Từ chức là tự nguyện, khi nhận thấy bản thân mình không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công tác, từ chức; từ chức thể hiện sự tự trọng, cầu thị, danh dự, uy tín của cá nhân.
Quan trọng hơn, cá nhân từ chức thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ tổ chức, Đảng mà họ là thành viên.
Nghị quyết Trung ương về nêu gương có nêu “cán bộ, đảng viên nếu thấy mình sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức”.
Trong buổi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói:
“Thực tế từ khi ra đời đến nay, đặc biệt qua vụ gian lận về thi cử trầm trọng như vậy, nhưng có mấy ai xin từ chức đâu. Cho nên tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”.
Vì vậy, theo người viết, không thể “luật hóa vấn đề từ chức”; chỉ có thể “luật hóa vấn đề cách chức”. Cán bộ, đảng viên sai phạm, không đủ điều kiện, nhân dân không còn tín nhiệm thì phải cách chức; không rút kinh nghiệm.
Tại sao cán bộ vi phạm pháp luật; yếu kém về đạo đức, năng lực vẫn không từ chức?
Báo chí đã viết bài “Ba ông giám đốc sở giáo dục Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, nên từ chức” v.v…; thế nhưng các ông ấy vẫn không từ chức.
Thế mới thấy “chức” quan trọng như thế nào; chức gắn với quyền, gắn với tiền, vì thế người ta “không nghe, không thấy” dư luận để giữ chức của mình; giữ chức là giữ được bổng lộc, vinh thân, phì gia; cùng lắm đã có “sợi dây rút kinh nghiệm” bảo hiểm rồi!
Tấm gương sáng từ chức có văn hóa của nước ta là ai?
Ông Đoàn Ngọc Hải là tấm gương về văn hóa từ chức. Ảnh đăng trên VTV |
Những người quan tâm đến dư luận, thời sự, chắc không ai không biết ông Đoàn Ngọc Hải. Đơn từ chức lần thứ 2 của ông Đoàn Ngọc Hải viết:
"Tôi đã tiếp tục làm việc, cống hiến khả năng, sức lực của mình để phục vụ nhân dân, góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thành phố và đúng với trách nhiệm của người đảng viên.
…
Sáng nay, sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, tôi nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác, thì không thể làm tốt công việc này được.
Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn. Điều đó sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân, nên tôi từ chức…”.
Ông Hải nhận thấy bản thân mình không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công tác đã từ chức.
Điều đó chứng minh ông Hải tự trọng, cầu thị, coi trọng danh dự, uy tín của cá nhân, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, bảo vệ tổ chức. Quan trọng nhất, ông Hải đã bảo vệ uy tín của Đảng!
Ông Đoàn Ngọc Hải xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Ông Đoàn Ngọc Hải được điều động sang quản lý tại 1 doanh nghiệp nhà nước |
Làm sao để cán bộ “nêu gương từ chức”?
Về lâu dài, phải giáo dục được cán bộ “Liêm, chính, chí công, vô tư”; phát triển một nền giáo dục khai phóng, không dối trá. Cán bộ tốt, đầu tiên phải là công dân tốt.
Trước mắt, cán bộ không từ chức vì có tư tưởng “cố đấm ăn xôi”, “hi sinh đời bố, củng cố đời con”.
Vì vậy, xử lý sai phạm của cán bộ phải triệt để, đúng luật; chỉ đạo làm sai, thất thoát tài sản của nhân dân phải bồi thường; thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, bổng lộc do làm trái pháp luật mà có, cho dù đã nghỉ hưu.
Khi cố đấm mà không còn “xôi” ăn nữa, những cán bộ yếu kém sẽ “tự động” xin từ chức.
Cán bộ, Đảng viên coi trọng tổ chức, coi trọng Đảng, từ chối nhận nhiệm vụ mà năng lực bản thân không đáp ứng với yêu cầu công việc, giảm thiểu được các sai phạm “nghìn tỷ” trong tương lai.