Những "siêu nhân" cứu người bị tai nạn trên đường phố Hà Nội

22/06/2022 07:00
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa nằm chợp mắt, Luân nhận được tin báo về vụ tai nạn cách nhà 15 cây số, anh ngay lập tức mặc quần áo và 10 phút sau có mặt tại hiện trường để sơ cứu nạn nhân.

Mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều có thể xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Trong đó, có những nạn nhân do không sơ cứu, đưa đi bệnh viện kịp thời đã thiệt mạng, hoặc khiến việc điều trị thêm phần khó khăn.

Nhưng khoảng ba năm qua, kể từ khi Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí "FAS Angel" được thành lập, rất nhiều nạn nhân đã được sơ cứu bất kể ngày đêm đã thắp lên hi vọng cho những người tham gia giao thông gặp nạn.

Từ 21h đến khoảng 2h sáng mỗi ngày, các thành viên trong nhóm túc trực tại 3 điểm giao thông trọng điểm của trung tâm Thành phố Hà Nội là Cầu Diễn, Ngã Tư Sở và Nguyễn Xiển. Ngoài ra, còn những cộng tác viên tại các điểm khác.

Khi có tin báo từ người dân, xe ôm, tài xế, trong vòng khoảng 4 - 8 phút thành viên của đội sẽ có mặt tại hiện trường vụ tai nạn.

"Siêu nhân" trong đêm tối

Sau ca trực sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn trên đường phố của Hà Nội, anh Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1999) về nhà nghỉ ngơi.

Vừa chợp mắt được khoảng 30 phút, 2h30 ngày 15/4/2022, tin nhắn thông báo trong nhóm "FAS Angel" đổ chuông: "Vừa xảy ra một vụ tai nạn xảy ra tại quốc lộ 32 (Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) gần lối rẽ sang đường cầu Diễn đi Cầu Giấy, khiến hai nữ sinh bất tỉnh".

"Em đi luôn" là câu trả lời của Đội phó nhóm hỗ trợ sơ cứu miễn phí, rồi anh ngay lập tức mặc vội quần áo rồi chạy ra xe ô tô để đến hiện trường cách nhà hơn chục cây số.

Anh Nguyễn Văn Luân (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Nguyễn Văn Luân (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mười phút sau, Luân đã có mặt tại hiện trường. Trước mắt anh là hai nữ sinh nằm bất tỉnh, cơ thể trầy xước, gần đó là chiếc xe đạp điện, lái xe tải gây tai nạn đã bỏ chạy. Luân liền rút điện thoại ghi lại hình ảnh hiện trường rồi lấy đồ sơ cứu để cầm máu cho nạn nhân.

Tiếp đó, anh nhờ một tài xế xe ôm gần đó để đưa hai bạn nữ lên cáng cho vào xe ô tô, chở đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an. Đến viện, Luân đưa hai bạn nữ vào phòng chụp chiếu, kiểm tra sức khỏe.

Sau đó anh thông báo cho gia đình nạn nhân, rồi quay trở lại hiện trường để cung cấp thông tin vụ tai nạn cho cơ quan chức năng. Xong việc, anh mới nhận ra là mình đã mặc trái quần, may là trong đêm không ai để ý.

Nguyễn Văn Luân cùng thành viên trong nhóm chuẩn bị tham gia sơ cấp cứu nạn nhân. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Văn Luân cùng thành viên trong nhóm chuẩn bị tham gia sơ cấp cứu nạn nhân. (Ảnh: NVCC)

Tham gia vào nhóm đến nay được khoảng gần một năm, Luân không nhớ nổi bản thân đã sơ cấp cứu cho bao nhiêu người, trên khuôn mặt của nam thanh niên mới 23 tuổi với sự chững chạc nở nụ cười khi nói về công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" :

"Em làm công việc này không được gì về vật chất cả, thậm chí chúng em còn tự bỏ tiền mua chiếu, hương để thắp cho người gặp nạn nếu không may họ đã bị tử vong. Hay có những ca sơ cứu phải dùng đến nẹp do gãy xương, chúng em cũng hỗ trợ miễn phí cho nạn nhân.

Điều mà chúng em có được là tình người, nhiều người khi khỏe lại đã dành lời cảm ơn, luôn luôn ủng hộ, động viên, dõi theo hoạt động của nhóm", Luân chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu mới vào "nghề", Nguyễn Văn Luân vấp phải sự phản đối của bố mẹ, bởi họ lo cho sự an toàn của con.

Trên xe của Luân lúc nào cũng có túi đồ nghề như băng gạc, kéo, cồn, găng tay... nên có những lúc nhận được tin nhắn của nhóm về vụ tai nạn gần chỗ làm, anh lại xin quản lý để chạy ra hiện trường.

Luân làm công việc về dược phẩm và anh cũng có kiến thức về y học, nhưng anh cũng giống như các đồng đội khác là đều phải trải qua quãng thời gian được đào tạo về sơ cấp cứu, đồng thời là trực tiếp tham gia sơ cấp cứu rồi mới được vào nhóm "FAS Angel".

Các thành viên trong nhóm FAS Angel tham gia sơ cứu nạn nhân. (Ảnh: NVCC)

Các thành viên trong nhóm FAS Angel tham gia sơ cứu nạn nhân. (Ảnh: NVCC)

Đối với hoạt động sơ cấp cứu của nhóm, khó khăn nhất có lẽ là trên đường cao tốc, vành đai 3, vì đây là đường một chiều. Luân nhớ có vụ tai nạn trên đoạn cầu Thanh Trì, nạn nhân đã tử vong, anh Việt - Đội trưởng của nhóm đã phải phóng xe về tận Nguyễn Xiển để kiếm hương, chiếu cho người đã khuất.

Có những đêm, Luân và đồng đội gõ cửa nhà dân để xin hương, chủ nhà mới đầu sợ hãi tưởng trộm, nhưng sau biết công việc của nhóm thì họ cũng cho.

Nhiều khi làm đến khoảng 4h sáng, Luân cùng mọi người đi ăn sáng luôn và sau đó về nhà thay đồ rồi đi làm.

Thấy cậu con trai đi đêm về sáng, bố mẹ Luân ban đầu mất ăn, mất ngủ nhất nhất phản đối. Tuy nhiên, sau khi thấy hoạt động của con có ý nghĩa, họ ủng hộ. Có vụ tai nạn gần nhà do lái xe uống rượu say đâm vào gốc cây, họ gọi Luân về để sơ cứu.

Cũng giống như Luân, anh Trần Hải Minh (sinh năm 1998) cho hay, anh là con một trong gia đình nên ban đầu bố mẹ rất phản đối việc tham gia vào nhóm. Sau đó, họ cũng hiểu về ý nghĩa của công việc và đồng ý.

Anh Trần Hải Minh (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Trần Hải Minh (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Là dân công nghệ thông tin, với vóc dáng thư sinh, nước da trắng, ít ai biết được rằng Minh cũng rất bạo dạn trước nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, bên cạnh đó là kinh nghiệm sơ cứu nạn nhân.

"Em cũng được tham gia các khóa học sơ cứu nạn nhân như cầm máu, xác định vết thương, xử lí khi nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo như nào...", Minh chia sẻ.

Trần Hải Minh chia sẻ thêm, có những khó khăn đột ngột xảy đến đối với công việc thiện nguyện của nhóm, ví như người nhà nạn nhân lầm tưởng thành viên "FAS Angel" là người gây tai nạn hoặc có ý định xấu với nạn nhân, nên bị gây khó dễ. Vì vậy, mỗi khi đến hiện trường, Minh cũng như mọi người sẽ quay chụp lại hình ảnh hiện trường, đồng thời cũng là tư liệu để cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết.

Mới đây, anh Việt đã khai trương Trạm cứu hộ 01, đây là nơi để các thành viên trong nhóm giao lưu, học tập; là nơi dạy nghề cho tình nguyện viên - thành viên chưa có nghề nghiệp ổn định, và sửa chữa xe bị tai nạn. (Ảnh: NVCC)

Mới đây, anh Việt đã khai trương Trạm cứu hộ 01, đây là nơi để các thành viên trong nhóm giao lưu, học tập; là nơi dạy nghề cho tình nguyện viên - thành viên chưa có nghề nghiệp ổn định, và sửa chữa xe bị tai nạn. (Ảnh: NVCC)

Anh Phạm Quốc Việt (người sáng lập, đội trưởng Đội Hỗ Trợ Sơ Cứu FAS Angel) chia sẻ về việc thành lập nhóm. Theo đó, vào khoảng tháng 11/2016 khi đó trời mưa, anh bị tai nạn tại Tuyên Quang và bị bỏ lại ở hiện trường 15 phút. Lúc đó, anh hiểu được rõ sự cô đơn và tuyệt vọng.

"Sau đó, tôi đã suy nghĩ đắn đo rồi đi đến quyết định không bỏ rơi ai cả. Ngày 18/9/2019, nhóm "FAS Angel" được thành lập, ban đầu chỉ 5 thành viên nhưng đến nay đã có 130 thành viên - tình nguyện viên, trong đó có khoảng 20 người tại các điểm trung tâm thường xảy ra tai nạn.

Đến nay, nhóm đã có 2 chiếc xe ô tô để vận chuyển nạn nhân, nhưng vẫn còn rất nhiều những khó khăn về chi phí như xăng xe, hay xe phải mua trả góp. Những sự ủng hộ đóng góp của các mạnh thường quân cũng được chúng tôi công khai trên trang app Thiện nguyện", anh Việt chia sẻ.

Em La Thị Huyền (sinh năm 2001, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, nếu không có anh Luân vào rạng sáng 15/4 thì em và bạn không biết sẽ ra sao, bởi khi đó cả hai đều bất tỉnh, máu chảy nhiều.

"Sau khi chúng em khỏe lại, anh Luân nhắn tin hỏi thăm sức khỏe hai đứa em. Em và bạn nói muốn mời đi ăn một bữa để cảm ơn nhưng anh ấy từ chối và nói sinh viên làm gì có tiền", Huyền chia sẻ.

Mạnh Đoàn