Những lỗi cần tránh khi giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài

10/07/2023 06:42
NGƯT Tô Ngọc Sơn tại Lào
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo ưu tú Tô Ngọc Sơn (tại Lào) điểm qua một số lỗi (thường mắc phải) cần tránh để công việc giảng dạy tiếng Việt trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn.

Lan tỏa ngôn ngữ Việt trên đất nước bạn là việc làm rất cần thiết. Khi ngôn ngữ Việt được nhiều người ngoại quốc biết đến, cộng đồng người Việt và người nước ngoài có được tiếng nói chung, hiểu được nhau ắt hẳn sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị sẽ ngày một bền chặt hơn.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, tôi đã nhận ra một số lỗi sai mà thầy cô, những người giảng dạy tiếng Việt cần tránh để người học dễ dàng nhận biết tiếng Việt, ham thích học và nhanh chóng nói, viết chữ Việt tốt hơn.

Tôi xin điểm qua một số lỗi (thường mắc phải) cần tránh để công việc giảng dạy trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn.

Bắt buộc người học viết đúng theo mẫu chữ

Chữ Việt là ký tự riêng của người Việt. Có thể tự hào nói rằng chữ Việt của chúng ta ngày nay rất chuẩn, rất đẹp. Trong từng nét chữ luôn có sự uyển chuyển, thanh tao, nhã nhặn, rất thon gọn, nhưng cũng dứt khoát, và không kém phần cương nghị. “Nét chữ nết người” ý nghĩa câu thành ngữ đã cho thấy rất rõ giá trị đích thực của chữ Việt.

Tiếng Việt là ngôn ngữ bắt buộc ngay từ bậc tiểu học, các em học sinh phải tập luyện trau dồi từng ngày.

Giáo viên tiểu học phải rèn luyện viết đúng mẫu để giảng dạy. Thế nhưng khi đã lớn lên, các cấp học trên dần dà được nới lỏng, không còn trau chuốt, đúng chuẩn như những ngày mới cấp sách đến trường.

Theo quá trình phát triển tự nhiên đó, việc giảng dạy chữ Việt cho người nước ngoài cũng cần được thông thoáng. Việc viết đúng, viết đẹp chữ nước ngoài quả thật không phải một sớm một chiều mà làm được. Viết đúng con chữ để đọc được là một kết quả đáng khen ngợi đối với người học tiếng nước ngoài.

Việc người dạy bắt buộc người nước ngoài viết đúng theo mẫu chữ người Việt là một việc không nên làm.

Việc này không mang tính lan tỏa mà ngược lại làm cho người học cảm thấy quá khó, từ đó cảm giác ngại học tập, tiếp xúc với chữ Việt, tiếng Việt.

Nhà giáo ưu tú Tô Ngọc Sơn trong một giờ lên lớp.

Nhà giáo ưu tú Tô Ngọc Sơn trong một giờ lên lớp.

Đừng nặng nề việc giọng chuẩn

Hiện nay nhiều người dạy tiếng Việt ở nước ngoài hiểu nhầm và tuyên bố giọng Hà Nội là giọng chuẩn được quy định. Thực tế không có văn bản pháp lí nào quy định như vậy.

Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ) theo quy định tại Hiến pháp 2013. Việc nói đúng, viết đúng chữ quốc ngữ là trách nhiệm của mỗi công dân Việt kể cả trong và ngoài nước.

Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng miền khác nhau nên có sự khác biệt về ngữ điệu giọng nói, cách thức phát âm.

Điều này đã tạo nên sự đa sắc của lời nói, rất đặc trưng, rất độc đáo của người dân Việt trên đất nước Việt Nam.

Chính vì những lí do trên người dạy không thể nói với người học là giọng nói nơi nào hay vùng nào là chuẩn. Nếu vùng này chuẩn thì vậy vùng kia không chuẩn sao?

Gượng ép phát âm đúng chuẩn

Việc phát âm đúng chuẩn khi đọc và nói tiếng Việt là việc nên làm. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền như đã nói trên, thầy cô không thể gượng ép người học phải đọc như cách đọc được quy chuẩn.

Phải nhìn thực tế trên đất nước Việt Nam, ngay trong một vùng, cũng đã có sự khác biệt về âm điệu. Chính vì vậy, việc bắt người học phải phát âm đúng như người bản xứ là một việc không nên làm.

Thay vì cứ loay hoay với cách phát âm (ch/tr, r/g, x/s, b/p,… hay những tiếng có âm cuối: n/ng/nh, c/t, ….), chúng ta nên tập trung vào ngữ nghĩa.

Hãy chỉ ra cách phân biệt hoặc cách dùng trong văn cảnh, ngữ cảnh chắc chắn người học sẽ cảm thấy dễ học và dễ nhớ hơn. Và làm như vậy người học vô hình trung được học thêm nhiều từ vựng hơn.

Biết dùng từ ấy lúc nào, trong trường hợp nào, và cứ như thế người học cũng sẽ phát âm đúng hơn. Cung cấp vốn từ, nhận diện và phân biệt vốn từ là việc thầy cô nên làm.

Dùng từ, sửa từ mang tính chất địa phương

Người thầy nếu đã hành nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thì phải chịu khó học tập, tìm hiểu và tự mình mở rộng vốn từ trên cả ba miền đất nước Việt Nam.

Không thể chỉ biết được ngôn ngữ một vùng, một địa phương mà khẳng định từ ngữ người khác dùng là sai, là không phù hợp.

Mỗi một vùng miền trên đất Việt đều có một phong cách riêng, một sắc thái ngôn ngữ riêng biệt.

Từ đó, cách nghĩ, cách nói, cách tư duy, tưởng tượng cũng trở nên muôn màu, muôn vẻ không nơi nào giống nơi nào.

Chẳng hạn: heo = lợn. Miền Nam: "Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng", trường hợp này dùng từ lợn thì lại không phù hợp.

Hay: "Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo thì lòng mới ngon", trường hợp này khi thay thế lợn bằng heo thì câu nói lại nhạt nhẽo không hay, không đúng với điều đang muốn ám chỉ. Sự khác nhau về từ ngữ dẫn đến cách nghĩ, cách nói cũng không giống nhau.

Việc hiểu ý nghĩa của từ, dùng từ đặt câu để truyền tải những thông tin, thông điệp cần gửi gắm là việc phải làm.

Tuy nhiên khi dùng từ hay chữa từ cho người học chúng ta hết sức cẩn thận, tránh trường hợp chỉnh sửa theo hiểu biết cá nhân mang tính địa phương.

Chẳng hạn câu chuyện sau: "Sáng đi bộ thể dục, sao chị không đến rủ em đi cùng? Chị đi sớm, khoảng 4 giờ sáng, thấy em còn ngủ nên ngại, ghé lục dậy thì kì quá."

Như vậy “lục” là văn nói được dùng thường xuyên của một vùng giống ý nghĩa người miền Nam thường dùng là gọi dậy.

Nhưng nếu người miền Nam không hiểu bảo rằng sai là quả thật không đúng, gọi dậy quả thật không đủ sắc thái ý đồ người dùng. Hãy tôn trọng phương ngữ của người nói.

Hoặc khi chỉnh sửa từ cho người khác, người dạy phải thấu hiểu văn cảnh, đồng thời phải hiểu tất cả các nét nghĩa của từ.

Quê hương mình có thể từ đó là đồng nghĩa, giống nhau nhưng nơi khác lại không phù hợp bởi bản chất từ ngữ trong mỗi ngữ cảnh có một ý nghĩa riêng.

Chẳng hạn: phát triểntrưởng thành. Mặc dù có một nét nghĩa chung chỉ sự thay đổi thể trọng, bản chất theo chiều hướng tăng dần nhưng không thể nào nói là từ đồng nghĩa hoàn toàn có thể dùng chung như nhau.

Để đảm bảo an toàn cho người dạy và cả người học không mắc phải lỗi về dùng từ, người dạy không nên khẳng định từ ấy sai, hay nói rằng từ ấy không đúng, không phù hợp.

Nếu chúng ta không am hiểu từ ngữ của các vùng miền thì hãy khuyến khích người học sử dụng từ ngữ thường dùng chung trong cả nước, ví dụ: lục dậy nên sử dụng từ dùng chung gọi dậy.

Chúng ta không khẳng định họ dùng sai mà nên nói rằng: Dùng từ này phổ biến hơn, hay hơn, phù hợp với vùng miền này, hoàn cảnh này,…

Tránh nhận xét “Sai” khi người học đặt câu, nói câu

Học từ, nhớ từ đã khó và nói được câu càng khó hơn. Tâm lí chung của người học tiếng nước ngoài là rất thích được nói.

Nói được thành câu không cần biết đúng hay sai, cảm giác đầu tiên là thấy vui sướng và muốn được nói nhiều hơn.

Hiểu được cảm xúc ấy, người dạy tuyệt đối không được phán ngay từ “Sai” khi câu nói chưa tròn trĩnh hay chưa đúng với ý người dạy.

Khi bị đánh giá sai người học bị ảnh hưởng tâm lí nặng theo hai chiều hướng: tự ái vì mình bị chê trách, phê bình; rụt rè, ngán ngại không dám nói thêm vì sợ sai, người học cụt hứng.

Cách chữa lỗi sai trực tiếp bằng việc đánh giá “sai” như vậy rất gây phản cảm. Trong quá trình giảng dạy hãy khuyến khích tâm lí người học, tạo cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng, cảm giác học tập tiếng Việt rất dễ.

Chẳng hạn: "Lớp học tôi hiện tại có 6 người như là: lớp trưởng, hai bạn nam, hai bạn nữ và giáo viên." Câu nói này hoàn toàn đúng, cách ngắt ý bằng các dấu câu cũng không sai phạm gì.

Nhưng nếu thầy cô thấy từ như là có vẻ dư trong trường hợp này thì khuyến khích bỏ để câu nói gọn hơn, nghe hay hơn không thể nói rằng dùng từ ấy trong trường hợp này là sai.

Tất cả các từ: như, bao gồm, gồm có, là,… đều có thể dùng được, câu nói không có gì sai và nếu lượt bỏ đi, chỉ ghi dấu (:) rồi liệt kê ra câu nói trở nên gọn nhẹ cũng sẽ hay.

Tùy theo sở thích người dùng, người nói, chúng ta nên tạo cảm giác dễ chịu và hưng phấn nhất để người học cảm thấy mình luôn được nói đúng trong quá trình học tập.

Khi người học đủ thấu hiểu ngôn ngữ Việt thì họ sẽ tự nhận ra đúng sai, hay dở để điều chỉnh, người dạy không phải vội vàng chỉnh sửa (khi chưa đáng sửa) làm mất niềm vui, ham thích khi học tiếng.

Trong quá trình thực thi bất kì nhiệm vụ nào, ít nhiều chúng ta cũng đều vướng mắc những sai sót, những lỗi không đáng có. Việc này là lẽ đương nhiên thôi.

Nếu chúng ta nhận diện và điều chỉnh kịp thời thì mọi việc sẽ tốt đẹp và sẽ gặt hái thành công hơn.

Tôi hi vọng những lỗi phổ biến trên đây được lan tỏa để những sai sót nhỏ bên cạnh sớm được khắc phục và việc lan tỏa tiếng Việt trên nước bạn ngày một chuẩn xác hơn.

NGƯT Tô Ngọc Sơn tại Lào