Nhìn vào những phụ huynh có con được nâng khống điểm ở Hà Giang bị xử lý kỷ luật và yêu cầu điểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm thì có lẽ dư luận không mấy người đồng tình.
Cho dù những người có trách nhiệm xử lý những sai phạm cán bộ, đảng viên nơi đây có thanh minh như thế nào đi chăng nữa thì ai cũng biết đã có nhiều “tấm bia” đã được dựng lên để một số người né kỷ luật.
Tất nhiên những “tấm bia” kia phải hy sinh nhiều điều, trong đó có uy tín, danh dự của mình để cho chồng, cho vợ, cho con không bị kỷ luật.
Nhưng, rõ ràng phía sau những “tấm bia” đó thì chúng ta cũng thấy được sự ích kỷ, thực dụng đã lên ngôi.
Nhiều phụ huynh có con được nâng điểm ở Hà Giang đã nghĩ ra những chiêu cực lạ (Ảnh: L.C) |
Sự “hy sinh” cao cả!
Trong số phụ huynh bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm, chúng tôi thấy cảm thương cho một số người thân của họ.
Bởi, có một số người đáng lẽ ra họ chẳng dính dáng đến việc cháu mình được nâng điểm vì họ có thể đã già, hoặc cũng có thể còn phải lo chuyện gia đình của họ và gánh vác trách nhiệm nhà chồng. Vậy nhưng, họ bị kéo vào một tấn trò đời của người thân mình.
Làm sao dư luận đồng tình với chuyện mẹ vợ của ông Mai Văn Thực, Trưởng phòng trại tạm giam (PC11), Công an tỉnh Hà Giang đã tác động cho cháu ngoại của mình được nâng điểm?
Làm sao dư luận lại không hoài nghi khi mẹ đẻ của bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng đã tác động để cháu ngoại mình được nâng điểm?
Khi một bà mẹ già đã về hưu đứng ra nhận trách nhiệm tác động để cháu ngoại mình được nâng điểm cũng đồng nghĩa người mẹ đó đã hy sinh danh dự của mình.
Suy cho cùng, dân gian có câu: “cá chuối đắm đuối vì con” cũng là một lẽ thường tình. Người mẹ ấy đã về hưu, có nghĩa đã già rồi, sống nay chết mai thì hy sinh một chút nữa cho con cháu mình cũng có sao đâu.
|
Bởi, con gái mình, con rể mình còn trẻ, còn quyền cao chức trọng, tương lai còn dài. Như vậy, đó được gọi là một sự “hy sinh” thầm lặng.
Trường hợp bà Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang được xem là trường hợp đặc biệt bởi bà Giang đang công tác, đang còn trẻ nhưng cũng đã chấp nhận “hy sinh” cho anh trai và chị dâu của mình.
Có lẽ trong số những anh em nhà ông Triệu Tài Vinh thì bà Giang là người có địa vị thấp hơn cả. Việc đứng ra nhận trách nhiệm là đã tác động để cháu của mình được nâng điểm cũng có nghĩa người em đó phải chịu thua thiệt khi mất đi uy tín và con đường thăng tiến của mình.
Không chỉ mất uy tín với xã hội mà còn mất đi uy tín với gia đình chồng mình và chắc chắn một điều người chồng của bà Giang cũng không thể nào vui khi vợ mình đã “xuất giá tòng phu” nhưng vẫn phải “làm bia” cho anh trai và chị dâu của mình.
Nhưng, có lẽ họ cũng đã bàn tính, suy nghĩ những điều được mất nên bà Giang vẫn sẵn sàng chấp nhận. Suy cho cùng, anh trai đã từng là Bí thư tỉnh ủy, hiện đang là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chị dâu đang là Phó Giám đốc của một Sở thì sự hy sinh cho anh chị mình, cho cháu mình cũng hợp logic..
Và còn hàng trăm con người ở Hà Giang đã đứng tra làm “tấm bia” để “bảo lãnh” cho người thân của mình nhằm bảo toàn được danh dự, địa vị âu cũng là sự hy sinh cần thiết!
Và, ích kỷ lên ngôi!
Có thể những bậc phụ huynh có con được nâng điểm, có người “làm bia” đỡ cho mình sẽ thoát khỏi án kỷ luật, xử lý và không ảnh hưởng quá nhiều đến đường công danh nhưng “bia miệng” thế gian thì không thể nào hết được.
Danh sách cán bộ đảng viên có con được nâng điểm, bị kỷ luật tại Hà Giang |
Bởi, đó là những con người ích kỷ, vì muốn bảo toàn danh dự của mình, muốn con đường công danh vẫn được hanh thông nên họ đã chà đạp lên giá trị cốt lõi của tình cảm gia đình.
Người mẹ đã già, đã lo lắng, nuôi dạy mình khôn lớn, rồi bây giờ lại còn lo cho cháu nữa.
Hay hình ảnh bà Triệu Thị Giang chấp nhận đứng ra nhận trách nhiệm thay cho anh chị của mình xét về tình cảm gia đình thì người em gái đó không đáng trách.
Nhưng xét về khía cạnh người anh, người chị thì lại đáng trách vô cùng. Bà Giang là em gái ông Triệu Tài Vinh, em dâu bà Phạm Thị Hà nhưng bà Giang còn là dâu của dòng họ khác, là vợ của một người khác nữa.
Trách nhiệm, bổn phận của bà Giang là phải lo cho gia đình nhà chồng và đảm bảo uy tín, danh dự của một người cán bộ, người đảng viên nơi mình đang công tác. Nhưng, bà Giang phải gánh vác việc của chị dâu nhờ cậy. Nghĩ mà thương cho bà Giang, mà buồn cho ông Vinh và bà Hà.
Một khi vì ích kỷ lên ngôi mà họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả. Nhưng, họ còn gì? Uy tín ư? Danh vọng ư? Không, người mất uy tín không phải chỉ mình bà Triệu Thị Giang, mẹ vợ ông Mai Văn Thực, mẹ đẻ bà Vương Thị Hà…
Đến tình cảm gia đình mà họ còn làm vậy, huống chi quyền lợi của hàng trăm thí sinh khác không máu mủ ruột rà thì họ còn xem ra gì nữa.
Cướp cơ hội của thí sinh khác là điều đánh trách, đổ trách nhiệm cho người thân còn đáng trách hơn. Liệu họ có còn xứng đáng là những người công bộc của dân nữa hay không? Bởi, sau sự việc này thì dư luận đã nhìn nhận tường tận được vấn đề một cách rõ ràng nhất.