Thật khó để tôi có được ít phút trao đổi với nữ thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội Hà Thị Thanh Thủy.
Gần 12h trưa, cô giáo Hà Thị Thanh Thủy lại chuẩn bị cho giờ lên lớp buổi chiều.
Cô giáo trẻ cho biết, lịch trình công việc của cô kín đến 10h đêm. Sau giờ lên lớp ở trường, cô còn đi dạy kèm.
Quả thật, điều này phần nào khiến tôi hiểu lý do nào khiến cô nàng thủ khoa ngành sư phạm Ngữ văn vừa ra trường đã được đứng trên bục giảng.
Trong khi nhiều cử nhân sư phạm còn lo lắng tìm việc thì Thanh Thủy đã đi dạy ở ngôi trường khá nổi tiếng tại Thủ đô.
Hà Thị Thanh Thủy (bên trái ảnh). Ảnh: NVCC |
Hiện, thủ khoa Hà Thị Thanh Thủy đang làm giáo viên dạy văn tại trường Trung học phổ thông FPT.
Sắp xếp mãi, cuối cùng tôi cũng có được ít phút trò chuyện với một trong 88 thủ khoa vừa được Hà Nội vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thanh Thủy chia sẻ, để thực hiện được ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn, đó là một hành trình phấn đấu không biết mệt mỏi của cô gái xứ Nghệ.
Suốt 4 năm học, Thủy liên tục nhận được các suất học bổng từ trường học, từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các tập đoàn kinh tế, nhờ thành tích học tập xuất sắc, cùng vốn tiếng Anh tốt.
“Từ năm thứ nhất đại học, bố mẹ đã không phải chu cấp cho em ăn học, nhờ các nguồn học bổng và công việc làm thêm gia sư của em”, Thủy chia sẻ.
Với Thủy, học bổng là một trong những động lực lớn giúp em phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ học tập, đỡ gánh nặng cha mẹ.
Nữ thủ khoa chia sẻ: “Xuất phát điểm của em giống nhiều sinh viên khác là con em vùng nông thôn.
Lúc em quyết định thi vào sư phạm nhiều người đã can ngăn em, trong đó có mẹ em.
Bản thân mẹ em cũng là giáo viên nên mẹ hiểu giáo viên khó xin việc thế nào”.
Điệp khúc được mọi người nhắc đến là xin việc khó hoặc để xin được việc phải mất rất nhiều tiền.
Nhưng Thanh Thủy muốn chứng minh cho mẹ là em có thể tự xin được việc. Vì thế, em đã nỗ lực rất nhiều.
Thanh Thủy nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức. Vì thế, vừa bước chân vào giảng đường đại học, em đã tự đặt ra yêu cầu là trong 2 năm đầu sẽ dồn toàn sức để trau dồi kiến thức nền tảng.
Học văn và muốn dạy được văn cần rất nhiều kiến thức. Học trên lớp và học thêm bên ngoài sách vở.
Sau khi sắp xếp được thời gian, em bắt đầu đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội để tăng kỹ năng giao tiếp".
Đặc biệt Thủy đặt mục tiêu là làm sao để sớm được đứng lớp và có nhiều cơ hội tiếp xúc với học sinh.
Hà Thị Thanh Thủy (đeo kính hàng đầu) cùng các sinh viên Nhật Bản. Ảnh: NVCC |
Đến năm thứ 3 đại học, Thủy đã xin thực tập tại trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ.
Cô giáo trẻ Thanh Thủy chia sẻ: “Em đã đọc thông tin đăng tải của các trường thiếu giáo viên.
Em nghĩ mình là sinh viên nếu được vào đấy sẽ được tiếp xúc với môi trường dạy học nhiều lên.
Thời điểm đó, em không đòi hỏi trường bất kỳ khoản chi trả nào cả. Em tự nguyện đến với trường để được tiếp xúc nhiều với các em học sinh.
Em vừa được làm việc và học kỹ năng cần có của một giáo viên".
Ngay lúc đến gặp người tuyển sinh bên trường, Thủy cũng nói ra quan điểm đó và mong các thầy cô tạo điều kiện cho em.
Hơn nữa, theo Thủy, kết quả học tập của em cũng rất tốt nên em nghĩ đó là điểm cộng để trường tin tưởng nhận em vào làm.
Em nhớ lại: "Lúc đó, em rất chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc tại các trường học.
Từ việc chuẩn bị, nộp hồ sơ, liên lạc và tự nguyện xin các công việc làm thêm tại trường.
Em nhớ khi đó ở trường Đào Duy Từ có rất nhiều việc để em có thể làm như tổ chức hoạt động cho học sinh, viết bài đăng trên website của trường.
Em đều xin làm để học hỏi kinh nghiệm. Có lẽ lãnh đạo nhà trường thấy được sự chủ động, nhiệt tình, trách nhiệm của em nên trường đã tạo điều kiện".
Nữ thủ khoa ngành Ngữ văn cho rằng, ngoài những sự chuẩn bị chủ động, tích cực từ chính bản thân có lẽ em có phần may mắn.
Bởi em đã đọc được thông tin mình cần và gặp được các thầy cô sẵn sàng trao cơ hội cho sinh viên muốn thử sức với nghề như em.
Quay lại với công việc hiện tại, Thủy cho biết, nhiều người hỏi sao em xin vào được trường Trung học phổ thông FPT.
Nữ thủ khoa khẳng định, cô đọc thông tin tuyển dụng và nộp hồ sơ rồi thi tuyển chứ không phải có quen biết gì cả.
"Không làm thì sao biết mình làm được. Vì thế, mỗi sinh viên sư phạm hãy nỗ lực, chủ động tìm cơ hội việc làm cho mình thay vì ngồi chờ đợi nó", Thủy nhấn mạnh
Theo Thanh Thủy, không phải sư phạm khó xin việc. Nếu chúng ta ra trường và đáp ứng được các yêu cầu của trường, đủ năng lực thì em tin là sinh viên sư phạm sẽ tìm được công việc phù hợp.
Thành tích của thủ khoa Hà Thị Thanh Thủy + Điểm học tập toàn khóa: 3,77/4 + Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc + Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc toàn khóa + Giấy khen của Hiệu trưởng cho sinh viên vượt khó trong học tập + Học bổng Ponychung Hàn Quốc năm học 2016 – 2017 + Học bổng Shinyoen Nhật Bản năm học 2014 – 2015, 2015 – 2016 + Học bổng Yamada Nhật Bản năm học 2014 – 2015 + Học bổng Tài năng trẻ của Tập đoàn Vingroup + Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội + Là Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia, cấp Đại học Giáo dục + Tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Giáo dục và Đại học Chiba, Nhật Bản + Giấy khen của Hiệu trưởng cho sinh viên có thành tích trong hoạt động Đoàn, Hội + Thành viên Câu lạc bộ Tiếng Anh, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. |