Lãnh đạo hai miền Triều Tiên đang nhìn về một hướng, ảnh minh họa: Getty Images / Telegraph. |
Ngày 27/4/2018 đã đi vào lịch sử hai miền bán đảo Triều Tiên.
Mọi cặp mắt và đôi tai dường như đổ dồn về Vĩ tuyến 38 - biểu tượng chia cắt hai miền bán đảo sau Chiến tranh Triều Tiên - nay lại là nơi ghi dấu sự bắt đầu của trang sử mới hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc, và có thể đặt nền móng cho thống nhất đất nước sau này.
Chuyến đi lịch sử của nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng phong thái đĩnh đạc, ứng xử quyền biến, xử lý tình huống chuyên nghiệp đến không ngờ của ông đã khiến chúng tôi thực sự cảm phục.
Xin chia vui với dân tộc Hàn / Triều trong thời khắc đặc biệt ý nghĩa này!
Nhân sự kiện vô cùng đặc biệt này, chúng tôi cũng xin góp mấy lời chia sẻ nhận định của mình với quý bạn đọc gần xa của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Quyền biến xuất thần
Theo dõi qua truyền thông chúng tôi được biết, ông Kim Jong-un chính thức bước qua giới tuyến ngăn chia 2 miền bán đảo sang lãnh thổ Hàn Quốc lúc 9 giờ 30 phút sáng 27/4 giờ địa phương.
Lần đầu tiên xuất ngoại trong chuyến thăm Trung Quốc tháng trước, ông Kim Jong-un đặc biệt đĩnh đạc, làm chủ mọi tình huống và đã khiến dư luận ngạc nhiên, gặt hái được nhiều thành quả.
Nhưng lần này chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông Kim Jong-un rất tự tin và cởi mở, cho dù suốt thời gian từ khi xuất hiện đến lúc về nước, hầu như nhất cử nhất động của ông được hàng trăm, hàng ngàn ống kính phóng viên dõi theo và tường thuật trực tiếp cho cả thế giới biết.
Khoảnh khắc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa Tổng thống Hàn Quốc "thăm Triều Tiên, lên miền Bắc", ảnh: dwnews.com. |
Áp lực "truyền hình trực tiếp" với các chính khách vô cùng lớn. Không phải người đủ bản lĩnh và kỹ năng làm chủ tình huống, thì khó có thể vượt qua mà không có sơ suất.
Tổng thống Moon Jae-in xuất hiện trước ống kính truyền thông đã thành chuyện thường ngày.
Còn ông Kim Jong-un lần đầu đối mặt với "truyền hình trực tiếp", công khai mọi chi tiết nhỏ nhất của các hoạt động, quả thực đã vượt qua sự tưởng tượng của chúng tôi trước sự kiện này.
Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều người chia sẻ với mình điều đó, bởi lâu nay truyền thông Hàn Quốc, Hoa Kỳ thường mô tả nhà lãnh đạo Triều Tiên như một chính khách quyền lực, bí ẩn.
Thậm chí có người còn "lo thay" cho ông, không biết sẽ ứng xử thế nào khi xuất ngoại công du.
Được biết ông Kim Jong-un là người mở lời trước, khi gặp Tổng thống Hàn Quốc tại Bàn Môn Điếm. Đọc đoạn hội thoại giữa 2 nhà lãnh đạo sau cái bắt tay đầu tiên, chúng tôi thực sự xúc động:
- Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: Ngài đã xuống miền Nam rồi, bao giờ tôi có thể lên miền Bắc?
- Chủ tịch Kim Jong-un: Ngay lúc này là cơ hội tốt, để tôi mời ngài đến Triều Tiên.
Khi lãnh đạo Triều Tiên xem "văn nghệ phản động", cục diện bán đảo đổi thay |
Nói rồi ông Kim Jong-un dắt tay người đồng cấp miền Nam bước qua giới tuyến.
Sau một thoáng bất ngờ, Tổng thống Moon Jae-in đã vui vẻ nắm tay ông Kim Jong-un "sang lãnh thổ Triều Tiên".
The New York Times có gọi chi tiết này là một "điệu nhảy ngoại giao đã được biên đạo một cách cẩn thận";
Nhưng chúng tôi tin đó là giây phút xuất thần cho thấy tài quyền biến của ông Kim Jong-un trong một tình huống cụ thể.
Nếu không đến với tâm thế tự tin, cởi mở và thiện chí, thì cho dù có "biên đạo trước" đi nữa, cũng khó có thể diễn trơn tru như thế trước hàng ngàn ống kính phóng viên.
Nó cho thấy khả năng làm chủ tình huống và ứng xử linh hoạt của ông Kim Jong-un đến mức "xuất thần" và nằm ngoài kịch bản, ít nhất là từ phía Hàn Quốc.
Đoạn hội thoại thứ hai khiến chúng tôi đặc biệt chú ý khi nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau, là về "giấc ngủ ngon".
- Tổng thống Moon Jae-in: "Ngài xuất phát từ Bình Nhưỡng tới đây lúc sáng sớm, chắc rất vất vả, không được ngủ ngon giấc."
- Chủ tịch Kim Jong-un: "Ngài có lẽ cũng phải đi từ rất sớm."
- Tổng thống Moon Jae-in: "Ồ không, từ Seoul tới đây chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ thôi."
- Chủ tịch Kim Jong-un: "Tôi biết ngài còn phải họp Hội đồng An ninh quốc gia, phải dậy rất sớm nên chắc chắn sẽ ngủ không đủ giấc.
Từ nay Tổng thống không phải lo dậy sớm, họp Hội đồng An ninh quốc gia, không phải lo mất ngủ nữa."
Khoảnh khắc Tổng thống Moon Jae-in ôm lấy ông Kim Jong-un có lẽ là do cảm xúc nhiều hơn là "kịch bản", lãnh đạo Triều Tiên cũng đã ngầm cam kết không để Tổng thống Hàn Quốc phải dậy sớm bất thình lình vì những vụ phóng tên lửa. Ảnh: dwnews.com. |
Câu nói của Kim Jong-un cho thấy ông hiểu người đồng nhiệm miền Nam, và chia sẻ với ông Moon Jae-in qua lời cam kết ngầm:
Triều Tiên sẽ không thử tên lửa nữa để Tổng thống Hàn Quốc khỏi bị báo thức bất thình lình, cứ yên tâm kê cao gối nằm.
Ông Moon Jae-in năm nay 65 tuổi và có nửa quãng thời gian ấy bôn ba trên chính trường, có thể xem là một chính khách lão luyện.
Còn ông Kim Jong-un mới 34 tuổi và lần thứ 2 xuất ngoại. Ứng xử được như vậy, quả không hổ tuổi trẻ, tài cao.
Người chung một nhà, máu mủ tình thâm
Sau khi ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bất giác ôm lấy ông Kim Jong-un.
Có lẽ đây là khoảnh khắc thứ 2 ghi dấu ấn đậm nét về tinh thần hòa hợp, hòa giải từ lãnh đạo cao nhất của hai miền bán đảo.
Nội dung Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm cũng như cái ôm này chính là thành quả của những nỗ lực vượt lên mọi sự khác biệt, từ ý thức hệ, văn hóa cho đến tuổi tác, để hướng tới một mục tiêu chung.
Không chỉ dân tộc Triều Tiên, nhân loại có không ít quốc gia, dân tộc từng là nạn nhân của chiến tranh do ý thức hệ, do sự thao túng / xúi giục / ủy nhiệm của các siêu cường nhân danh mục tiêu, lý tưởng.
Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện |
Vượt qua được chính mình là điều vô cùng khó. Với cấp độ cá nhân đã đành, ở cấp độ quốc gia, chính thể càng khó hơn gấp bội.
Nhưng lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã làm được điều này.
Ngoài nền tảng giáo dục và văn hóa của cá nhân 2 nhà lãnh đạo, có lẽ yếu tố "một giọt máu đào hơn ao nước lã" hay "bầu ơi thương lấy bí cùng" cũng đóng một vai trò quan trọng.
Sự tinh tế ấy còn thể hiện qua cách Triều Tiên và Hàn Quốc sắp đặt sự kiện này. Sau đàm phán buổi sáng, ông Kim Jong-un trở về bên kia giới tuyến ăn trưa và nghỉ ngơi trong khi ông Moon Jae-in nghỉ tại bên này.
Đầu giờ chiều, ông Kim Jong-un qua Nhà Hòa Bình để tiếp tục chương trình nghị sự.
Đội danh dự quân đội Hàn Quốc không cử quốc thiều 2 nước, mà cử bản nhạc bài Arirang, một bài dân ca truyền thống của dân tộc Hàn / Triều đón ông Kim Jong-un.
Như vậy khó có thể gọi đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của ông Kim Jong-un, mà gần như là cuộc gặp mặt của "anh em trong nhà".
Hơn nữa, Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju đã từng chính thức tháp tùng ông Kim Jong-un công du Bắc Kinh lại không hiện diện cùng chồng trong các hoạt động chính thức quan trọng sáng, chiều 27/4, như khi thăm Trung Quốc.
Chiều tối, bà mới "vượt biên" qua bên kia Vĩ tuyến 38 để tham dự các hoạt động chiêu đãi của vợ chồng Tổng thống Moon Jae-in.
Có thể xem cử chỉ này như một cách truyền đi thông điệp cuộc gặp "đoàn tụ một nhà", chứ không phải nguyên thủ nước này thăm nước kia.
Chiều tối 27/4 Đệ nhất phu nhân Triều Tiên mới "vượt biên" qua bên kia Vĩ tuyến 38 để dự tiệc chiêu đãi của vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: dwnews.com. |
Sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Các bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn được Washington và Bình Nhưỡng triển khai.
Chuyến đi bí mật của Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng hôm 1/4 đã được Nhà Trắng công bố ngay trước lúc ông Kim Jong-un "vượt biên" qua Vĩ tuyến 38.
Do đó các vấn đề chính của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có lẽ đang được thương thảo một cách thiện chí giữa hai bên;
Và hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu, ông Kim Jong-un cùng ông Donald Trump chỉ làm nhiệm vụ hoàn tất các vai diễn của mình với thành quả tốt đẹp, với điều kiện Mỹ cũng phải tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, có đi có lại.
Áp đặt một chiều trong đàm phán sẽ không bao giờ dẫn đến kết quả.
Quan sát lịch trình, hoạt động và ứng xử của ông Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm ngày 27/4, chúng tôi nhận thấy một thông điệp ngầm từ ông Kim Jong-un muốn gửi đến ông Donald Trump và phần còn lại của thế giới:
Ông sẽ giữ lời hứa.
Năm 2000 Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung dự định thăm Triều Tiên từ ngày 12/6, nhưng khi ông chuẩn bị khởi hành thì phía Bình Nhưỡng thông báo lùi chuyến thăm lại 1 ngày.
Năm 2007 Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun thăm Bình Nhưỡng. Khi đặt chân tới thủ đô Triều Tiên, ông Roh Moo-hyun vẫn không biết sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il ở đâu và lúc nào.
Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"? |
Trong khi chuyến đi vượt Vĩ tuyến 38 của ông Kim Jong-un đã diễn ra một cách hoàn hảo theo kịch bản hai miền thỏa thuận.
Không những thế, trong suốt thời gian "truyền hình trực tiếp", đã có những chi tiết xuất thần nằm ngoài kịch bản ông Kim Jong-un chủ động tạo ra hoặc ứng phó kịp thời, chuẩn xác.
Điều này vừa cho thấy sự tự tin, sẵn sàng và cam kết giữ chữ tín của ông Kim Jong-un muốn gửi gắm đến nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
Phong thái tự tin đĩnh đạc cũng như khả năng làm chủ và xử lý tình huống của ông Kim Jong-un cho thấy, nhà lãnh đạo trẻ này hoàn toàn đủ bản lĩnh bước vào phòng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với những kết quả tích cực.
Nếu như đài ABC của Australia nhận xét ông Kim Jong-un thể hiện sự tinh tế trong khoảnh khắc vượt Vĩ tuyến 38 cùng Tổng thống Moon Jae-in, thì chúng tôi cho rằng đấy là một phản ứng xuất thần.
Nếu như chuyên gia John Hemmings bình luận trên Telegraph ngày 27/4 rằng, cho dù có thất bại thì hội nghị thượng đỉnh hòa bình cho bán đảo Triều Tiên cũng vẫn là một bước đột phá đáng kinh ngạc, thì chúng tôi vẫn thấy đây là một bước tiến dài của lịch sử bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị này đã giải quyết "chuyện trong nhà" giữa hai miền bán đảo, còn chuyện phi hạt nhân hóa ông Kim Jong-un sẽ bàn với ông Donald Trump trong cuộc họp tới.
Có được thắng lợi này là kết quả của nhiều nỗ lực từ cả hai phía Triều Tiên và Hàn Quốc trên tinh thần đồng bào, lợi ích dân tộc vượt qua mọi rào cản khó khăn nhất.
Lịch sử hòa bình, hòa hợp, hòa giải đang bắt đầu trên bán đảo, cũng như xu thế cải cách mở cửa và hội nhập đang mở ra tại Triều Tiên.
Chúng tôi cho rằng, hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên ngày 27/4/2018 tại Bàn Môn Điếm có ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ với người dân Hàn Quốc và Triều Tiên.
Nó còn gợi mở những tư duy, cách nghĩ và cách tiếp cận mới cho những quốc gia, dân tộc không may đã từng hoặc đang là nạn nhân của các siêu cường, các cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Ông Kim Jong-un đã và đang làm dược những điều kỳ diệu cho đất nước mình, cho dân tộc mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực.