Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Dương Anh Đức đã kết luận như vậy tại Hội nghị thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn thành phố trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025.
Tại hội nghị này, sau khi nghe Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo công tác chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất giai đoạn 2022-2025, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), lãnh đạo các địa phương đã có các phát biểu, nêu lên những khó khăn khi thực hiện chỉ tiêu này.
Dự án xây trường từ năm 2017 vẫn chưa thực hiện được
Tại Quận 4, ông Võ Thanh Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận thông tin, dự kiến đến năm 2025, địa phương này khó hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, do nhiều dự án xây dựng trường phải điều chỉnh quy hoạch khiến thời gian thực hiện kéo dài.
“Chúng tôi có dự án xây dựng trường từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, theo quy chuẩn xây dựng mới, một trường học hiện có 15 lớp, nếu đập ra xây mới chỉ có 10 lớp, càng khó khăn hơn đối với việc giải quyết chỗ học” – ông Võ Thanh Dũng cho biết.
Đại diện Ủy ban nhân dân Quận Bình Thạnh cho biết, trong điều kiện hiện nay, rất khó để thu hồi diện tích đất đủ lớn xây dựng trường học theo đúng quy chuẩn, nên quận kiến nghị tận dụng chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất.
Nên tính chuẩn diện tích/học sinh bằng diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất (không phải tính diện tích đất/học sinh).
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 Võ Thị Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L) |
Thành phố có chế độ, chính sách ưu tiên trong giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư các dự án xây dựng trường mới theo quy hoạch đã duyệt.
Các khu dân cư quy hoạch mới phải đảm bảo quỹ đất dành cho giáo dục, theo định hướng chung và các tiêu chí cụ thể.
Bà Đào Thị My Thư – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Gò Vấp cho hay, để đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3 đến 18 tuổi), địa phương cần bổ sung thêm 1.300 phòng học.
Trong khi đó, hiện nay thì hầu hết các dự án đều vướng vào công tác đền bù, giải tỏa do giá đền bù theo quy định nhà nước hiện nay quá thấp, người dân không đồng thuận bàn giao đất.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 – bà Võ Thị Chính nói, hiện quận đang rà soát các khu đất dành cho cơ quan, xí nghiệp, công ty nhà nước quản lý, nhưng để trống không sử dụng.
Quận này cũng đã kiến nghị thành phố thu hồi 14 khu đất thuộc diện này, song đã kiến nghị từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa có chủ trương thu hồi lại.
“Nếu như có quỹ đất này để đầu tư xây dựng trường học thì sẽ giảm áp lực rất nhiều” – bà Chính chia sẻ.
Phát triển giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng nhất
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về mặt tổng thể, bức tranh này tương đối có “màu xám”, nhưng nhìn kỹ lại thì vấn đề này vẫn có những bước phát triển, nỗ lực.
Trong đó, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Tất cả địa phương bằng cách này hay cách khác đều phải đặt vấn đề phát triển giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các địa phương phải tổng rà soát lại nguồn lực cơ sở vật chất, biện pháp, cân nhắc tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: P.L) |
Địa phương cần rà soát lại, có tiếng nói mạnh mẽ, xem lại các khu đô thị mới theo quy hoạch có đất dành cho giáo dục hay không, đất giáo dục đang dùng để làm gì để có phương án sử dụng tốt nhất.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, có những nơi, con em công nhân hay người lao động ở trong khu đô thị, nhưng lại không có điều kiện đi học dù trong khu đó có trường nhưng trường quốc tế, học phí lên đến cả tỷ đồng.
“Địa phương, ngành giáo dục phải xem lại điều này, có ý kiến mạnh mẽ, khách quan vì lợi ích của người dân. Đất giáo dục là phải phục vụ giáo dục, mục đích chính là phục vụ mọi người dân, chứ không phải là một nhóm đối tượng nào đó” – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần phải quan tâm đến cấu trúc, kiến trúc khi xây trường, chăm chút từng dự án để tận dụng công năng sử dụng, diện tích, làm sao xây trường phải ra trường, tránh việc xây khối hình hộp chữ nhật mà không có bố cục, cấu trúc, kiến trúc.