Trường ở vùng cao: Thiếu giáo viên, CSVC xuống cấp, diện tích phòng học quá nhỏ

10/01/2023 06:44
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn lực còn hạn chế,để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang khiến thầy và trò Mường Nhé gặp nhiều khó khăn

Chỉ tay vào dãy nhà đã xuống cấp, thầy Bùi Văn Thủy - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sín Thầu (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên) cho biết, về tổng thể thì cơ sở vật chất của nhà trường cũng đủ để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên, vấn đề chủ yếu hiện nay của nhà trường là việc cơ sở vật chất xuống cấp dẫn tới điều kiện đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, tại các lớp học được đầu tư xây dựng theo mô hình 3 cứng ở các điểm bản, trường xuống cấp, cùng với đó là tại một số điểm bản vẫn phải ghép lớp. Việc phải ghép lớp dẫn đến chật chội và nóng bức nhất là vào dịp nắng nóng gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc học sinh, dạy - học của các nhà trường.

Cùng với đó, nhiều phòng học được xây dựng từ khi thành lập trường nhưng không được duy tu, bảo dưỡng nên bị xuống cấp, khiến cho phòng học thì có nhưng không thể sử dụng được vì không thể đảm bảo an toàn cho học sinh.

Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, không đủ không gian để học sinh tiến hành các hoạt động như thảo luận, trao đổi theo nhóm…đúng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với máy tính để học tin học thì máy cũ, hỏng, không có thay thế vì được đầu tư từ trước nên việc dạy tin học, ngoại ngữ khó đạt chất lượng như kỳ vọng. Các thầy cô giáo phải tìm cách khắc phục làm sao không để phải học chay. Nhưng cũng chính kiểu học khắc phục như vậy nên rất khó đảm bảo chất lượng.

Lớp học ở Sín Thầu xuống cấp khiến các thầy cô giáo đau đầu trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: LC

Lớp học ở Sín Thầu xuống cấp khiến các thầy cô giáo đau đầu trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: LC

Không xuống cấp về cơ sở chất như trường Sín Thầu, trường Phổ thông dân tộc bán trú Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên) lại thiếu thốn trăm bề khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới. Thầy giáo Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lếch có 8 điểm trường, gồm điểm trường trung tâm và 7 điểm trường lẻ - ở các thôn, bản. Năm học này trường có 474 học sinh, trong đó có 313 em học tại điểm trường trung tâm.

Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh... đều 100% làm bằng tranh, tre, nứa, lá.

Đến nay, dù đã được quan tâm đầu tư từ các chương trình của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn.

Các phòng học được xây trước đây đều rất nhỏ, chỉ khoảng 35m2 hoặc nhỉnh hơn một chút. Học sinh tại điểm trường trung tâm chỉ có thế bố trí 28 học sinh/lớp.

Để các hoạt động theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều rất khó khăn. Việc học theo nhóm, theo chủ đề... không thể triển khai vì phòng học nhỏ, học sinh trong lớp lại đông.

Ở điểm trường trung tâm đã vất vả như vậy, các điểm lẻ còn khó khăn hơn khi cơ sở vật chất phục vụ dạy học hầu như không có gì ngoài bàn ghế và... bảng.

Nêu thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết:

“Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất Những năm qua, các đơn vị trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục.

Được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các Sở ban ngành liên quan, hàng năm huyện dành một phần kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.

Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế, trong khi nhu cầu vốn lớn, nên đến nay vẫn còn nhiều công trình trường học trong huyện chưa được đầu tư xây dựng theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông như phòng học bộ môn: Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Đa chức năng, Khoa học xã hội (sử dụng chung cho các môn học Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí).

Mặt khác, số phòng học bộ môn đã được xây dựng từ năm 2015 trở về trước có diện tích chưa đảm bảo theo Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông (tối thiểu 60 m2 ).

Lớp học ở vùng cao được đầu tư xây dựng trước năm 2015 đều không đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo thông tư Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT. Ảnh: LC

Lớp học ở vùng cao được đầu tư xây dựng trước năm 2015 đều không đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo thông tư Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT. Ảnh: LC

Thiết bị dạy học dành cho các phòng học bộ môn đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên số lượng vẫn chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư 14/2020 nên hiện các trường có gì thì dùng nấy.

Số lượng giáo viên giảng dạy bộ môn Tin học, Ngoại ngữ tại các trường tiểu học và trung học cơ sở còn thiếu, số lượng giáo viên hiện có chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa Lý... Đặc biệt, nguồn tuyển rất khan hiếm”.

Trên cơ sở những khó khăn đã nêu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé mong Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ khác cho các trường tiểu học, Trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 và Thông tư số 14/2020/TT- BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tạo điều kiện bố trí kinh phí sự nghiệp giáo dục được giao hằng năm để thực hiện mua sắm đảm bảo yêu cầu về thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Xem xét, bổ sung chỉ tiêu biên chế và sớm tuyển dụng viên chức sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời thực hiện dạy học chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó cũng mong Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trần Phương