Những nỗ lực không mệt mỏi của giáo viên để học sinh không "ngồi nhầm lớp"

03/12/2024 06:46
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên phải sàng lọc một cách chính xác học lực học sinh, tuyệt đối không cho lên lớp những em không có khả năng đọc hoặc đọc quá yếu.

Từ rất nhiều năm nay, trong ngành giáo dục luôn tồn tại một nghịch lý, học sinh ở lại lớp còn khó hơn được lên lớp gấp nhiều lần. Thế nên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng "cười ra nước mắt" khi phụ huynh có con được lên lớp chạy theo thầy cô giáo để năn nỉ "cho con tôi được ở lại lớp năm học này" mà không được.

Những học sinh được "bắt" lên lớp như thế, người trong nghề vẫn thường gọi là "học sinh ngồi nhầm lớp". Việc cho những học sinh này lên lớp, không chỉ giáo viên giảng dạy lớp ấy chịu áp lực mà con đường học tập của những học sinh này cũng vất vả do các em không thể theo kịp.

Tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp cũng như giúp các em có thêm kiến thức để học hòa nhập cùng cả lớp, nhà trường và giáo viên Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã phải nỗ lực rất nhiều lần.

Đã có khá nhiều biện pháp giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập được triển khai trong nhà trường, nhờ đó mà nhiều năm qua, trong Trường Tiểu học Tân An 1 không có tình trạng "học sinh ngồi nhầm lớp".

Sàng lọc và phân loại học sinh, kiên quyết không cho học sinh lớp 1 đọc yếu lên lớp

Trong kinh nghiệm dạy học của bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp ở bậc tiểu học, muốn chấm dứt tình trạng "học sinh ngồi nhầm lớp" thì ngay từ lớp 1, chất lượng học sinh phải được đánh giá đúng, thực chất.

Giáo viên phải sàng lọc một cách chính xác các học sinh, tuyệt đối không cho lên lớp những em không có khả năng đọc hoặc đọc quá yếu.

Bởi, khi học sinh lớp 1 đọc yếu nhưng vẫn cho lên lớp 2 thì dù giáo viên lớp 2 có nỗ lực đến đâu, những học sinh này cũng rất khó biết đọc. Thậm chí, cuối năm những học sinh này có ở lại lớp thì việc đọc cũng khó cải thiện.

Do lớp 2, học sinh đã biết đọc thông viết thạo nên chỉ có những tiết đọc trơn, trả lời câu hỏi, viết chính tả, viết tập làm văn, luyện câu mà không phải là tập đọc chữ cái, ghép âm vần, tạo tiếng, từ như lớp 1.

Vì thế, đã có những học sinh phải lưu ban lớp 1 đến 3 năm liền mới được lên lớp 2. Nhờ đó, học sinh lớp 2 của trường không còn tình trạng đọc yếu.

Những giờ học 1:1

Sau 2 tiết học buổi sáng cũng như buổi chiều là giờ ra chơi, đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá của cả thầy và trò để chuẩn bị năng lượng cho những giờ học tiếp theo. Tuy thế, ở các dãy lớp học mà đặc biệt là khối lớp một, một số giáo viên lại chuẩn bị cho công việc kèm cặp học sinh yếu.

Dạo một vòng qua mấy lớp 1, hình ảnh dễ thấy nhất là một cô một trò để hướng dẫn cho các em đọc chữ cái, ghép tiếng, tạo vần.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, tổ trưởng chuyên môn, cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi (Bình Thuận) chia sẻ: “Nếu giáo viên chỉ dạy trên lớp theo đúng thời khóa biểu đã phân công thì một số học sinh chậm hơn sẽ không thể theo nổi. Vì thế, các cô phải bỏ thêm thời gian, công sức phụ đạo riêng”.

cô Minh.jpg
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh tranh thủ kèm học sinh trong giờ nghỉ tiết (Ảnh P.T)

Nói rồi, cô Minh nói lớp mình có 34 em nhưng có tới 2 em thuộc dạng khó khăn trong việc tiếp thu bài. Một em vào lớp trễ so với các bạn hơn 2 tuần nên cô phải kèm riêng để dạy đuổi chương trình.

Một em học vài ngày cũng chưa nhớ nổi một âm vần. Cô giáo phải cho đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng cứ nhớ trước lại quên sau.

Vì điều này, ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ ra chơi, cô lại cần mẫn ngồi bên từng học sinh để kèm đọc.

Cô Phạm Ngọc Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B chia sẻ: “Lớp tôi có 2 học sinh chậm hơn so với các bạn, ngoài việc tranh thủ kèm trong mỗi giờ học, tôi phải dạy riêng vào những giờ nghỉ tiết và giờ ra chơi. Thế nhưng, cứ học trước quên sau nên kèm vất vả lắm. Mỗi lần chỉ có thể kèm một em nên phải chia theo ca”.

Khối lớp 1 (gồm 3 lớp) năm nay sĩ số khá cao. Theo chia sẻ của một số giáo viên lớp 1, lớp nào cũng có vài ba em tiếp thu chậm hơn nhiều so với các bạn. Thầy cô dạy mãi, những em này mới đọc được một số âm, vần nhưng chỉ đến ngày mai lại không còn nhớ gì nữa.

Theo cô Mai Duyên (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A), các em không chỉ tiếp thu chậm, học trước quên sau mà học đến tháng thứ 3 có em vẫn không biết cầm bút để viết bài mặc dù ngày nào cô cũng phải cầm tay.

Kèm cặp, phụ đạo học sinh miễn phí bằng nhiều hình thức

Sau rất nhiều nỗ lực kèm cặp học sinh trong các giờ học, giờ ra chơi, giờ nghỉ của thầy cô thì vẫn có những em chưa có nhiều tiến bộ. Không buông tay, giáo viên tiếp tục sử dụng nhiều hình thức để giúp học sinh.

Có cô giáo phụ đạo học sinh yếu miễn phí vào những buổi tối. Có cô sau mỗi buổi dạy trên lớp lại nhẫn nại dành thêm gần tiếng đồng hồ để phụ đạo riêng cho một số học sinh chưa nắm được bài vừa học cũng như bồi dưỡng thêm những kiến thức còn hổng trước đó.

Thậm chí, vào dịp nghỉ hè, giáo viên của trường vẫn phụ đạo cho học sinh còn chậm tiến bộ. Điển hình như cô giáo Ninh Thị Yến, đã tận tụy với 2 học sinh chậm tiến trong thời gian được nghỉ của mình. Nhờ đó, lực học của các em này cũng được cải thiện rõ rệt.

Với sự nhẫn nại đầy quyết tâm của nhiều thầy cô giáo trong trường, chất lượng học tập của học sinh từng bước được nâng cao rõ rệt. Điều đáng mừng nhất là, ở các lớp hầu như không có tình trạng "học sinh ngồi nhầm lớp".

Không chỉ học sinh mà một số phụ huynh cũng thấy vui, ấm lòng vì nhận được sự quan tâm, sự tận tình dạy dỗ của các thầy cô. Cũng nhờ đó, việc hợp tác giáo dục giữa nhà trường và gia đình học sinh cũng trở nên tích cực và khăng khít.

Nói về điều này, cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An 1 cho biết: "Sau những chỉ đạo của nhà trường về việc thực hiện việc nắm bắt, phân loại học sinh để có kế hoạch hỗ trợ các em ngay từ những tuần đầu.

Các thầy cô giáo trong nhà trường đã có sự nỗ lực rất lớn, không chỉ giúp học sinh về kiến thức mà còn luôn hỗ trợ về vật chất, tinh thần để các em có điều kiện học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh".

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên