Những chiếc bánh chưng của cô trò điểm trường Mô Rỗi

28/01/2019 06:37
Nguyễn Trung Thành
(GDVN) - Nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của phụ huynh, cô trò ở điểm trường Mô Rỗi đã có nguyên liệu để gói những chiếc bánh chưng tặng bạn nghèo đón tết.

Những ngày này, khi mùa xuân đã gõ cửa khắp các bản làng dọc dãy Trường Sơn, thì cô trò của điểm trường Mô Rỗi (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cũng sôi động với nhiều hoạt động đón tết. Vui nhất vẫn là “tiết mục” gói bánh chưng được chuẩn bị công phu.

Học sinh điểm trường Mô Rỗi chuẩn bị lá dong để gói bánh.
Học sinh điểm trường Mô Rỗi chuẩn bị lá dong để gói bánh.

Điểm trường Mô Rỗi chỉ có 25 học sinh, trong đó có 7 em cấp tiểu học và 18 em cấp mầm non. Hầu hết, học sinh nơi đây đều là đồng bào Ca Dong, sống rải rác trong những bản làng heo hút.

Đường sá đi lại khó khăn, cách trở nên cuộc sống của người dân xứ này vẫn quanh năm đói nghèo. Tết đối với người đồng bào còn sơ sài, chẳng khác ngày thường là bao khi cái đói, cái rét vẫn luôn cận kề.

Học sinh trường Ma Lé học trang trí mâm ngũ quả và gói bánh chưng

Để tạo không khí ấm áp đón tết, các cô giáo vùng cao đã tổ chức “chương trình nấu bánh chưng xanh” cho các em học sinh người Ca Dong.

Cô Trà Thị Thu – giáo viên phụ trách điểm trường Mô Rỗi chia sẻ, học sinh ở miền xuôi còn rộn ràng sắm tết chứ các em nơi đây còn vất vả. Khi nghe tin các cô chuẩn bị gói bánh chưng xanh, ai cũng háo hứng, trông ngóng.

“Trường không đủ kinh phí nên phải kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân với số tiền hơn 1,5 triệu đồng.

Chúng tôi dùng số tiền này để mua nguyên liệu như: nếp, đậu xanh, thịt heo… từ dưới xuôi mang lên. Còn lá dong và lạt buộc thì nhờ bà con lên rừng hái về”.

Những miếng thịt được ướp cẩn thận, nếp vo kỹ và đậu cũng đã ngâm sẵn để làm nhân bánh. Tất cả công đoạn làm ra chiếc bánh chưng được các cô giáo điểm trường Mô Rỗi tận tình chỉ bảo cho các học trò của mình thực hiện. 

Mỗi công đoạn các cô đều làm mẫu cho học sinh và phụ huynh xem rồi thực hành lại. Ý nghĩa về chiếc bánh chưng ngày tết cũng được các cô giải thích khiến nhiều học sinh tò mò, thích thú.

Cắt gọn lá dong để chuẩn bị gói bánh.
Cắt gọn lá dong để chuẩn bị gói bánh.

“Nghe cô giáo nói sắp gói bánh chưng, tụi em vui lắm. Em cùng mẹ vào rừng tìm lá dong về rửa sạch, cắt gọn gàng và xếp thành từng tập để cùng cô giáo gói bánh”, em Hồ Thị Lài (học sinh lớp 2) hào hứng khoe.

Phụ huynh, học sinh cùng xếp thành hai hàng dài để gói bánh. Những chiếc bánh vuông vức được gói tỉ mỉ để chuẩn bị cho vào nồi.

Cô giáo Định Thị Minh Thúy cho biết, trường tổ chức nấu bánh chưng để gắn kết tình cảm cô trò, phụ huynh. Ngoài ra, cũng muốn giúp đỡ những phụ huynh người Ca Dong có món quà đón tết ấm áp hơn.

Hình ảnh học trò vùng cao, tự tay làm cỗ Tết

Sau hơn một ngày vất vả, cô trò điểm trường Mô Rỗi đã gói được 200 chiếc bánh chưng. Bốn chiếc nồi nấu bánh loại lớn được đặt ngay giữa sân trường để nổi lửa nấu bánh.

Những đứa trẻ vui đùa, chạy quanh nồi bánh chưng đỏ hồng chờ thưởng thức thành quả của một ngày lao động.

“Ngoài những chiếc bánh được bốc ra cho các em ăn tại trường thì toàn bộ số bánh chưng này được tặng lại cho bà con cùng học sinh của trường. Dù chỉ là món quà nhỏ thôi nhưng chúng tôi thấy vui và ý nghĩa”, cô Thúy tâm sự.

Những chiếc bánh dù không được vuông vức nhưng do chính bàn tay các học sinh làm nên.
Những chiếc bánh dù không được vuông vức nhưng do chính bàn tay các học sinh làm nên.
Phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng nhau gói bánh.
Phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng nhau gói bánh.
Không chỉ có những bạn học sinh tiểu học mà các em mầm non cũng tham gia.
Không chỉ có những bạn học sinh tiểu học mà các em mầm non cũng tham gia.
Một học sinh người Ca Dong rất vui vì được gói bánh.
Một học sinh người Ca Dong rất vui vì được gói bánh.
Các em được trải nghiệm và chia sẻ niềm vui trong những ngày cận tết.
Các em được trải nghiệm và chia sẻ niềm vui trong những ngày cận tết.
Nồi bánh chưng được nấu ngay giữa sân trường.
Nồi bánh chưng được nấu ngay giữa sân trường.
Các em được thưởng thức thành quả của một ngày lao động.
Các em được thưởng thức thành quả của một ngày lao động.

Những học sinh người Ca Dong đã có một cái tết sớm vui hơn, ý nghĩa hơn với nồi bánh chưng đong đầy tình cảm yêu thương giữa cái lạnh giá của núi rừng Trường Sơn.

Nguyễn Trung Thành