Nữ sinh y khoa xin kéo dài nhiệm vụ tình nguyện chống dịch Covid-19

26/08/2020 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù sắp kết thúc thời gian tình nguyện chống dịch tại khu cách ly, nữ bác sĩ tương lai Lê Thị Hạ My vẫn đăng ký tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ.

Những ngày cuối tháng 7, khi đang miệt mài ôn tập cho kỳ thi cuối năm, Hạ My cùng hàng trăm sinh viên y khoa Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng quyết định “xếp bút nghiên” để đầu quân vào đội tình nguyện chống dịch.

Dịch bùng phát, nhịp sống thành phố Đà Nẵng trở nên trầm lặng hơn. Lệnh giãn cách xã hội cùng các biện pháp phòng chống dịch bắt đầu được triển khai và thực hiện nghiêm ngặt.

Hàng quán đóng cửa, bệnh viện bị phong tỏa, những bệnh viện dã chiến khẩn trương được xây dựng…

Không ít người lựa chọn về quê, tìm cách rời khỏi thành phố. Giữa lúc đó, phong trào tình nguyện chống dịch Covid - 19 của Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng níu chân hơn 400 sinh viên ở lại cùng thành phố tham gia cuộc chiến.

Nhiều sinh viên Y khoa sẵn sàng đầu quân cho cuộc chiến chống Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhiều sinh viên Y khoa sẵn sàng đầu quân cho cuộc chiến chống Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vượt qua nhiều nỗi lo, tình nguyện chiến đấu với Covid-19

Trải qua đợt tập huấn nghiêm ngặt, Lê Thị Hạ My - sinh viên ngành y đa khoa được phân nhiệm vụ đến khu cách ly ký túc xá Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng.

Với My, đây là khoảng thời gian tập sự đặc biệt nhất trong cuộc đời sinh viên của mình. Tham gia chống dịch, những sinh viên như My phải đối diện với biết bao nỗi lo, mang thêm cả nỗi lo của những người thân trong gia đình.

“Ban đầu, em không nói với ba mẹ về ý định tham gia chống dịch. Nhưng trong đợt tập huấn vừa rồi, gia đình thường xuyên gọi điện nên em không thể giấu nữa. Em biết, khi em thông báo quyết định này, ba mẹ sẽ lo lắng nhiều hơn, vì tình hình lúc đó căng thẳng lắm.

Mỗi lần gọi điện, ba mẹ luôn cố gắng động viên em, nhưng qua lời kể của chị gái, em mới biết mẹ đã khóc rất nhiều vì thương và lo cho em”, Hạ My nghẹn ngào kể lại.

Và rồi, tinh thần tình nguyện xung kích lại thôi thúc cô sinh viên ngành y bước về phía trước, sẵn sàng đương đầu với Covid-19 và mọi khó khăn.

Là nhóm trưởng trong đội tình nguyện tại khu cách ly, My gánh thêm nhiều trọng trách quan trọng, vừa làm việc, vừa phân công và quản lý công việc của các bạn thành viên.

Công việc hằng ngày của My và đồng đội là tiếp nhận các trường hợp F1 vào khu cách ly, tuyên truyền bệnh nhân tuân thủ cách ly, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, khám bệnh, phát thuốc, hướng dẫn làm tờ khai y tế, hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm, vận chuyển nhu yếu phẩm, khử trùng phòng có F0 đã chuyển đi, thống kê số liệu…

Nếu chỉ điểm tên đầu công việc, ít ai có thể tưởng tượng được những khó khăn mà những sinh viên y khoa phải trải qua.

Những ngày đầu, mặc đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt sũng quần áo, cộng thêm khối lượng công việc nhiều mà nhân lực lại mỏng, My bị ốm và sốt nhẹ.

Với biểu hiện đó, từ “chiến sĩ chống dịch”, My trở thành “đối tượng nghi nhiễm” của Covid-19. My được cách ly và tiến hành làm xét nghiệm.

“Lúc đó em vừa lo vừa buồn. Lo lắng vì sợ mình bị nhiễm. Buồn vì mình vào đây để làm việc, chưa hỗ trợ được gì đã trở thành bệnh nhân”, Hạ My tâm sự.

May mắn, My chỉ bị cảm cúm thông thường, hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính, cô quay trở lại với nhiệm vụ của mình.

Mặc dù đã được tập huấn bài bản, kỹ càng nhưng có những tình huống ngặt nghèo mà chính đội ngũ tình nguyện viên cũng không lường hết được.

Lê Thị Hạ My - sinh viên y khoa Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lê Thị Hạ My - sinh viên y khoa Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nữ bác sĩ tương lai chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với chúng em là tư tưởng của một số người thực hiện cách ly. Họ tỏ thái độ bất hợp tác, phàn nàn, kêu ca và đòi hỏi nhiều hơn những gì cơ sở cách ly có thể đáp ứng”.

Theo My, khu cách ly không giống như bệnh viện, nhưng có người đòi hỏi máy siêu âm, những thiết bị hiện đại khác và rồi tỏ thái độ bất mãn.

Mặc dù quá trình lấy mẫu, làm xét nghiệm đều theo đúng chuẩn quy trình nhưng khi công bố ca nhiễm dương tính, có người quay lại trách móc nhân viên y tế không xét nghiệm sớm hơn, thậm chí là đòi gọi điện đường dây nóng để phản ánh.

Tình nguyện bước vào cuộc chiến nhưng trước thái độ, hành động của một số người trong khu cách ly khiến những chiến sĩ áo trắng không khỏi chạnh lòng.

“Đó là cảm giác buồn vô cùng. Trong khi chúng em đang nỗ lực từng ngày hỗ trợ mọi người thì vẫn có người không hiểu, họ khó chịu và trách cứ mình. Đó cũng chính là áp lực công việc mà chúng em phải trải qua”, Hạ My chia sẻ.

Dẫu là vậy, My và đội tình nguyện chưa bao giờ quên nhiệm vụ của mình. Tại đây, những bác sĩ, điều dưỡng tương lai không chỉ có khám bệnh, lấy mẫu, xét nghiệm mà còn phải làm tốt công tác tư tưởng cho người dân.

Bằng kiến thức chuyên môn cộng với sự kiên nhẫn, chân thành, My giúp cho mọi người nhìn nhận vấn đề, sự việc một cách đúng đắn, tích cực nhất.

Khi tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế cũng đang gồng mình chống dịch, tại các khu cách ly phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men…

Hạ My chia sẻ: “Trong hoàn cảnh ấy, mình không thể đòi hỏi cơ sở cách ly phải có đầy đủ mọi thứ. Chính vì thế, chúng em phải thích nghi và linh hoạt ứng biến trước mọi vấn đề phát sinh”.

Những bài học không bao giờ quên

Tính đến thời điểm hiện tại, khu cách ly nơi Hạ My làm nhiệm vụ đã có 8 ca dương tính với SARS-CoV-2, có khoảng hơn 60 người đang thực hiện cách ly theo quy định.

Hơn 20 ngày trong guồng quay của cuộc chiến, nữ sinh trường Y càng cảm thấy trân quý từng khoảnh khắc, từng giây phút gắn bó với nơi đây. My chia sẻ rằng, dù khó khăn, vất vả nhưng đây chính là nơi cho My nhiều bài học và kỷ niệm quý giá.

“Khu cách ly phản ánh một xã hội thu nhỏ, em cảm giác như mình đã đi qua mọi cung bậc cảm xúc của mọi người, từ sự bất an, lo sợ, từ nỗi buồn rồi đến niềm vui, hạnh phúc, cảm xúc yêu thương, và tất nhiên cũng không tránh khỏi những câu chuyện buồn về ý thức, cách ứng xử của một số người.

Nhưng cũng chính vì được làm nhiệm vụ đặc biệt mà em có cơ hội sống chậm lại, suy ngẫm về nhiều điều trong cuộc đời”, Hạ My tâm sự.

Một buổi tối, khi đang sắp xếp ít bánh kẹo để tổ chức sinh nhật một thành viên thì cả đội nhận thông báo khẩn từ đơn vị xét nghiệm “Có một ca dương tính”.

Chưa kịp gửi lời chúc đến người đồng đội, các tình nguyện viên lại vội vã mặc đồ bảo hộ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Sau khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch, My và các bạn đến thông báo cho bệnh nhân, tách bệnh nhân ra khỏi phòng cách ly và làm thủ tục để đối tượng F0 chuyển đi.

Sau khi bệnh nhân rời đi, cả đội sẽ thực hiện sát khuẩn không gian cho căn phòng và tiếp tục làm công tác tư tưởng, trấn an những người ở lại.

“Những trải nghiệm đó cho em hiểu thêm về nhiệm vụ của mình, cũng chính là trọng trách của ngành y đối với xã hội, đôi khi phải hi sinh những tình cảm riêng tư vì mục đích chung”, Hạ My chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ của mình.

Cũng theo My, những đối tượng đến khu cách ly rất đa dạng, nhưng thương nhất vẫn là các em nhỏ và cụ già. Có những đứa trẻ chỉ chưa tròn 1 tuổi đã phải theo bố mẹ đến khu cách ly.

Những tình nguyện viện luôn sẵn sàng trước mọi tình huống khẩn cấp (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những tình nguyện viện luôn sẵn sàng trước mọi tình huống khẩn cấp (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

My và đồng đội vô cùng khó khăn mỗi khi phải công bố một đối tượng F1 trở thành F0.

“Có người mẹ của một em bé 8 tháng tuổi dương tính với SARS-CoV-2, khi có kết quả xét nghiệm, người mẹ trẻ để lại con cho chồng chăm sóc, còn mình phải chuyển đi. Đó là những cuộc chia ly bất đắc dĩ, dù người ngoài cuộc cũng khó có thể cầm được nước mắt”, Hạ My nhớ lại.

Đối với những chiến sĩ tình nguyện như My, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là lúc cầm quyết định hết thời hạn cách ly cho những người đủ điều kiện trở về nhà. Lúc đó, chính My cũng cảm thấy vui lây niềm vui của mọi người.

Hạ My kể: “Có những người sau khi hoàn thành cách ly vẫn luôn gửi hoa quả và những lời cảm ơn đến các nhân viên trong khu cách ly. Tình cảm ấy khiến chúng em thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng”.

Những ngày đối diện với nhiều khó khăn, căng thẳng, mệt mỏi cũng chính là những ngày My hiểu hơn về giá trị của tình yêu thương.

Trong khu cách ly nhỏ bé ấy, tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia chính là bài học giá trị cho những bác sĩ tương lai rèn giũa y đức, thiên lương trong sáng và sự tận tâm với nghề.

Từ thời điểm bắt đầu bước vào cuộc chiến, nữ sinh trường y mang theo bao cảm xúc bồi hồi, xúc động, vừa có chút lo lắng, vừa hãnh diện về trọng trách được giao.

Quá trình làm nhiệm vụ, Hạ My nhận thấy đây là cơ hội để mình vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, đặc biệt là khả năng ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

“Quan trọng hơn, em hiểu hơn về những vất vả và trọng trách của ngành y đối với xã hội, từ đó, em muốn trau dồi kiến thức, rèn luyện cả thể chất và tinh thần để vững tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn”, My chia sẻ.

Hạ My cũng bày tỏ niềm vui khi chính mình đã giúp lan tỏa tinh thần chống dịch đến cộng đồng xã hội và hạnh phúc khi được góp một phần công sức vào cuộc chiến chống dịch chung của cả nước.

Hạ My tự tin nói: “Cuộc chiến này không hề đáng sợ, thứ đáng sợ chính là để những nỗi sợ hãi vô hình khiến chúng ta thu mình và chạy trốn khỏi cuộc chiến. Chỉ cần có tinh thần đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này”.

Phạm Minh