Bây giờ đã hơn 12 giờ đêm, tiếng người bán bánh mỳ quanh căn hộ chung cư nhà tôi vẫn còn loáng thoáng rao. Có lẽ, họ hy vọng sẽ bán hết số bánh mỳ để sớm về với gia đình, để cho con cái có miếng cơm manh áo và được đến trường.
Tôi thoạt nghĩ hay chị ấy cũng muốn giải cứu số bánh mỳ còn lại như bao thứ trong xã hội này đòi giải cứu những ngày qua? Nhưng có lẽ không phải vậy, mà đó là mưu sinh thuần túy của những người lao động chân chất trong cuộc sống, những băn khoăn ấy thúc đẩy tôi cầm bút viết vài điều về những giải cứu khác dưới góc nhìn của bản thân.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người thời gian qua đã khá quen thuộc với cụm từ "giải cứu" trong xã hội ta như giải cứu thanh long, dưa hấu, khoai lang, gừng…và đâu đó trên phố bất chợt thấy đám đông mua ủng hộ các sản phẩm này cho bà con nông dân thấy được sự thương yêu, chia sẻ, đùm bọc của người dân với nhau. Một sự đoàn kết hiếm gặp ở các nước trên thế giới. Đó là những khó khăn của người nông dân khi bị sự tác động của thị trường xuất khẩu khiến hàng hóa bị tồn đọng không thể bán hết, cần sự chia sẽ của toàn xã hội. Nhưng điều tôi cần bàn không phải là giải cứu những thứ đó mà là giải cứu xăng dầu, điện, bất động sản, vật tư y tế, trái phiếu và đăng kiểm. Một sự giải cứu mà các chủ thể rất kỳ lạ và người được đề nghị giải cứu không phải là người dân mà là các cơ quan quản lý.
Cảnh ùn ứ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03S tại (QL13, TP. Thủ Đức) vào cuối tháng 2 vừa qua, hai hàng xe xếp hàng dài từ bên trong Trung tâm kéo dài ra đến mặt đường QL13 để chờ đến lượt kiểm định. Ảnh: Báo Lao động |
Thực trạng không ai muốn có
Có thể điểm qua một số khó khăn vướng mắc, bất cập trong thời gian qua để thấy bối cảnh chung của Việt Nam và thế giới.
Về thực trạng của bất động sản thị trường đang gặp khó khăn lớn từ 2 phía. Phía doanh nghiệp gặp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khó phát hành trái phiếu và huy động vốn từ khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều yếu tố như: dòng vốn tín dụng bất động sản bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch đã khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không thể tiếp tục triển khai do đói vốn. Các doanh nghiệp bất đông sản kêu cứu Ngân hàng nhà nước và Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán lẻ lo vỡ nợ, phá sản vì không có chiết khấu vẫn phải bán. Các đầu mối cũng than lỗ nặng vì tỷ giá và lỗ cũng phải bán một điều kỳ lạ xưa nay ít gặp.
Câu chuyện điện lực thời gian cũng gây nhiều chú ý. Giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh. Điều đó khiến 2022 là năm lỗ lịch sử trong hoạt động kinh doanh điện của tập đoàn này. Theo tính toán, nếu giá bán lẻ điện vẫn giữ như hiện hành thì việc lỗ có thể tiếp tục tái diễn.
Trước khi Nghị định 07/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP ra đời, ngành y cũng tình trạng kêu than khó khăn tương tự. Các bệnh viện thiếu thuốc, hóa chất, thiết bị y tế trầm trọng không đủ để hoạt động bình thường. Điểm nghẽn được cho là vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu thầu vật tư, thiết bị y tế, thuốc men.
Gần đây nhất là câu chuyện đăng kiểm. Lĩnh vực đăng kiểm bị thiếu hụt nhân sự khi sai phạm xảy ra tại hơn 50 đơn vị đăng kiểm trên cả nước (tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM) khiến các trung tâm này bị tạm dừng hoạt động, xảy ra tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm.
Đâu là nguyên nhân?
Để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Chúng ta thừa nhận rằng tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như chiến sự Nga- Ukraina, về thị trường dầu mỏ, thị trường tài chính, đại dịch Covid -19 tác động xấu tới toàn cầu và Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên việc ban hành chính sách, pháp luật và điều hành của chúng ta còn nhiều chồng chéo, lúng túng, thiếu tính linh hoạt và không sát với thị trường, vai trò trách nhiệm cá nhân chưa đúng với vị trí việc làm là những nguyên nhân chính.
Đó là sự bất cập, hạn chế ngay chính trong cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật. Đặc biệt vẫn còn có sự chồng chéo, bất hợp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như trong việc điều hành giá xăng dầu và giá điện hiện nay cho thấy lỗ vốn cũng phải bán, kể cả của hàng xăng dầu tư nhân là chưa phù hợp với quy luật thị trường. Hay trong đấu thầu mua sắm thuốc men và thiết bị y tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm, đấu thầu, dự toán mua sắm; phương án xử lý các trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược vẫn còn gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc..; trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19.
Mặt khác chúng ta cũng thấy sự siết chặt đột ngột nguồn vốn trong thị trường bất động sản làm cho khối doanh nghiệp non trẻ của ta trong thị trường bất động sản lao đao. Việc kiểm soát thị trường trường trái phiếu bất động sản còn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng lao đao như thời gian qua.
Chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ bức tranh màu xám của thị trường chứng khoán bị các cá nhân và tổ chức “làm xiếc” trong thời gian dài và thiếu lành mạnh trong thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, những quy định tồn tại bao lâu như đăng kiểm đối với xe mới, chù kỳ đăng kiểm xe ngắn hạn… nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu sự chuẩn bị chặt chẽ nên khi xảy ra bê bối là hệ thống đăng kiểm rối ren, không vận hành đáp ứng nhu cầu của xã hội. Những khó khăn, vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ và rút kinh nghiệm sâu sắc trong vấn đề xây dựng, điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước.
Đâu là giải pháp?
Để quản trị, điều hành đất nước không có những “cú sốc” và những kêu gọi giải cứu, cần có những giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, công tác xây dựng pháp luật phải gắn liền với đời sống xã hội, lấy hơi thở của cuộc sống đã và đang diễn ra để xây dựng pháp luật cho phù hợp, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính văn minh của thời đại nhưng giữ vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với kinh tế phải lấy thị trường làm gốc, giảm thiểu tối đa mệnh lệnh hành chính phi thị trường, Nhà nước chỉ đóng vai trò bảo vệ và dẫn dắt, kiến tạo, thiết kế sân chơi thương mại.(Bài học sâu sắc hiện nay cho chúng ta là giá đất có nơi lên gần đến 2 tỷ đồng/m2 trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4110 usd trong năm 2022).
Hai là, sau khi xây dựng được hệ thống pháp luật tiến bộ và phát triển thì công tác thực thi pháp luật là vấn đề rất quan trọng, nó thể hiện pháp luật có đi vào cuộc sống hay không là ở công tác thực thi. Việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm là nguyên nhân chính làm cho các trật tự trong xã hội không đảm bảo và thị trường bị thao túng, thổi phồng hay nhiễu loạn, dần dần tạo thành những ung nhọt, đến khi siết chặt công tác thực thi pháp luật thì mọi thứ bị đảo lộn và vỡ tung. Minh chứng cho điều này là bất động sản, chứng khoán và đăng kiểm. Vì vậy thực thi pháp luật phải nghiêm minh, sát sao, chặt chẽ là giải pháp thường xuyên, liên tục và lâu dài, sớm loại bỏ những văn bản đã lỗi thời không đáp ứng được phát triển của xã hội.
Ba là, tính linh hoạt trong quản trị quốc gia cần phải được chú trọng để nhằm đáp ứng nhanh khi thế giới có những biến động tác động đến sự phát triển của đất nước. Chúng ta không thể ngồi yên hoặc chậm chạp khi cả thế giới đang thay đổi từng ngày, sự phát triển của khoa học công nghệ như vũ bão như vậy mà không kịp chớp lấy hay không kịp ứng dụng những thành tựu tiến bộ vượt bậc. ( Đại dịch covid 19, biến động cảa dầu mỏ, than và thị trường tài chính là những thứ chúng ta nhìn thấy rõ những tác động lớn với Việt Nam)
Bốn là, trong việc triển khai những chủ trương, chính sách mang tính đột phá cần đánh giá chặt chẽ tác động của nó lên quyền lợi và nghĩa vụ của người dân và các chủ thể khác như thế nào. Đặc biệt phải luôn luôn có những giải pháp kèm theo để tránh “sốc nhiệt”, phanh gấp lên thị trường và các hoạt động khác của xã hội ( ví dụ như tín dụng bất động sản và đăng kiểm )
Năm là, hãy chọn lọc những cán bộ có trình độ ngồi đúng ghế, làm đúng việc, đúng năng lực và phải thực sự liêm chính trong công việc, phải tận tụy, phải gương mẫu, lấy tinh thần phục vụ để thực thi công vụ. Đây là khâu cuối cùng nhưng lại là khâu thể hiện của kết quả công việc tốt hay xấu.
Có như vậy, những nỗi buồn mang tên “giải cứu” mới sớm được giải tỏa, Và đến đây trời đã gần sáng, tiếng người rao bán bánh mỳ vẫn vang vọng, thân thương như những ngày nào, một sự vui vẻ, linh hoạt trong cung- cầu bao năm nay bên tòa nhà chung cư vẫn thế và một niềm hy vọng về nỗi buồn mang tên giải cứu sẽ sớm được giải quyết tận gốc.