh cho Hậu Giang thì không đúng.
Anh Bảy Chắc phải biết anh Thanh chứ, biết từ 2008 mà. Và mỗi khi anh Chắc ra đây dự các cuộc họp thì anh Thanh cũng thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với anh ấy, sao có thể nói không biết?”.
Những thông tin đưa ra từ các cựu quan chức của tỉnh Hậu Giang hoàn toàn đối lập, vì vậy rất cần có sự vào cuộc xác minh của cơ quan có thẩm quyền, nhằm chấn chỉnh mạnh mẽ đối với công tác cán bộ.