LTS: Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông, thầy giáo Thiên Ấn cho biết nhiều giáo viên rất vui mừng, phấn khởi.
Theo đó, thầy cũng đưa ra đề xuất nên giữ lại một số cuộc thi mang ý nghĩa thiết thực.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn tới các sở Giáo dục, trường phổ thông trực thuộc Bộ, yêu cầu tinh giản cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức.
Bộ đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị…
Trước đó, cuối năm 2016, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa có công văn đến các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát thực trạng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông đang được tổ chức nhằm loại bỏ những cuộc thi không thiết thực.
Công văn nêu rõ, mục tiêu của việc rà soát là loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và các nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Các sở Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành rà soát lại các cuộc thi đang được tổ chức tại các địa phương và báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những ưu điểm, hạn chế, khó khăn của giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi này cũng như đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn yêu cầu giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. (Ảnh minh hoạ: Giáo dục và thời đại) |
Thời gian qua, báo chí có hàng loạt bài viết phản ánh, phân tích về ngành giáo dục đã tổ chức quá nhiều cuộc thi, hội thi gây áp lực, căng thẳng nặng nề cho thầy, cô giáo và học sinh dẫn đến tình trạng đối phó, hình thức, gượng ép, không thực chất… khi tham gia thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, thấu hiểu nỗi khổ, sự mệt mỏi của học sinh, các nhà trường, thầy cô giáo ở dưới cơ sở và có mấy công văn chỉ đạo kịp thời, đúng lúc.
Hầu hết, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ở các địa phương đều phấn khởi khi đón nhận thông tin này.
Một cô giáo dạy tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ giảm các kỳ thi thì tốt chứ.
Nhưng công văn thì vẫn chưa nêu cụ thể là giảm kỳ thi nào, nếu cứ chung chung như vậy tôi sợ rằng sẽ vẫn chỉ là chỉ đạo rồi để đó thôi và sẽ không hiệu quả.
Vì vậy, tôi nghĩ Bộ nên xác định rõ kỳ thi nào không hiệu quả, đưa ra danh sách phải bỏ luôn.” (Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).
Ở góc nhìn và trải nghiệm của một thầy giáo, cán bộ quản lý bậc trung học phổ thông, theo tôi, ngành giáo dục nên giữ lại và tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi sau đây.
Đối với giáo viên nên duy trì Hội thi giáo viên dạy giỏi và Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi theo quy định hiện hành, cấp huyện 2 năm tổ chức 1 lần, cấp tỉnh 4 năm tổ chức 1 lần.
Hội thi giáo viên dạy giỏi thực sự là một “sân chơi” bổ ích, cần thiết cho hoạt động chuyên môn, sư phạm nhà giáo.
Sắp tới, những cuộc thi nào ở nhà trường sẽ bị chấm dứt?(GDVN) - Không biết các ngành giáo dục địa phương sẽ thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ như thế nào? Những cuộc thi nào sẽ được giảm? Những cuộc thi nào sẽ giữ lại? |
Đến đó, các thầy cô được giao lưu, học hỏi, tự tin tỏa sáng, thể hiện khả năng dạy học của mình, có thêm kinh nghiệm, phương pháp tốt để tự trau dồi, nâng cao năng lực dạy học.
Mặc dù, ở nơi này, nơi kia tổ chức chưa tốt, từng bị giáo viên phản ứng, chê trách nhiều nhưng “sân chơi” này vẫn được đánh giá cao, khó có thể phủ nhận giá trị và đóng góp của nó đem lại.
Để Hội thi giáo viên dạy giỏi thật chất, thu hút được nhiều thầy cô giáo tự nguyện tham gia, Ban tổ chức cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chọn lựa các Ban giám khảo đủ “tâm và tầm” hơn nữa.
Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi ra đời mới đây, năm 2012, kèm theo Thông tư 43 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 5 năm qua, nhiều địa phương cũng đã tổ chức khá thành công Hội thi này.
Giáo viên có dịp hiểu biết thêm những văn bản, quy định về công tác chủ nhiệm, đồng thời thấu hiểu, yêu thương hơn những hoàn cảnh, số phận học sinh mà mình đã, đang dày công giáo dục, uốn nắn.
Đây là một hội thi có nhiều ý nghĩa, ngoài việc khẳng định, tôn vinh còn đánh thức vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của các thầy, cô giáo chủ nhiệm trong bối cảnh giáo dục đạo đức học sinh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với học sinh phổ thông, học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông nên có 1 kỳ thi chọn học sinh giỏi cuối cấp do nhà trường tự tổ chức là đủ, xóa bỏ các kỳ thi chọn học sinh giỏi các khối lớp hoặc cuối cấp do Phòng, Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm lâu nay.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi chỉ duy trì ở cấp trường hằng năm nhằm phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng những học sinh có khả năng tốt về các môn học văn hóa.
Không tổ chức rầm rộ các kỳ chọn học sinh giỏi cấp cao hơn, vừa chống được căn bệnh thành tích, luyện “gà nòi” vừa đỡ lãng phí, tốn kém kinh phí tiền bạc không nhỏ của Nhà nước và công sức, thời gian của giáo viên, học sinh.
Còn học sinh dự thi học sinh giỏi cấp khu vực, quốc tế thì lấy nguồn từ học sinh xuất sắc của trường chuyên các tỉnh - nơi được đầu tư tốt, nơi hội tụ nhiều học sinh giỏi, rồi tổ chức tuyển chọn và bồi dưỡng trong thời gian ngắn như nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới từng làm.
Học là chính hay chỉ là thi thố?(GDVN) - Thi thố nhiều, điều lợi mang đến thì ít nhưng những mất mát lại lớn hơn rất nhiều. Thầy chểnh mảng dạy dỗ, trò mất thời gian học hành. |
Cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành học sinh trung học phổ thông nên tiếp tục duy trì hằng năm, gắn lý thuyết với thực hành, nhà trường với thực tiễn đời sống.
Tổng kết các cuộc thi này trên phạm vi cả nước, ban tổ chức, ban giám khảo từng rất ngạc nhiên, bất ngờ trước những sản phẩm mang tính sáng tạo, hiệu quả cao của các em học sinh phổ thông dưới sự hướng dẫn của nhà trường, thầy cô giáo và có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống.
Cần lắm những cuộc thi mang tính ứng dụng, thực hành như thế, luôn khơi nguồn, khích lệ được khả năng sáng tạo, cải tiến của học sinh phổ thông trên mọi lĩnh vực.
Ngoài hai kỳ thi, cuộc thi chính nói trên, các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo, từng năm hoặc hai năm một lần nên chọn tổ chức một cuộc thi, hội thi thuộc về giáo dục kỹ năng sống, phù hợp và cần thiết với các em học sinh từng bậc học, từng địa phương, ví dụ như kỹ năng bơi, kỹ năng ứng xử, phòng chống các tệ nạn xã hội… là đủ.
Tất nhiên, phải tổ chức cho nghiêm túc, bản bài, công tâm, khách quan, trung thực… thu hút được các nhà trường, các đối tượng giáo viên, học sinh hăng hái, tích cực tham gia.
Trước hết, thể hiện ở tính trách nhiệm, nghiêm túc thật sự của ban tổ chức, ban giám khảo các cuộc thi, hội thi, đơn vị nào, em nào giỏi, tốt thì đánh giá giỏi, tốt.
Còn đơn vị nào, em nào chưa được thì chấm điểm chưa được, tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích, nể nang, tình cảm cá nhân…
Có vậy, các kỳ thi, hội thi cùng các giải thưởng mới giá trị, có tác dụng thi đua đúng nghĩa trong toàn ngành giáo dục.