Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau kỳ họp Hội nghị Trung ương 4 khóa XII vừa qua, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đã bày tỏ quan điểm ủng hộ những nội dung trong kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị lần này đã thảo luận về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội, được nhân dân thừa nhận. Đây là ý thức của Đảng nên Đảng đã có nhiều nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, tiếp theo là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.
Tại các nghị quyết này, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Điều này có nghĩa Đảng phải đổi mới. Tình hình trong nước, tình hình thế giới đã đổi mới, thì Đảng phải đổi mới. Đổi mới về nhận thức, đổi mới về tư tưởng, đổi mới về hành động.
Đặc biệt, tại hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng nhận định, một bộ phận không nhỏ Đảng viên, trong đó có cả cán bộ Đảng viên cao cấp suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống”.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, với tình hình hiện nay thì biện pháp cần thiết là phải đuổi cổ những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo như đánh giá của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trung ương khẳng định sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm về: giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm".
Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tướng Thước: “Nhiều người vào Đảng là để lợi dụng, leo cao”(GDVN) - “Thời chúng tôi, vào Đảng vì thực sự muốn cống hiến, còn bây giờ nhiều người vào Đảng là để lợi dụng, leo cao”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ. |
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện.
Ông Hùng nói: “Có những Đảng viên tự đánh mất mình trước quyền lực, trước tiền bạc, trước lợi lộc và không xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân nữa.
Tư tưởng, đạo đức, lối sống ngày càng suy giảm đi, suy đồi, dẫn đến tự diễn biến. Ngày càng có nhiều người như vậy thì càng khiến cho Đảng phải đối diện thêm với nhiều khó khăn hơn. Đó là một thực tế, nó gắn liền với cuộc chống tham nhũng nhiều năm nay mà không đạt được kết quả như kỳ vọng của nhân dân”.
Phải thấy được sự gương mẫu từ cán bộ cấp cao
Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chống suy thoái đạo đức, lối sống... rõ ràng nếu chỉ là sự nỗ lực của một số cá nhân sẽ không thể đi đến kết quả, đi đến cái đích như các nghị quyết đã đề ra.
Kết luận tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: "Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn".
Nhìn lại lịch sử Đảng và các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta thì thấy rằng, muốn chống được cái xấu và nhân rộng những cái tốt thì trong nội bộ Đảng phải đoàn kết.
Đó cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Người cũng chỉ rằng “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất” là phải giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, là “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Tham nhũng ngày càng diễn biến khó lường. ảnh minh họa: Thời báo kinh tế. |
Với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ đúng sự thật” để thấy rõ những khuyết điểm trong xây dựng Đảng là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” những sai lầm khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định: “Phải làm trong sạch Đảng”, trước hết phải loại bỏ ngay những phần tử thoái hóa biến chất” với 6 giải pháp lớn về xây dựng Đảng.
Cương lĩnh 1991 của Đảng cũng xác định, “Đảng “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng...”.
Lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người thân, làm giảm niềm tin của dân với Đảng |
Cùng với các biện pháp xây dựng Đảng, Đại hội VII đã xác định quyết tâm “khai trừ khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất về chính trị và đạo đức, gây chia rẽ, bè phái, tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng”.
Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới (1986-1996), Đại hội VIII của Đảng khẳng định: “Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình”.
Rồi tới Đại hội lần thứ IX, Đại hội lần thứ X, Đại hội XI, và mới đây nhất là Đại hội XII cũng đều chú trọng tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những sai lầm, tuyên chiến với những biểu hiện cơ hội, bè phái, lợi dụng uy tín của Đảng để mưu cầu quyền lực cho bản thân.
Theo phân tích của ông Vũ Quốc Hùng, những nỗ lực của Đảng suốt từ khóa VI đến nay đã mang lại nhiều kết quả thắng lợi, mà biểu hiện rõ nhất là đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế ngày càng được nâng cao hơn.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có nhiều đảng viên thể hiện sự yếu kém về nhận thức chính trị, suy thoái tư tưởng, đạo đức, quan liêu, xa dân, gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng với dân.
Ông Hùng chia sẻ: “Từ Đại hội XI đến nay, chúng ta đã thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao, nhưng những tiêu cực về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của Đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà càng lộ ra.
Hãy nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái thì sẽ rõ!(GDVN) - Lâu nay, việc xây dựng Đảng và Nhà nước chủ yếu thực hiện theo hướng “tự mình”, chỉ có “tự mình” cũng còn có nghĩa là quyền lực chưa được nhân dân kiểm soát. |
Điều đó thể hiện ở những vụ đại án, tiêu cực đã được phanh phui, do đó nên sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, các đồng chí cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hiệu quả lợi ích nhóm như những gì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã nhiều lần đề cập.
Bàn thì đã bàn rất nhiều rồi, nhưng quan trọng bây giờ là giải pháp, làm rõ thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức? Thế nào là “Tự diễn biến”, thế nào là “tự chuyển hoá” trong nội bộ? Nguyên nhân, tác hại, mức độ hiện nay như thế nào để tìm phương cách giải quyết.
Tôi tin rằng, Đảng ta luôn ý thức được trách nhiệm tự đổi mới, trách nhiệm trước dân tộc, trước Tổ quốc, trước lịch sự để xây dựng, chỉnh đốn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Phê bình và tự phê bình là việc mà Đảng ta làm thường xuyên nhiều năm qua, nhưng chỉ chung chung, xuê xoa thì không giải quyết được gì. Theo tôi, bây giờ những kẻ suy thoái đạo đức, tư tưởng, những kẻ cơ hội phải bị đuổi cổ ra khỏi Đảng".