Tháng 11 nghĩ về hạnh phúc của người thầy, niềm vui của học trò

05/11/2019 06:37
NHẬT DUY
(GDVN) - Hạnh phúc có thể xa vời trong từng giờ học nhưng hạnh phúc cũng dễ tìm và gần lắm với cả thầy và trò nếu biết nắm bắt, nếu cùng thay đổi.

Mỗi năm, khi bước vào những ngày đầu của tháng 11 thì các trường học thường phát động nhiều phong trào cho cả thầy và trò để hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam- ngày tôn vinh nghề dạy học.

Cảm giác của phần lớn những người thầy trong tháng 11 cũng bâng khuâng khó tả hơn các tháng khác và yêu mến hơn nghề nghiệp của mình đang theo đuổi, mến hơn những học trò thân thương của mình đã và đang dạy.

Có niềm vui nào hơn khi hàng ngày người thầy vẫn đối diện với những học trò thân yêu của mình đang tràn đầy hy vọng, lạc quan và yêu đời.

Những nụ cười sẽ giúp thầy và trò hạnh phúc trong từng tiết học (Ảnh minh họa: TTXVN)
Những nụ cười  sẽ giúp thầy và trò hạnh phúc trong từng tiết học  (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hạnh phúc của cả thầy và trò được chắt chiu từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống hàng ngày ở trên lớp, trong trường. Có lẽ vì thế mà nghề dạy học hạnh phúc nhất là khi thầy được học trò tôn trọng, yêu mến, nhìn thấy học trò luôn lễ phép, biết lắng nghe và chăm chú bài giảng của mình. 

Và, học trò sẽ hạnh phúc khi thấy người thầy của mình biết sẻ chia, cảm thông với lứa tuổi học trò. Học mà vui, vui mà học, cả thầy và trò hiểu nhau cùng tôn trọng nhau thì đó đã là hạnh phúc.

Muốn hạnh phúc trong nghề nghiệp của mình, trước tiên người thầy phải tự tạo hạnh phúc cho mình và cho học trò. Ai chửi mình, ai nói nặng với mình chắc mình cũng không ưa, cũng khó chịu.

Học trò cũng vậy, tuổi các em đang lớn nhưng chưa đủ độ chín chắn vì thế mà các em đang cần sự định hướng, chỉ bảo tích cực của người lớn, trong đó có thầy cô đang trực tiếp giảng dạy các em.

Những cá tính của tuổi mới lớn, những nghịch ngợm của tuổi học trò thì thời nào chẳng có. Nhất là ở thời đại ngày nay đang có nhiều thay đổi. Học trò có phần lơ đãng hơn trong học tập, cá tính hơn trong lúc nghe thầy cô giảng bài.

Vậy thì, người thầy phải hiểu mình cũng cần phải thay đổi để thích nghi. Ông bà ta xưa từng dạy rằng “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” cơ mà. Mềm một chút, phá cách một chút để học trò nghe mình mà học tập lẽ nào lại không tốt hơn chăng?

Tháng 11 nghĩ về hạnh phúc của người thầy, niềm vui của học trò ảnh 2Cô thay đổi, trò hạnh phúc khi đến trường

Chửi học trò làm gì, đánh học trò làm gì, đó chỉ là sự bất lực của người thầy mà thôi.

Khi bất lực người ta mới dùng bạo lực, mà bạo lực trong nhà trường bây giờ là điều tối kị. Khi đã là điều tối kị rồi thì đương nhiên mình phải tránh, phải xa lánh những hành động không phù hợp với học trò.

Có mấy ai làm việc khi nóng nảy mà có được thành công và đương nhiên nghề dạy học càng không nên là người nóng nảy. Đừng biện minh cho hành động đánh học trò, chửi học trò là yêu thương học trò, cái thời “thương cho roi cho vọt” đã lùi xa vào dĩ vãng rồi.

Thầy dạy trò bằng tình yêu thương, trách nhiệm với công việc sẽ được trò kính trọng, trò thương yêu thầy. Khi cả thầy và trò hiểu nhau, tôn trọng nhau thì bài dạy, bài học của cả thầy và trò ắt sẽ thành công.

Và, đó là hạnh phúc, đó là điều cần thiết nhất của người thầy. Hạnh phúc đó cũng chẳng cần ai biết, miễn là thầy cô vào lớp thấy hứng khởi, ra khỏi lớp thấy mãn nguyện thế là tốt rồi. Từ lâu, nghề dạy học đã là một nghề âm thầm đưa đò, âm thầm gieo hạt…

Thầy hạnh phúc khi trò tích cực, trò hạnh phúc khi thầy không áp đặt và dễ tha thứ…

Hạnh phúc nhất của người thầy là khi đến lớp thấy học trò không căng thẳng, các em vui vẻ, các em tích cực hợp tác và học tập. Những công việc thầy giao trò chuẩn bị tốt, những câu hỏi thầy nêu trò phản biện hay.

Trò có thể phản biện lại thầy, nếu thầy sai. Thầy chưa đúng thì thầy nhận lỗi, nhận hạn chế của mình trước trò mới là điều đáng quý. Buồn nhất là thầy nói gì trò nghe đó, thầy sai mà trò cứ nghĩ thầy đúng, thầy nói gì trò cũng vâng, cũng dạ, thụ động trong học tập.

Học trò hôm nay có thể học chưa tốt, ngày mai có thể sẽ tốt, học trò hôm nay chưa ngoan, còn nghịch ngợm, quậy phá có thể ngày mai trò sẽ thay đổi. Việc thay đổi của học trò cần sự quan tâm, vị tha và không cố chấp của người thầy.

Tháng 11 nghĩ về hạnh phúc của người thầy, niềm vui của học trò ảnh 3Tôi chăm học sinh như chăm con mình ở nhà

Học trò chỉ thích học khi người thầy dạy nghiêm túc, chỉn chu trong từng lời nói nhưng luôn nhiệt tình và có kiến thức rộng, lên lớp thoát ly khỏi giáo án giảng dạy.

Đặc biệt, những thầy cô có một chút khiếu hài hước, biết giải tỏa những căng thẳng của học trò bằng những câu chuyện nhỏ, những câu nói vui để bớt đi sự căng cứng trong học tập, nhất là những tiết học cuối buổi.

Người thầy cũng cần gần gũi để hiểu được tâm lý học trò, hiểu được hành vi, thái độ học trò và nếu trò sai luôn cần thầy cô tha thứ. Học trò sợ nhất những người thầy vừa đọc giáo án, vừa giảng. Cứng nhắc trong mọi hoạt động dạy học và ứng xử trong từng tiết dạy.

Học trò đôi lúc có những sai sót, những vô tâm là chuyện cũng rất bình thường nhưng thầy đừng yêu cầu trò viết bản tường trình, bản tự kiểm khi không cần thiết, đừng bắt các em mang về để có chữ ký của cha mẹ nếu sự việc không nghiêm trọng.

Đừng thẳng bút ghi những chuyện lặt vặt vào sổ đầu bài, trò thích thầy tha thứ, nhắc nhở hơn là thẳng tay phê vào sổ hay đánh chửi, xúc phạm học trò trước lớp.

Các em cũng cần sĩ diện, các em cũng cần được tha thứ, uốn nắn bằng những phương pháp giáo dục nhân văn nhất. Bạo lực có thể khiến học trò sợ nhưng cũng có thể để lại vết thương lòng về tình thầy trò mãi về sau.

Tháng 11, ngành giáo dục và các trường có nhiều hoạt động lắm nhưng hoạt động nào đi chăng nữa thì mấu chốt vấn đề cũng là giúp học trò học tốt hơn, thầy cô thấy được trách nhiệm của mình nhiều hơn để làm tốt công việc hàng ngày của mình.

Hạnh phúc có thể xa vời trong từng giờ học nhưng hạnh phúc cũng dễ tìm và gần lắm với cả thầy và trò nếu biết nắm bắt, nếu cùng thay đổi.

NHẬT DUY