LTS: Trước thềm năm học mới đang cận kề, tác giả Thuận Phương đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về những nỗi ưu tư, lo lắng luôn thường trực trong tâm trí mỗi thầy cô giáo.
Đồng thời, tác giả cũng đưa ra câu hỏi “liệu giáo viên sẽ ước gì cho năm học mới?”.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không muốn làm “thủ quỹ” và chuyên viên “tư vấn tài chính”
Thầy cô giáo nào cũng sợ phải đứng ra vận động phụ huynh nộp và thu tiền. Đủ các khoản tiền phải thu vào đầu năm học có thể kể sơ bộ như: tiền học phí, tiền đồng phục, tiền bảo hiểm, tiền văn phòng phẩm, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền quỹ hội, quỹ lớp, tiền hai buổi, tiền mua sách giáo khoa, mua vở bài tập…
Trường thu ít thì hơn một triệu, trường nhiều lên đến vài triệu một em. Có trường những khoản tiền lớn sẽ giao cho thủ quỹ thu nhưng thầy cô vẫn luôn là người trực tiếp nhắc nhở, vận động thường xuyên.
Một số phụ huynh có điều kiện thường đóng luôn một lần thì giáo viên sẽ “đỡ mất công ngày nào cũng đòi”, nhưng phần lớn phụ huynh đóng lắt nhắt suốt cả năm nên nói đến việc vận động và thu tiền ai cũng khiếp.
Có lẽ, công việc gian nan và mệt mỏi nhất là việc vận động phụ huynh tham gia và đóng tiền bảo hiểm. Thầy cô nào muốn thu tiền bảo hiểm đạt tỉ lệ 100% để không bị nhắc tên trên hội đồng hay bị đưa vào danh sách “làm không tốt công tác chủ nhiệm” thì giáo viên đó phải có tài ăn nói, thuyết phục phụ huynh.
Nào là đóng bảo hiểm sẽ có nhiều quyền lợi như: khám chữa bệnh miễn phí, đỡ được gánh nặng về kinh tế khi bị bệnh…có phụ huynh lại phản ứng “con tôi bệnh có mấy khi đi khám ở bệnh viện, nhức đầu sổ mũi phải lên chờ cả buổi mất không cả nửa ngày công mới lấy được vài liều thuốc” hay có người phàn nàn “thái độ của y bác sĩ không mặn mà khi khám bảo hiểm…”.
4 điều mà tất cả thầy, cô mong đợi trong năm học mới |
Thầy cô vì muốn thu được tiền nên đã ra sức phản biện bằng cách bào chữa cho những thiếu sót của ngành bảo hiểm hay ngành y tế và “liều mạng” hứa “bây giờ không còn xảy ra tình trạng như thế nữa”.
Khoản tiền thứ hai gian nan không kém là tiền quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh. Theo quy định, đây là khoản tiền tự nguyện phụ huynh nào muốn đóng thì đóng, không thì thôi và đóng bao nhiêu cũng được.
Nhưng như thế, một lớp được mấy người đồng ý nộp? Thế là chẳng ai dám nói đến hai chữ “tự nguyện”, chẳng trường nào dám đọc thông tư 55. Trường thì đưa mức sàn thấp nhất là 200 nghìn đồng, trường thu đồng loạt 100 nghìn đồng/học sinh. Nhiều người nói “dù ít nhưng nó an toàn, để đóng góp theo tinh thần tự nguyện biết đâu chẳng được số đấy”.
Khoản tiền thứ ba là tiền học hai buổi. Quy định học sinh học 2 buổi/ngày nhưng phụ huynh lại phải đóng tiền cho con hàng tháng. Khoản tiền này mỗi địa phương có mức thu khác nhau, nơi thu 50 nghìn/tháng/học sinh, có nơi thu 100 nghìn, có nơi lại thu 200 nghìn/tháng.
Phụ huynh đồng ý nộp nhưng cũng nộp rải rác suốt năm. Thế rồi, hằng ngày, lên lớp thay vì vào bài dạy, giáo viên bao giờ cũng thu tiền rồi nhắc nhở những học sinh chưa nộp…sau đó mới bắt đầu cho công việc chuyên môn.
Sợ chạy xô với các hội thi
Chỉ vào năm học được khoảng 2 tuần là hầu như tất cả giáo viên phải chạy xô với các hội thi. Trước là thi cho chính mình, sau là học trò và cả lớp.
Hội thi đầu tiên là thi “Giáo viên dạy giỏi cấp trường”. Năm nào hội thi này cũng diễn ra từ đầu năm và kết thúc vào khoảng giữa năm học. Giáo viên cũng trải qua 3 vòng thi là: sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực và thi 2 tiết dạy.
Hình ảnh minh họa về việc tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Nếu thầy cô nào được Ban giám hiệu “chấm” thì tiếp tục lo thi tiếp hội thi “Giáo viên dạy giỏi cấp thị” hoặc “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”. Nội dung thi cũng gồm 3 vòng như trước. Rồi thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp trường, cấp thị, cấp tỉnh…cứ xoay vòng vòng đến chóng mặt.
Song song với việc lo cho mình đi thi, giáo viên sẽ cùng học trò dự thi các cuộc thi Toán, Anh văn trên mạng, thi Vở sạch chữ đẹp cấp trường, cấp huyện thị, Em yêu Văn học, hùng biện tiếng Anh, Em yêu Lịch sử....
Nói là trò thi nhưng thầy cô luôn là nhân vật chính vừa hướng dẫn, đôi khi còn thi giúp vì để tự các em làm đôi khi không thể qua vòng 1 mà đủ điều kiện dự thi tiếp.
Nói là ước thế cho vui chứ nhiều người nói: “Biết đến bao giờ điều ước đó mới thành hiện thực” trừ khi “phụ huynh cùng chung tay hỗ trợ với giáo viên trong việc tham gia đầy đủ các quy định của nhà trường, nộp các khoản tiền đúng hạn. Và ngành Giáo dục mạnh tay dẹp bỏ những hội thi như tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục vừa qua.