Từ nghề “trồng rừng” sang nghề “trồng người”
Xã Lìa thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong những vùng đất “sơn cùng, thủy tận” ở phía Đông dãy Trường Sơn.
Nơi đây, cuộc sống của bà con Vân Kiều, Pa Kô còn rất nhiều vất vả, khó khăn, công việc chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nhỏ lẻ bên các sườn đồi. Chính vì cái ăn còn chưa đủ nên việc học hành của con em trong vùng, bà con chưa chú trọng nhiều. Không chỉ vậy, những năm trước, đây cũng là nơi khiến các thầy, cô giáo cắm bản có nhiều băn khoăn, lo lắng vì một số vấn đề an ninh trật tự.
Ra trường năm 1999, với chuyên ngành lâm nghiệp, lúc ấy, cô Trần Thị Châu (sinh năm 1975, quê ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là kỹ sư trẻ ngược núi lên lập nghiệp tại xã A Xing (sau này được sáp nhập thành xã Lìa) với nhiều mong ước của tuổi đôi mươi.
Cô giáo Trần Thị Châu và chồng - thầy giáo Đỗ Xuân Thành trong lần trao quà thiện nguyện cho học sinh. Ảnh: NVCC |
Thế nhưng, nhìn những đứa trẻ chỉ biết suốt ngày lăn lê với đất, trong khi đáng lẽ các em phải được đến lớp mầm non, được chăm sóc giáo dục, cô Trần Thị Châu không nguôi nghĩ ngợi.
Từ tấm lòng yêu trẻ, thương các con giữa vùng bản thiếu thốn, cô kỹ sư lâm nghiệp đã quyết định vác ba lô, rời núi quay về thành phố để quyết tâm học cho được tấm bằng sư phạm, chuyển từ nghề "trồng rừng” sang nghề “trồng người”.
Quay trở lại xã Lìa năm 2002, cô Trần Thị Châu chỉ được làm giáo viên hợp đồng. Thậm chí, có lúc từng bị cắt hợp đồng, cô Châu vẫn mở lớp trông coi và dạy miễn phí, để những đứa trẻ mầm non ở đây được có chỗ chăm sóc, học hành khi bố mẹ bận việc nương, rẫy.
Năm 2005 – 2006, cô Châu xin đi dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Tân Long, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Đây là trường ở vùng địa bàn thuận lợi hơn nơi trước cô công tác. Thế nhưng nỗi nhớ những đứa trẻ ở xã Lìa, nỗi băn khoăn về những học trò nghèo đã khiến cô lại lần thứ hai... quay lại nơi đây.
Xưởng may gia đình của cô giáo Trần Thị Châu rộn ràng tiếng máy may mỗi khi đêm về. Ảnh: NVCC |
Đến năm 2007, cô Châu mới chính thức được biên chế vào dạy tại Trường Mầm non A Xing (Xã Lìa, huyện Hướng Hóa). Gắn bó với vùng đất này, bản thân cũng đã từng bỏ qua không ít cơ hội chuyển về vùng thuận lợi, cô Châu tâm nguyện nơi đây là "nhà" mà mình sẽ xây dựng hạnh phúc, sẽ gắn bó công việc nên không có ý định chuyển đi đâu nữa.
Nhớ lại gần 20 năm gắn bó với vùng cao, cô Châu bảo, cô không nhớ nổi bao lần lặn lội mưa gió, vượt đường trơn trượt, hiểm trở cùng đồng nghiệp xuống bản vận động học sinh ra lớp.
Cũng tại miền đất “sơn cùng, thủy tận” này, cô Châu đã tìm được hạnh phúc với thầy giáo Đỗ Xuân Thành, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing. Hai người đã gắn bó với xã Lìa hơn 20 năm, cùng nhau dành tâm huyết cho nghề dạy học và làm công tác thiện nguyện, giúp đồng bào bớt khó khăn.
Những tấm áo gói trọn yêu thương cho học trò và đồng bào nghèo
Ở xã Lìa, chứng kiến bà con đồng bào dân tộc nơi đây còn quá khó khăn khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cô Châu rất thương cảm. Có lúc, nhìn những đứa trẻ quần áo thiếu thốn, nhiều em phải mặc những tấm áo rách tả tơi vì gai rừng cào, cô trào nước mắt.
Nhiều khi trong lớp học, mùa lạnh thì như cắt, mùa nóng thì như đốt, gió quấn vào da thịt các em, khiến nhiều em bị ốm không thể đến trường.
Thế là bàn với chồng, hai vợ chồng cô Châu bằng đồng lương ít ỏi của mình đã dành dụm từng chút để mua áo quần, giày dép về cho học sinh.
Thậm chí, cô Châu tự mình đi học may và cũng phải mất nhiều năm dành dụm, gom tiền “bỏ ống”, cô Châu mới có thể mua cho mình một chiếc máy may.
Hạnh phúc của những đứa trẻ khi được nhận quà là áo, quần mới từ cô Châu, thầy Thành. Ảnh: NVCC |
Gom những bộ áo, quần bị may lỗi, size lớn, người lớn không mặc vừa lại, tranh thủ ban đêm sau giờ dạy học hoặc vào thứ bảy, chủ nhật cô Châu cần mẫn may, sửa cho các em học sinh.
Từ những chiếc áo mới của vợ chồng cô Châu, thầy Thành, những đứa trẻ ở đây có thêm niềm vui, có thêm niềm "hạnh phúc đựng trong một tà áo mới" để phấn khởi đến trường. Năm học này, dự kiến học sinh ở Trường Mầm non A Xing sẽ có hơn 50 bộ đồng phục do vợ chồng cô Châu may tặng.
Không chỉ may áo cho học sinh, “xưởng may” của cô Châu còn là nơi sửa áo, quần miễn phí cho bà con đồng bào.
“Khó khăn thì khó khăn thật nhưng vì tình thương yêu đồng bào thì tôi luôn cố gắng làm. Nhìn học sinh, đồng bào hạnh phúc khi có áo mới chính tôi cũng thấy hạnh phúc. Bản thân tôi tâm nguyện gắn bó với nơi đây nên tình nguyện ở lại giúp đỡ nhân dân với học trò của mình. Bây giờ chỉ mong có sức khỏe, để giúp đồng bào nhiều nhất có thể thôi”, cô Châu tâm sự.
Những đôi dép cũ được cô Châu làm sạch, thành món quà vô giá với những đứa trẻ vùng cao. Ảnh: NVCC |
Nói về người đồng nghiệp Trần Thị Châu của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Xing cho biết: “Cô giáo Trần Thị Châu rất nhiệt tình cống hiến cho giáo dục ở vùng khó như xã Lìa này. Khi chưa vào biên chế, cô Châu từng tình nguyện dạy không lương.
Về chuyên môn, cô Châu là một giáo viên nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi các cấp, có chuyên môn tốt. Nhà trường rất ghi nhận và biểu dương.
Đặc biệt trong công tác vận động phụ huynh học sinh cho con đến lớp, cô Châu rất giỏi tiếng đồng bào nên có sự giao tiếp tốt, phụ huynh ở vùng bản này rất tin tưởng, hợp tác với cô”, cô Nguyễn Thị Thương cho biết.
Đồng phục cho năm học mới ở A Xing. Ảnh: NVCC |
Nói thêm về cô giáo Châu, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Xing kể: “Năm học này cũng như nhiều năm học trước, dịp nghỉ hè, cô Châu đã đến từng xóm vận động phụ huynh học sinh đóng góp ngày công lao động để cùng vệ sinh lớp học, tạo cảnh quan mới cho trường".
Bên cạnh đó, cô Châu cũng được nhiều đồng nghiệp nể phục cả về chuyên môn và tấm lòng thiện nguyện dành cho đồng bào và học sinh trong vùng. Cô là tấm gương mà các đồng nghiệp luôn học tập. Những việc làm của cô là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều giáo viên trẻ khi được điều chuyển vào vùng khó như xã Lìa, để họ có thêm động lực cố gắng gắn bó với nghề.