Ông Tập Cận Bình được hưởng lợi gì từ phán quyết trọng tài Biển Đông?

23/07/2016 08:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Sức mạnh của "tòa án công luận" đang cô lập Trung Quốc, buộc nước này phải thay đổi thái độ, dù ngoài miệng vẫn tỏ ra cứng rắn.

Nikkei Asian Review ngày 22/7 bình luận, mặc dù Trung Quốc lên gân với phán quyết vụ kiện trọng tài về Biển Đông giữa Philippines với nước này, nhưng riêng với ông Tập Cận Bình, phán quyết này lại rất có lợi.

Mặc dù bề ngoài chống phá phán quyết trọng tài, nhưng bên trong Trung Quốc đang thực hiện một hành động cân bằng tinh tế.

Những nỗ lực công khai chỉ trích phán quyết hôm 12/7 của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 từ phía Trung Quốc dường như là nỗ lực chống đỡ với dư luận trong nước để tìm kiếm sự ủng hộ từ người dân Trung Quốc.

Còn đằng sau hậu trường, Trung Nam Hải đang gửi thông điệp hy vọng tránh bị quốc tế cô lập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: pri.org.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: pri.org.

Một số quan điểm thậm chí cho rằng Tập Cận Bình đang được hưởng lợi từ phán quyết trọng tài, ít nhất là trong ngắn hạn.

Phán quyết trọng tài đối với Trung Quốc khắc nghiệt hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Tuy nhiên một nhà quan sát chính trị Trung Quốc dày dạn nói với Nikkei Asian Review:

"Chắc chắn phán quyết là một thất bại hoàn toàn với Trung Quốc. Nhưng nó lại là một cơ hội trời cho gửi đến Tập Cận Bình vốn đang trong tình thế khó khăn về chính trị trong nước."

Thoạt nghe thì điều này có vẻ không hợp lý. Tuy nhiên có những bất bình âm ỉ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc về phong cách lãnh đạo độc đoán của ông Tập Cận Bình, ảnh hưởng của ông đã có dấu hiệu giảm xuống khi nền kinh tế phát triển chậm lại, Nikkei Asian Review bình luận.

Phán quyết trọng tài là cơ hội để ông tỏ lập trường cứng rắn đối với một tranh chấp quốc tế thông qua truyền thông nhà nước, để thông qua đó tập hợp người dân xung quanh mình.

Ít nhất là cho đến bây giờ, phán quyết của Hội đồng Trọng tài đang thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi những khó khăn nội tại trong nước.

Tập Cận Bình đón đầu phán quyết

Ngày 12/7 trước thời điểm PCA công bố phán quyết của Hội đồng Trọng tài, ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU tại Bắc Kinh và tuyên bố, chính phủ của ông sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa.

Ông Tập Cận Bình được hưởng lợi gì từ phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 2

Tiến sĩ Thái Anh Văn: 3 lý do từ chối phán quyết, lập trường 4 điểm về Biển Đông

(GDVN) - Tiến sĩ Thái Anh Văn là người học luật, nên dường như nhận thức của bà về các vấn đề pháp lý cũng khác với những nhà chính trị khác.

Thông thường một nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc sẽ kiềm chế không vội vàng phát biểu về một vấn đề nhạy cảm. Ví dụ như khi một máy bay quân sự Mỹ ném bom nhầm vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999, lúc đó Giang Trạch Dân đã thận trọng chưa lên tiến ngay.

Ông để cho cấp phó của mình là ông Hồ Cẩm Đào lên tiếng trước. Giang Trạch Dân chỉ có ý kiến đầu tiên sau khi đo lường dư luận trong nước về vụ việc.

Lần này Tập Cận Bình đã dự đoán trước phán quyết trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, vì vậy ông quyết định đánh đòn phủ đầu.

Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại và Vương Nghị - Ngoại trưởng, cũng noi theo ông Tập Cận Bình, nhưng tiến thêm một bước gọi phán quyết là "trò hề chính trị" và "sọt rác".

Vào thời gian đó guồng máy tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc phát động một chiến dịch trực tuyến khổng lồ kêu gọi bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các trang web tin tức đều hiển thị bản đồ Trung Quốc gồm đường 9 đoạn, còn gọi là lưỡi bò hoặc lưỡi đỏ. Nhiều bài viết trên mạng internet từ Trung Quốc kêu gọi ủng hộ lập trường của ông Tập Cận Bình, thậm chí còn có những tiếng nói kêu gọi sẵn sàng chiến tranh ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng chỉ đạo báo chí nhà nước ra sức tấn công thẩm phán Shunji Yanai, nguyên Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển, tập trung vào mối liên hệ giữa ông với Thủ tướng Shinzo Abe.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thì có hẳn một chương trình bình luận quốc tế nói rằng Hội đồng Trọng tài không công bằng vì được "tổ chức bởi một phần tử cánh hữu Nhật Bản".

Tất nhiên lập luận này của Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến nhận định của dư luận quốc tế về phán quyết. Tuy nhiên nó lại giúp Tập Cận Bình làm chệch hướng những chỉ trích ở nhà vì không ngăn chặn được phán quyết của Hội đồng Trọng tài.

Trong khi thổi bùng sự giận dữ của công chúng, chính quyền Trung Quốc cũng tiến hành các bước ngăn chặn sự tức giận này. Ngày 12/7, các đảng bộ, chi bộ ở các trường đại học tại Bắc Kinh đã ra chỉ thị tăng cường kiểm soát các hoạt động của sinh viên.

An ninh được thắt chặt tại đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh.

Những cân bằng tinh tế

Mặc dù Hoa Kỳ và Nhật Bản không có yêu sách ở Biển Đông, nhưng hai nước có vai trò không nhỏ. Washington và Tokyo lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đe dọa tự do hàng hải, hàng không. Bắc Kinh chỉ trích Tokyo đã đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị thượng đỉnh G-7.

Ông Tập Cận Bình được hưởng lợi gì từ phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 3

Biển Đông: Nối lại đàm phán dễ hay khó phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc

(GDVN) - Thể diện của một cá nhân hay một quốc gia dân tộc chỉ có giá trị khi hành xử phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

Tuy thách thức Mỹ - Nhật ngoài mặt, nhưng bên trong Bắc Kinh đã âm thầm có những cử chỉ mang tính hòa giải với cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhật - Mỹ. Mặc dù bác bỏ phán quyết của Tòa, ông Tập Cận Bình hôm 12/7 không quên nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ theo đuổi một giải pháp hòa bình ở Biển Đông.

Cùng ngày, Trung Quốc đồng ý thu xếp một cuộc gặp giữa ông Thủ tướng Lý Khắc Cường với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ. Chính Tập Cận Bình cũng chấp nhận một chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản mới được bổ nhiệm, Shinsuke Sugiyama.

Một cuộc họp cấp bộ gọi là Đối thoại Kinh tế Nhật - Trung sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào cuối năm nay, hội nghị thượng đỉnh Đông Á (Trung - Nhật - Hàn) cũng đang được xúc tiến, những cuộc đàm phán Trung - Nhật bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tháng 9 này đang có trong kế hoạch.

Tuy nhiên với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn có những giới hạn. Lý Khắc Cường đã không cười khi ông bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe ở Mông Cổ. Điều này gợi nhớ cái bắt tay vụng về, vẻ mặt gượng ép của ông Tập Cận Bình khi tiếp Thủ tướng Shinzo Abe sang dự hội nghị APEC năm 2014.

Giống như Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường phải kiểm soát từng cử chỉ của mình, cẩn thận không được tỏ vẻ thân mật với Shinzo Abe trước ống kính phóng viên, nếu không muốn gây ra làn sóng phản đối ở nhà.

Đối với Mỹ, quân đội Trung Quốc đã chủ động mời Đô đốc John Richardson - Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ thăm Trung Quốc đầu tuần này. Richardon đã thăm hạm đội Bắc Hải, học viện tàu ngầm và tàu sân bay Liêu Ninh.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nói với ông Richardson hôm Thứ Hai rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhưng đồng thời sẽ kiểm soát chặt các hoạt động quân sự, tránh đối đầu và sai lầm chiến lược, để bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển.

Phát biểu của Ngô Thắng Lợi và chuyến thăm của Richardson đã gửi một thông điệp rằng, Trung Quốc muốn tránh một cuộc đối đầu với Mỹ ở Biển Đông. Tất cả việc này có thể đã được sắp xếp theo lệnh của Tập Cận Bình - Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Một câu hỏi đặt ra là, nếu "những con sóng Biển Đông" tiếp tục chống lại Trung Quốc thì những gì sẽ xảy ra? Nhiều khả năng cuối cùng Bắc Kinh sẽ phải tìm ai đó để đổ lỗi. Hiện chưa rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Phán quyết được đưa ra trước hội nghị Bắc Đới Hà để thảo luận các vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhân sự cấp cao của Đại hội 19 sẽ tổ chức vào năm tới. Theo truyền thống, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tỏ ra đoàn kết vững chắc, kể cả trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên quan điểm của các "nguyên lão", "công thần" về các vấn đề an ninh, đối ngoại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhân sự cấp cao khóa tới. 

Các nước nhỏ không nên mất cảnh giác

Cá nhân người viết hoàn toàn đồng tình với nhận định, sức mạnh của "tòa án công luận" đang cô lập Trung Quốc, buộc nước này phải thay đổi thái độ, dù ngoài miệng vẫn tỏ ra cứng rắn.

Ông Tập Cận Bình được hưởng lợi gì từ phán quyết trọng tài Biển Đông? ảnh 4

Sau phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã âm thầm hủy đường 9 đoạn?

(GDVN) - Trung Quốc dường như đã âm thầm tự hủy bỏ yêu sách đường 9 đoạn, bằng cách không nhắc đến nó trong yêu sách chính thức và mới nhất.

Tuy nhiên đây chỉ là cuộc chơi giữa các nước lớn trên Biển Đông nên sự thỏa hiệp nếu có vẫn chỉ là giữa các nước lớn với nhau. Với Trung Quốc vốn quá sành sỏi với "nghệ thuật đàm phán, mặc cả", họ sẽ vừa đàm vừa "nắn" đối phương chứ không dễ dàng thỏa hiệp.

Các nước nhỏ, đặc biệt là các bên yêu sách ở Biển Đông, có quyền lợi hợp pháp ở Biển Đông cần có sự tỉnh táo trong đánh giá tình hình và luôn sử dụng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 thể hiện qua phán quyết của Tòa để làm thước đo.

South China Morning Post ngày 23/7 dẫn nguồn tin tạp chí IHS Jane Defense cho biết, nhiều khả năng Trung Quốc đã rút tên lửa phòng không HQ-9 khỏi đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Bắc Kinh cho rằng, có thể việc rút HQ-9 có thể là hành động đáp lễ với Washington rút tàu sân bay USS John C. Stennis khỏi Biển Đông hôm 5/7.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice sẽ thăm Bắc Kinh 4 ngày bắt đầu từ ngày mai 24/7. Lý Kiệt cho rằng, chuyến đi của bà Rice sẽ giúp ông Tập Cận Bình hiểu suy nghĩ của Mỹ về Biển Đông.

Tuy nhiên cá nhân người viết nhận thấy, Trung Quốc không hề có dấu hiệu thỏa hiệp với các nước nhỏ.

Ngay cả việc kêu gọi Philippines quay trở lại bàn đàm phán song phương, nhưng ông Vương Nghị rào ngay rằng điều kiện tiên quyết để đàm phán là không được liên quan đến phán quyết của Tòa, như vậy gần như chẳng có gì để đàm phán.

Ông Dương Khiết Trì, ông Lưu Chấn Dân cũng kêu gọi "gác tranh chấp, cùng khai thác" ở Biển Đông, nhưng không nói phạm vi nào. Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng trong phạm vi đường 9 đoạn / đường lưỡi bò thì mọi thứ sẽ vẫn chỉ là bình mới rượu cũ và không đi tới đâu.

Mặt khác, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoạn để dẫn dắt một bộ phận dư luận dân chúng thiếu thông tin, thiếu kiến thức có thể có những tác dụng nhất thời, nhưng về lâu dài thì chơi dao sắc sẽ có ngày đứt tay.

Bởi giấy không bọc được lửa, sự thật theo thời gian rồi cũng sẽ có ngày sáng tỏ và nhiều người Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ đã bị lừa, lòng yêu nước của họ đã bị lợi dụng và họ đã bị dắt mũi để phục vụ các ý đồ chính trị cá nhân. Lúc đó hậu quả sẽ khôn lường.

Hồng Thủy