“Học tiếng Việt không quá khó nhưng không phải dễ” – nhiều học viên nêu cảm nhận khi tham gia lớp học dự bị Tiếng Việt (1 tháng, 3 tháng) tại Trường Đại học Champasak (Lào).
Những chia sẻ thật lòng đó đã khiến giảng viên Anonglak phải trăn trở. Cô luôn cảm thấy rất nặng nề khi nhìn thấy sự ngần ngại của học viên trong việc học tiếng Việt.
Làm thế nào để học viên hứng thú, say mê hơn trong học tập? Làm sao để giờ dạy trở nên ấn tượng, thu hút? Bằng cách nào nhanh nhất có thể để các học viên nói được và viết được tiếng Việt trong một thời gian ngắn này?
Những câu hỏi này cần tìm câu trả lời này đã vô tình thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình vun đắp ước mơ trở thành giảng viên dạy Tiếng Việt cho người Lào của cô giáo Anonglak.
Cô Anonglak giảng viên dạy Tiếng Việt - Trường Đại học Champasak (Lào). Ảnh: Ngọc Sơn |
Hành trình vun đắp ước mơ
Cô Anonglak (sinh năm 1984) là giảng viên Trường Đại học Champasak từ năm 2007. Là một giảng viên giảng dạy tiếng Lào nhưng cô có niềm đam mê cháy bỏng được du học Việt Nam. Chỉ trong một thời gian học tập ngắn ngủi (3 tháng) cô đã nói và viết được tiếng Việt.
Du học Việt Nam năm 2016, tại lớp cao học, cô luôn ấp ủ phải chiếm lĩnh “phương pháp dạy học văn và tiếng Việt”.
Để tự rèn giũa mình, cô đã mạnh dạn tham gia tất cả các hoạt động mà thầy cô truyền dạy. Cô càng hứng thú, say mê hơn với những hoạt động thực hành trải nghiệm nói và viết tiếng Việt mà thầy cô tổ chức.
Khi hồi tưởng lại hành trình, cô hé nở nụ cười tươi kèm theo lời nói khẽ: “Học tiếng Việt khó lắm!”.
“Ba tháng học tiếng Việt tại Lào, tôi phải cố gắng, miệt mài học tập nhiều lắm, học cả ngày lẫn đêm mới có thể biết và nói được tiếng Việt nhưng chỉ chút ít thôi.
Khi sang Việt Nam được tiếp xúc trực tiếp với người Việt, tôi ngày một hiểu biết nhiều hơn, nói đúng hơn và thích nói nhiều hơn. Tôi mạnh dạn trò chuyện với các bạn người Việt.
Những gì chưa biết, chưa hiểu tôi đề nghị các bạn giải thích. Tôi ghi lại tất cả những điều mới lạ mà tôi được nghe thấy. Đặc biệt tôi thích nghe nhạc Việt và sẵn sàng tập hát. Chính những ý tưởng này đã giúp tôi nhanh chóng gần gũi, thân thiện với tiếng Việt – cô Anonglak chia sẻ.
Ngót một năm học tiếng Việt theo chương trình khóa học, cô đã đọc thông viết thạo. Cô đã phát huy được sở trường của mình và từng bước thực hiện ước mơ của mình.
Không chỉ lĩnh hội đầy đủ các kiến thức các giảng viên Việt Nam đã chỉ dẫn mà cô Anonglak còn ngày một thấm nhuần, thành thạo hơn phương pháp giảng dạy tiếng Việt từ những “hình mẫu” mà thầy cô đã thể hiện.
Năm 2019 cô Anonglak đã được Đại sứ quán Lào tại Việt Nam tặng 2 Bằng khen: Xuất sắc trong việc học tập tại Việt Nam và Bằng khen về hoạt động giúp đại sứ truyền bá văn hóa quốc gia Lào tại Việt Nam.
Quả thật đây là sự ghi nhận xứng đáng cho sự kiên trì và những nỗ lực của cô.
Băn khoăn tìm lời giải giúp sinh viên Lào học tiếng Việt
Để giải đáp những câu hỏi đã gặp phải trong việc cải thiện khả năng học tiếng Việt cho học viên Lào, cô bắt đầu từ việc sắp xếp lại phân phối chương trình.
Cô mạnh dạn sắp xếp lại nội dung giảng dạy sao cho phù hợp với thời gian học của từng đối tượng theo khung năng lực Tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
Cô muốn học viên rèn luyện từ việc học bảng chữ cái, âm, vần; tập đọc, tập nói tiếng, từ... đến việc luyện giao tiếp theo chủ đề; luyện viết đoạn văn theo chủ đề.
Để chuyển tải tất cả những mong muốn này đến học viên của mình, cô đã mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với tâm lí lứa tuổi.
Cô chú trọng vào việc phát huy năng lực người học. Khi học viên đọc, viết được tiếng Việt, cô tăng cường hoạt động thực hành trải nghiệm. Từng giờ dạy của cô đã gây ấn tượng, thu hút, đã thật sự mang lại hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Những tiết dạy tiếng Việt theo lối trải nghiệm, sáng tạo
Các học viên tranh tài trả lời câu hỏi tìm hiểu kiến thức quan hệ quan hệ hữu nghị hợp tác Lào - Việt, Việt – Lào. Ảnh: Ngọc Sơn |
Những tiết học tiếng Việt theo lối trải nghiệm, sáng tạo là những giờ dạy trải nghiệm rất thú vị. Nhằm giúp học viên có ấn tượng sâu sắc hơn về chữ viết, ghi nhớ tốt tiếng Việt, cô đã thiết kế hệ thống câu hỏi và câu trả lời với nhiều cấp độ (ít câu hỏi khó), gồm 70 câu hỏi. Sau khi học thuộc trong thời gian 3 ngày, buổi giao lưu kiến thức sẽ diễn ra.
Để tăng thêm phần long trọng và tạo hứng thú cho các học viên, cô mời thầy cô trong bộ môn tham dự. Lớp học được chia thành nhiều đội. Buổi giao lưu ngày một sinh động, hấp dẫn bởi sự tranh tài bốc thăm trả lời câu hỏi bằng tiếng Việt thật nồng nhiệt của các đội.
Giờ học không chỉ tạo cơ hội cho học viên tự tin sử dụng tiếng Việt mà còn giúp các bạn ghi nhớ sâu sắc về tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Cô Anonglak đứng thứ hai tính từ trái sang phải trong Lễ hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam. Ảnh: Ngọc Sơn |
Có thể nói, ý tưởng trải nghiệm này rất độc đáo. Học viên không chỉ tự mình biết thêm được nhiều từ ngữ tiếng Việt, nói được, giới thiệu được bằng tiếng Việt sản phẩm mà tự tay mình làm ra mà các bạn còn có sự hiểu biết phong phú về ẩm thực Việt Nam, nơi mà các bạn sẽ được học tập và trải nghiệm sau khi lớp học kết thúc.
Với cách làm nhẹ nhàng, hiệu quả cô đã tích cóp thêm thành công mới. Cô phân chia các lớp (cô dạy 2 lớp) thành các nhóm, giao việc cụ thể rõ ràng (mỗi nhóm chuẩn bị một món ăn vừa đủ số lượng nhóm mình).
Cả nhóm cùng xây dựng bài giới thiệu sản phẩm, cử người giới thiệu cho nhóm. Khi các nhóm trình bày, các thành viên trong nhóm theo dõi có thể đặt câu hỏi để chất vấn nhóm bạn về điều mình cần biết thêm.
Buổi giao lưu thành công rực rỡ với sự chứng kiến của quý thầy cô giảng dạy tiếng Việt trong tổ. Học viên ngoài việc được tiếp thu một lượng kiến thức tiếng Việt khá lớn còn được giao lưu một buổi tiệc thịnh soạn.
Cô Anonglak quan sát sự chuẩn bị của học viên hoạt động bổ trợ kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Ảnh: Ngọc Sơn |
Khi học viên nói và viết được tiếng Việt, giao tiếp thông thường bằng tiếng Việt, nhằm đẩy nhanh tiến độ chất lượng giảng dạy theo phân phối chương trình đã đề ra, cô đã tổ chức thêm các hoạt động bổ trợ.
Cô giao cho các nhóm các chủ đề như: Một ngày của bạn, gia đình của tôi, bản thân tôi, thời tiết đất nước tôi, kinh nghiệm của tôi trong thời gian học tiếng Việt.
Mỗi học viên lựa chọn một chủ đề mà em thích. Mỗi nhóm 5 em, trong nhóm không được trùng chủ đề. Sau thời gian chuẩn bị 3 ngày các em sẽ tham gia buổi giao lưu với sự giám sát của thầy tổ trưởng bộ môn và các thầy cô trong tổ. Mỗi em trình bày không quá 3 phút.
Cô Anonglak, giảng viên bộ môn Tiếng Việt - Trường Đại học Champasak, Lào. Ảnh: Ngọc Sơn |
Được tận mắt nhìn thấy kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và khả năng ứng phó linh hoạt trong quá trình diễn giải mới thầm thán phục tinh thần học tập của các học viên. Và điều đó đã thể hiện rõ thành quả vượt trội rất đáng tự hào, đáng trân trọng mà giảng viên Anonglak đã nỗ lực gặt hái được.