Những người thầy trong tôi

20/11/2019 06:34
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Với tôi, hình ảnh những người thầy đáng kính vẫn còn đẹp mãi trong tâm trí, nhắc nhở mình hãy sống tốt hơn giữa cuộc đời đầy bụi bặm này…

Chúng tôi học lớp Vỡ lòng (trước khi vào lớp một) năm 1962 tại một căn phòng trống trong kho hợp tác xã… Gần hai chục đứa, chân đất đầu trần, đánh vần theo từng lời giảng của thầy Nguyễn Bá Vinh, trạc ngoài hai mươi tuổi.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những bài học thuở đầu tiên ấy như: “Bùi như lạc/ Đặc như bí/ Đỏ như gấc/ Trắng như bông” hoặc “Bà Còng đi chợ trời mưa/ Cái Tôm cái Tép, đi đưa bà Còng/ Đưa bà đến quãng đường đồng/ Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà/ Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép, Tôm nhặt được, trả bà mua rau”…

Thầy dạy chúng tôi cách nắn nót viết chữ ngay hàng thẳng lối, xoa đầu chúng tôi khi chúng tôi học chăm… Cả xóm nhỏ luôn vang lên tiếng học bài con trẻ, một chân trời rộng mở đang đón chờ những mầm xanh…

Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Xong lớp Vỡ lòng, chúng tôi bước vào lớp một thực sự. Bấy giờ có học tiếng Việt, có bài hẳn hoi và học cả Toán, Đạo đức…Thầy dạy chúng tôi tên là thầy Đức, tính tình hiền lành, dễ mến, luôn vui vẻ, nhẹ nhàng với đám học trò như đàn vịt con lần đầu xa mẹ… Rồi lớp hai có thầy Đính; lớp ba, lớp bốn có thầy Luận.

Học xong lớp bốn, chúng tôi phải trải qua một kỳ kiểm tra để lên lớp năm và có cô Bích làm chủ nhiệm. Rồi lớp sáu có thầy Phạm Văn Hiệp làm chủ nhiệm; lớp bảy có thầy Mỡn chủ nhiệm.

Chúng tôi lại trải qua kỳ thi tuyển để vào học cấp 3 (bắt đầu từ lớp tám, hệ 10 năm ở miền Bắc giai đoạn 1954- 1975). Thầy chủ nhiệm lớp tám, lớp chín, lớp mười là thầy Ngô Vân Mỹ, người Quảng Ngãi tập kết…

Nhớ được tên từng người thầy đáng kính bởi người thầy giáo thuở ấy đúng là hình mẫu lý tưởng của thế hệ chúng tôi.

đồng lương ít ỏi, vừa đủ trang trải đời sống hàng ngày (khoảng 360 đồng) nhưng thầy cô vẫn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Những học sinh còn yếu kém, thầy cô được nhà trường phân công dạy phụ đạo, không lấy tiền (vì nếu đóng tiền cũng không có). Chừng nào các em học theo kịp bạn mới thôi.

Hàng đêm, thầy cô chủ nhiệm đi đến từng nhóm học (chúng tôi thường học theo nhóm, tự giác giúp đỡ nhau vì “học thầy không tầy học bạn”).

Có một người thầy như thế

Thầy cô kiểm tra chúng tôi học đúng giờ giấc không, học thực chất không? Có khi còn mang theo những bắp ngô luôn, những củ khoai lang nướng hoặc vài ổ bánh mỳ cho các nhóm chia nhau đỡ đói …

Nói sao hết tình cảm chân thành của người dân vùng quê nông thôn hồi ấy đối với thầy cô giáo. Không cứ nhất thiết đến ngày 20/11 (hồi ấy gọi là Ngày hiến chương nhà giáo) mà mùa nào thức nấy, bên cửa sổ của phòng thầy cô trong khu lán tre nứa nội trú đôi khi là dăm bắp ngô tươi xanh, là một gói khoai lang hoặc trái bầu, trái bí…

Gần Tết thì là những chùm quýt, những trái cam vàng ngọt như tình nghĩa thầy trò.

Trong cơ chế thị trường, hình ảnh người thầy giờ cũng khác, không còn vẻ đẹp lung linh như thời xa xưa. Ngày lễ Tết, ngày 20/11, phụ huynh và học sinh đến chúc mừng thầy cô bằng những phong bì nặng nhẹ, dày mỏng tùy theo mức độ tình cảm.

Ngày tôn vinh nghề giáo hình như ngày càng nhạt nhòa hơn vì vật chất, vì đồng tiền.

Nhưng với tôi, hình ảnh những người thầy đáng kính vẫn còn đẹp mãi trong tâm trí, nhắc nhở mình hãy sống tốt hơn giữa cuộc đời đầy bụi bặm này…

LÊ LAM HỒNG