Khi vụ án khép lại với bản án nghiêm khắc và khi khoác lên mình bộ đồ phạm nhân dưới tán rừng tràm, nữ "đại gia" này mới cảm nhận giá trị vô ngần của cuộc sống tự do; càng cảm thấy hối hận về những kiểu "chơi ngông" một thời của bản thân để rồi gia đình, sự nghiệp tan nát…
Hơn mười năm trước, khi được chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm "điểm danh", bà Nguyễn Thị Bé Tư - Giám đốc Công ty TMDV Cà Mau mới ở tuổi 52. Dù lúc ấy, đã trải qua thời gian gần 2 năm bị tạm giam nhưng bà vẫn toát lên diện mạo của một phụ nữ đẹp tự nhiên. Tóc bà vẫn đen và dài, da trắng, giọng khỏe, trong trẻo, sang trọng…
Tôi nhớ không khí của phiên tòa sơ thẩm kéo dài cả chục ngày tháng 3/2002. Dân Cà Mau đến xem khá đông. Nhiều người thú thật họ đến để được xem người mà "đại gia" Bé Tư hâm mộ, đó là nghệ sĩ cải lương M.V.. Điều khiến cho nhiều người dự khán phải sốc chính là những kiểu "chơi ngông" của "đại gia" Bé Tư.
Thực ra, chuyện bà hâm mộ nghệ sĩ là chuyện cá nhân của bà, chẳng ai cấm. "Chết" là ở chỗ, bà chẳng phải dùng tiền của cá nhân để phục vụ tình cảm riêng tư này. Đâu phải chỉ dừng lại ở những lần bỏ phong bì, phong bao sau mỗi lần nghệ sĩ ca xong 6 câu vọng cổ mùi mẫn, bà còn từng lấy tiền lãi từ liên doanh với các doanh nghiệp khác hơn 400 triệu đồng, mua căn nhà trên đường Nơ Trang Long (TP Hồ Chí Minh) để tặng M.V..
Để xóa dấu vết hành vi vụng trộm của mình, bà chỉ đạo lập phiếu thu khống để lấp vào sổ sách của công ty. Khi Tòa hỏi, nghệ sĩ M.V nói nhà do "cô Tư" mua rồi bán lại; ông chỉ vay tiền của "cô Tư" để mua lại nhà chứ không phải "được cho" (?). Tòa truy vấn: Sao giai đoạn điều tra, ông lại nói không biết gì về căn nhà này? nghệ sĩ M.V. thú thật: "Do cô Tư dặn khai vậy".
Tất nhiên, "đại gia" Bé Tư bị án chung thân không phải chỉ vì "mê" cải lương và lấy tiền Nhà nước cho nghệ sĩ mà bà hâm mộ. Bé Tư phạm tội tham ô và cố ý làm trái còn thể hiện qua việc chỉ đạo bán hàng chục lô nền, thu tiền tỷ rồi không được đầu tư hạ tầng, giao nền cho khách hàng mà dùng tiền để biếu xén, tiếp khách. Những ai thân quen, Bé Tư giải quyết chính sách bằng cách bán nền với giá mềm, thích thì ở, không thì bán lại "kiếm chút cháo", gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Trở lại với thực tại của nữ "đại gia" Bé Tư, trưa hôm tới Phân trại K1 Trại giam Cái Tàu (Bộ Công an) là lúc bà và các phạm nhân khác đang tưới những luống cải ở khu vực sản xuất của Trại. Nghe tiếng kẻng báo hiệu 11h, bà cũng khẩn trương vào vị trí để điểm danh. Tôi có dịp nhìn kỹ Bé Tư hơn. Hơn mười năm rồi. Thời gian không còn ủng hộ cho sắc diện của một phụ nữ đã bước qua tuổi 60 như bà.
Sau khi được cán bộ quản giáo giới thiệu tiếp xúc, bà có vẻ không còn mặc cảm nữa. Bà tự tin, cởi mở hơn. Bà khoe với chúng tôi về thành quả lao động cải tạo của mình.
Quả thật, hơn chục năm trước, chẳng ai nghĩ rằng, "đại gia" như Bé Tư lại có ngày đi… trồng cải, xách từng thùng nước tưới như thế này. Nhưng cuộc đời, không chuyện gì không xảy ra.
Ngồi cùng bà bên luống cải, tôi chợt nhớ đến con số gần 30 tỷ đồng mà bà và các thuộc cấp từng làm cho "con tàu" TMDV Cà Mau chòng chành, suýt bị "chìm", cũng như khoản tiền gần 2 tỷ đồng mà bà từng bòn rút, chi tiêu vô tội vạ…
Chấp hành tốt nội quy học tập, cải tạo để sớm có ngày đoàn tụ với gia đình. Ảnh chụp Trại Cái Tàu.
Trong cuộc trò chuyện, tôi không nhắc lại quá khứ của bà. Dẫu vậy, bà vẫn ứa nước mắt, tự nhắc lại chuyện cũ, đặc biệt là gia đình. Chồng bà cũng đã mất. Đứa con gái độc nhất theo chồng về tận xứ sở của những con chuột túi xa xôi. Nhà cửa, tài sản bị kê biên để thi hành bản án.
Bà bộc bạch thêm với tôi rằng, mỗi khi đến kỳ thăm thân, nhìn những phạm nhân cùng buồng ai cũng có thân nhân đến, bà tủi lắm. "Tui tự cảm thấy đau như xé lòng khi đã không làm tròn trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ. Chồng tui mất tui không có dịp để tang. Ngày con gái lên xe hoa, tui cũng chẳng được chứng kiến…" - bà nghẹn ngào.
Dù đã đánh đổi quá lớn nhưng bà vui là hàng chục năm qua, bà đã ý thức được rằng pháp luật luôn như một người rộng lượng, biết dung tha cho những ai nhận ra được lỗi lầm của mình, biết ăn năn, hối cải, biết thể hiện khát khao sớm hòa nhận với cộng đồng, được sống tự do.