Những ưu điểm của môn Ngữ văn trong chương trình 2018 ở cấp THCS

11/10/2024 06:52
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi đã quen, thầy và trò chủ động thay đổi, chúng ta sẽ thấy những ưu điểm của Chương trình môn Ngữ văn 2018 mà Bộ đang triển khai trong những năm qua.

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở với lớp 6, năm học 2024-2025 là năm cuốn chiếu ở lớp 9. Nhìn từ thực tế, chúng ta thấy chương trình mới đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong dạy và học Văn ở các nhà trường.

Nếu như trước đây, những thầy cô dạy Ngữ văn khi giảng dạy chương trình 2006 sẽ bám vào nội dung sách giáo khoa; chuẩn kiến thức kĩ năng và chủ yếu là truyền đạt kiến thức thì chương trình 2018 đối với môn Ngữ văn lại hướng đến chương trình môn học và dạy cho học sinh phát triển phẩm chất năng lực.

Vì mục tiêu chương trình khác nhau; phương pháp giảng dạy khác nhau nên đòi hỏi người thầy dạy Ngữ văn chương trình mới cũng phải thay đổi. Khi đã quen, thầy và trò chủ động thay đổi, chúng ta sẽ thấy những ưu điểm của Chương trình môn Ngữ văn 2018 mà Bộ đang triển khai trong những năm qua.

GDVN_N.T.T.jpg
Ảnh minh họa: N.T.T.

Những ưu điểm của chương trình và sách Ngữ văn hiện nay

Môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở ở chương trình có mục tiêu cơ bản như sau: “Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật.

Tiếp tục phát triển các năng lực chung, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn.

Phát triển năng lực ngôn ngữ với yêu cầu: phân biệt được các loại văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; đọc hiểu được cả nội dung tường minh và nội dung hàm ẩn của các loại văn bản; viết được đoạn và bài văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng hoàn chỉnh, mạch lạc, logic, đúng quy trình và có kết hợp các phương thức biểu đạt; nói dễ hiểu, mạch lạc; có thái độ tự tin, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp; nghe hiểu với thái độ phù hợp.

Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: phân biệt được các thể loại truyện, thơ, kí, kịch bản văn học và một số tiểu loại cụ thể; nhận biết được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, nhận biết và phân tích được tác dụng của những yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với mỗi thể loại văn học; nhận biết được giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ; phân tích được tính hình tượng, nội dung và hình thức của tác phẩm văn học; có thể tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học”.

Chính vì thế, sách Ngữ văn của cả 3 bộ sách: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống được thiết kế các bài học tương đối khoa học và có tính kế thừa giữa các năm học.

Mỗi năm, sách Ngữ văn thường có 10 chủ đề (bài học). Mỗi bài học được sắp xếp cố định các đơn vị kiến thức qua các hoạt động: đọc, viết, nói, nghe.

Đầu tiên là 4 văn bản (xoay quanh các thể loại: văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin); tiếp theo là phần thực hành Tiếng Việt, phần viết (làm văn) và cuối cùng là nói và nghe. Điều này giúp cho học sinh được lặp đi, lặp lại các kĩ năng (đọc, viết, nói, nghe) qua từng bài học để các em thuần thục để hình thành những năng lực cho riêng mình.

Nếu như chương trình 2006 trước đây, các văn bản đọc hiểu ở cấp Trung học cơ sở chủ yếu là tác phẩm văn học được sắp xếp theo giai đoạn lịch sử (văn học dân gian; văn học trung đại; cận đại; hiện đại) thì chương trình 2018 không sắp xếp như vậy mà theo từng chủ đề chung.

Chẳng hạn, bài đầu tiên của lớp 7 (sách Ngữ văn Chân trời sáng tạo) thì phần văn bản học về thơ 4 chữ, 5 chữ; bài đầu tiên ở lớp 8 là thơ 6 chữ, 7 chữ; lớp 9 là thơ 8 chữ. Phần viết đều yêu cầu viết đoạn văn ở cả 3 lớp.

Bên cạnh những bài thơ lần đầu được đưa vào sách giáo khoa, như: Lời của cây; Trong lời mẹ hát; Nhớ đồng thì các tác giả sách giáo khoa cũng lấy lại các bài thơ quen thuộc của chương trình 2006, như: Sang thu; Quê hương; Bếp lửa. Sự kết hợp hài hòa, kế thừa như vậy giúp cho giáo viên bớt đi những áp lực trong giảng dạy.

Đặc biệt, ở phần viết (tập làm văn) ở bài 1 cũng được trình bày khá khoa học, mang tính kế thừa giữa các lớp. Nếu như lớp 7 là Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ; lớp 8 yêu cầu Viết đoạn văn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ tự do; lớp 9 yêu cầu Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.

Việc bố trí theo trình tự logic như vậy sẽ giúp cho giáo viên và học sinh thuận lợi trong việc dạy và học. Mặc dù cả 3 lớp đều yêu cầu viết đoạn văn nghị luận về một bài thơ nhưng yêu cầu ở các lớp sau cao hơn lớp trước. Có nghĩa học sinh được trang bị kiến thức từ thấp đến cao theo từng năm.

Nếu như trước đây, phần tập làm văn ở chương trình 2006, cấp Trung học cơ sở được chia đều ở các lớp: lớp 6 học tự sự, miêu tả; lớp 7 là biểu cảm, nghị luận; lớp 8 thuyết minh, tự sự; lớp 9 là thuyết minh, tự sự, nghị luận thì chương trình 2018 năm nào cũng được học các thể loại: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

Việc sắp xếp tất cả các thể loại trong mỗi năm học và lặp lại liên tục suốt 4 năm học như vậy sẽ giúp cho học sinh nhuần nhuyễn các kiểu bài. Đặc biệt, mỗi bài viết sẽ có một bài mẫu phân tích rất kĩ bố cục của đoạn văn, bài văn cũng là những ưu điểm để học sinh biết sắp xếp câu từ, kiến thức theo một trình tự hợp lý cho phần thực hành và bài nói và nghe.

Môn Ngữ văn chương trình 2018 đòi hỏi cả thầy và trò cùng học tập, làm mới mình

Với mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho người học nên môn Ngữ văn không còn lệ thuộc vào các ngữ liệu của sách giáo khoa khi ra đề kiểm tra, đề thi như trước đây.

Cụ thể, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông và hướng dẫn: “Đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Chính vì thế, những ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn (cả 3 bộ sách) sẽ không dùng làm ngữ liệu khi kiểm tra định kỳ và thi cuối cấp (tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp Trung học phổ thông).

Điều này có nghĩa những ngữ liệu trong đề kiểm tra định kỳ, đề thi môn Ngữ văn sẽ là những ngữ liệu hoàn toàn mới. Vì thế, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy và học mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Giáo viên phải hướng cho học sinh nắm được các kiểu bài, viết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn. Nếu giáo viên dạy theo cách cũ, kiểm tra bằng ngữ liệu quen thuộc, mớm bài khi kiểm tra để có điểm cao thì khi thi cuối cấp, chuyển cấp, học sinh sẽ không thể có các kĩ năng cảm thụ và hành văn. Điểm trò thấp cũng đồng nghĩa sự thất bại của người thầy.

Nếu học sinh không chú ý, không có khả năng đọc hiểu, phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học thì các em sẽ không thể nào vượt qua các kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp. Bởi, giáo viên chỉ dạy cho học sinh “cách làm” chứ không làm sẵn, luyện sẵn những tác phẩm đã có sẵn trong sách giáo khoa như chương trình 2006.

Vì thế, ưu điểm môn Ngữ văn ở chương trình 2018 chỉ dành cho những giáo viên, học sinh có khả năng tìm tòi, sáng tạo và chủ động trau dồi, học tập.

Thời văn mẫu, giải sẵn đề, học tủ đã hết, bắt buộc giáo viên và học sinh phải thay đổi thì mới phát huy được ưu điểm của chương trình 2018 đối với môn Ngữ văn. Nếu không, mục tiêu của chương trình đề ra khó có thể đạt được và những ưu điểm chỉ nằm trên lý thuyết mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG