Bài 2: "Thầy giáo" học sinh và bảng thành tích vàng

Những sinh viên có nghị lực xương rồng (Bài 2)

03/07/2012 16:08
Minh Phúc
GDVN - Sống trong cảnh mồ côi cha và những tiếng rên rỉ, gào thét của người mẹ tâm thần, hai anh em Thăng - Tài vẫn nỗ lực vươn lên học tập tốt.
Tôi đến thăm phòng trọ của hai chàng sinh viên Học viện Tài chính Nguyễn Văn Thăng (SN 1990) và Nguyễn Hữu Tài (SN 1993) khi họ đang tất bật làm thêm kiếm tiền ăn học trên đất Hà Thành.
Trong căn phòng xập xệ lợp mái tôn chỉ 10m2, dưới ánh sáng leo lét của bóng đèn sợi đốt, cậu em Nguyễn Hữu Tài với dáng người cao, gầy, đôi mắt sáng nhưng trầm buồn, đang chăm chú nghiên cứu cuốn sách giáo khoa lớp 10 để thiết kế bài giảng cho buổi gia sư ban tối.
 
Tôi hỏi Tài: - Sao không thấy Thăng đâu? Tài trả lời: - Anh ấy đi làm bồi bàn ở đường Tông Đản từ 2h chiều đến 11 giờ đêm mới về anh ạ. - Lương của Thăng được bao nhiêu? - Khoảng 1,2 triệu đồng/tháng ạ. Tôi hỏi tiếp: - Đang mùa thi mà sao các em không nghỉ làm thêm để tập trung ôn tập? Tài bảo: - Nghỉ làm thêm thì lấy gì mà sống hả anh?…
Bảng vàng thành tích

Từ trung tâm Thành phố ngược hơn 80km về thôn Tiến Sơn 2, Hợp Đức, Tân Yên, Bắc Giang, tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh sống của nhà Tài. Đứng từ cổng nhìn vào chỉ thấy ngập tràn rác. Ngôi nhà cổ đơn sơ qua bao nhiêu năm nắng rọi, mưa dầm nay đã tàn tạ, những tấm cửa gỗ đã bị mọt gặm nhấm lỗ chỗ như tổ ong. Tài bảo: “Anh thông cảm nhé, mẹ em không được như người bình thường nên sinh hoạt có phần luộm thuộm”.

Tuy phải đi làm gia sư để kiếm tiền ăn học, tuy nhiên, thành tích học tập của Tài luôn đứng ở tốp đầu trong lớp (Ảnh: Minh Phúc)
Tuy phải đi làm gia sư để kiếm tiền ăn học, tuy nhiên, thành tích học tập của Tài
luôn đứng ở tốp đầu trong lớp (Ảnh: Minh Phúc)

Bước vào ngôi nhà cũ kỹ ấy, điều làm tôi ấn tượng nhất là những tấm bằng khen của Tài được treo chi chít trên tường: hàng chục giấy khen học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 12; giấy chứng nhận đạt giải nhất cấp tỉnh môn Hóa năm 2007; giải 3 cấp tỉnh môn Toán năm học 2010…; đặc biệt, em Tài còn nhận được danh hiệu “Tài năng trẻ tỉnh Bắc Giang 2011” do Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Giang trao tặng vì đã có thành tích cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011 với 27 điểm.

Để đạt được những kết quả như ngày hôm nay, với Tài không hề dễ dàng. Em bùi ngùi chia sẻ: “Khi em học lớp 4 thì mẹ em mắc bệnh tâm thần. Đi học trên lớp, bạn bè toàn lảng tránh. Em đến gần thì có đứa bảo: “Chơi với mày để có ngày mẹ mày vác dao chém chúng tao à”. Lúc đó em tủi thân lắm! Chỉ muốn nghỉ ở nhà. Bố em bắt đi học em cũng không đi, đến khi cô giáo đến tận nhà động viên em mới chịu đến lớp. Em tự hứa rằng mình phải học thật giỏi để không bị bạn bè chê cười...
4 năm sau, bố em lại dính cảm qua đời. Em buồn lắm nhưng không vì thế mà nhụt chí. Anh Thăng luôn động viên: “Giờ bố mất rồi, mẹ lại bị bệnh thần kinh nên anh em mình càng phải vững vàng, ngày ra đồng cấy hái để lấy tiền ăn, tiền tiêu, tối về chịu khó học tập cho tốt để nay mai thi đại học, kiếm việc làm ổn định nuôi mẹ”.
Cứ thế, hai anh em Thăng, Tài buổi đi học, buổi đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ, tối lại “cày” từng trang sách đến tận khuya. Cuối cùng thì người anh Nguyễn Văn Thăng cũng thi đậu vào khoa Chứng khoán, Học viện Tài Chính với 24 điểm. Thăng xin làm bưng bê tại một quán ăn bình dân trên đường Phạm Văn Đồng và được ông chủ thương hoàn cảnh cho ở tại quán.
Thầy giáo “học sinh”

Ở quê nhà, Tài vẫn miệt mài làm lụng đồng áng và phấn đấu giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, nhờ có thành tích học tập tốt nên cậu học sinh nghèo này được nhiều bạn bè trong trường nể phục. Năm lớp 12, một số bạn có học lực trung bình đã ngỏ ý nhờ Tài dạy thêm để bổ sung kiến thức nền còn thiếu và sẽ trả 7000 - 8000 đồng/buổi/người.


Cuối cùng, một “lớp học mini” đã được mở ra tại gian nhà ngang của một người cùng xóm của Tài là Đặng Hồng Nghiệp. Với một tấm gỗ khổ 80 x 100cm sơn đen và những chiếc bàn gỗ gấp với 7 “học trò”, Tài đảm nhận nhiệm vụ “thầy giáo”. Sau mỗi buổi dạy học như thế, Tài lại mang về cho mẹ khoảng 50 ngàn đồng. Trong số những bạn được Tài dạy học, nhiều em đã thi đậu ĐH-CĐ như Nghiệp (đậu Đại học Nông - Lâm Bắc Giang), Thanh (đậu Đại học Công nhiệp Thái Nguyên), Phương (đậu Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại)...

Những lúc rảnh rỗi, Tài luôn làm thay mẹ công việc của gia đình (Ảnh: Minh Phúc)
Những lúc rảnh rỗi, Tài luôn làm thay mẹ công việc của gia đình (Ảnh: Minh Phúc)

Từ ngày thi đậu vào khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính và chuyển lên Hà Nội trọ học, Tài quyết định đi gia sư để kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Nhờ công việc này mà em có thêm khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng.


Làm thêm vất vả là thế nhưng hai anh em Thăng và Tài vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập. Kỳ học vừa rồi, điểm trung bình của Thăng được 8,5 còn Tài được 7,7. Những kết quả học tập đáng tự hào đó một lần nữa minh chứng cho nghị lực phi thường vươn lên hoàn cảnh khó khăn của hai chàng sinh viên bất hạnh này.


Trong tâm trí của hai anh em cũng chưa bao giờ vơi nỗi lo về bệnh tật của mẹ ở quê nhà. "Chúng em chỉ biết cố gắng hết sức mình thôi, còn tương lai ra sao? Đó là định mệnh". Câu nói ấy của Tài cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi như một ám ảnh khó dứt bỏ.


Mang theo bao ám ảnh về gia cảnh bất hạnh của của 2 anh em Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Hữu Tài cùng sự cảm phục về nghị lực vượt khó của họ, từ Bắc Giang, tôi tiếp tục vượt hơn 100km về xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để hiểu hơn về con đường tới giảng đường ĐH KHXH&NV đầy chông gai của cô sinh viên Vũ Thị Hà (cô gái mồ côi cha, mẹ 2 lần phải mổ sỏi mật, hai đứa em còn thơ dại).

Bài 3:  Cô gái nghèo đam mê tình nguyện
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Minh Phúc