Ngày 25/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nhận tiền quyên góp của các trường trên địa bàn từ giáo viên để giúp 5 hiệp sĩ bắt cướp bị thương vong vào tối 13/5.
Thống kê ban đầu, đến hết ngày 25/5, thành phố có gần 30 đơn vị ủng hộ với số tiền hơn 62 triệu đồng, bằng tiền mặt và chưa tính chuyển khoản.
Các giáo viên xác nhận, đây là tiền lương “chắt chiu” để quyên góp cho “hiệp sĩ”.
Hiện trường vụ án. (Ảnh: Báo Tiền Phong) |
Việc quyên góp tiền cho các “hiệp sĩ” xuất phát từ Văn bản số 1616/GDĐT-CTTT ngày 17/5 do ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ký ban hành.
Theo công văn này, Giám đốc Sở cho rằng để tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên về tinh thần dũng cảm hy sinh vì người khác.
Một điều lạ, hành động quyên góp tiền để ủng hộ cho các “hiệp sĩ” lại phải thực hiện thông qua việc… vận động.
Văn bản có nêu rõ: “Sở Giáo dục và Đào đào tạo đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thực hiện một số nội dung cụ thể…”.
“Vận động các tổ chức Đoàn thể nhà trường tự nguyện quyên góp giúp đỡ nhằm động viên, chia sẻ kịp thời đối với các hiệp sĩ và gia đình trước những khó khăn trước mắt”.
Theo từ điển Lạc Việt, “vận động” là một động từ, có nghĩa “tuyên truyền, giải thích để người khác tự nguyện làm theo”.
“Tự nguyện” là động từ nói về hành động “xuất phát từ ý muốn của mình”, tức là không bị thúc ép, bắt buộc.
Đừng dạy học trò việc làm mà pháp luật không thừa nhận |
Hơn hết, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, nếu với tính tự phát, tự thành lập đội nhóm đông người, tự hành động độc lập, tự sử dụng công cụ hỗ trợ, tự tạm bắt giữ người, tự tạm giữ tài sản tang vật... là vi phạm hàng loạt các qui định của pháp luật.
Những hành vi này vi phạm về các tội: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; hoặc cũng có thể gây ra các tai nạn đáng tiếc khác như: Chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội...
Các tội trên được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư Lễ phân tích, bởi lẽ các “hiệp sĩ” chưa qua các trường lớp đào tạo bài bản như một chiến sĩ công an về các điều kiện cần và đủ để hành động săn bắt cướp, bắt trộm, bắt tội phạm.
Hành động của các hiệp sĩ là xuất phát từ tâm tốt, vì thấy sự bất bình mà ra tay cứu giúp người thế yếu... nhưng phải hành động đúng pháp luật khi quyết định xâm phạm đến tính mạng, thân thể, sức khỏe của người khác.
Thông báo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình) |
Vậy thì, việc vận động của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tuyên truyền “tinh thần dũng cảm” của 5 “hiệp sĩ” như trên có nên hay không?
Tiền không hẳn thay đổi được số phận con người mà lắm khi còn làm hỏng số phận của họ!