Miếng bánh từ tiền hỗ trợ học sinh nghèo tại tỉnh Hà Giang

22/05/2020 11:09
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 86/2015/NĐ-CP là một chính sách nhân văn của Nhà nước nhưng khi đưa vào thực hiện tại một số huyện (tỉnh Hà Giang) bộc lộ nhiều sai sót nghiêm trọng.

LTS: Trong suốt 1 năm qua, Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản ánh của hiệu trưởng, phụ huynh…tại Hà Giang liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Những phản ánh này tập trung vào quy trình thực hiện và lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Với tâm niệm: Một đồng Nhà nước hỗ trợ học sinh nghèo cũng phải về tay các em một cách minh bạch, hiệu quả; Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều hiệu trưởng, giáo viên tâm huyết trong ngành cung cấp bằng chứng, tư liệu vén màn những góc khuất của vấn đề này.

Dư luận tại tỉnh Hà Giang đã bức xúc nhiều năm

Tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương được hưởng hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Tại điều 11, chương III của Nghị định 86/2015/NĐ-CP có nêu: “Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng quy định tại Điều 10 Nghị định này với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học”.

Kể từ khi Nghị định 86/2015/NĐ-CP được đưa vào thực hiện đã góp phần giải quyết căn bản vấn đề thiếu sách, vở và đồ dùng học tập của học sinh nghèo tại tỉnh Hà Giang.

Đây thực sự là một chính sách nhân đạo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với học sinh nghèo từ những việc nhỏ nhất (trang bị sách vở, đồ dùng học tập…). Nghị định 86/2015/NĐ-CP cũng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn đến từ giáo viên và toàn ngành giáo dục tỉnh Hà Giang.
Năm 2019, ông N.Đ.L (tên nhân vật đã được thay đổi), công tác trong ngành giáo dục có gửi đơn thư đến ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang: Đề nghị xem xét và làm rõ những sai phạm trong quy trình thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.Tuy nhiên, khi đưa vào thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP, tại một số huyện thuộc tỉnh Hà Giang đã bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc.

Trong đơn ông L. có viết: “Các cháu học sinh nghèo được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi năm hàng chục tỷ đồng dành cho các đối tượng này để mua sách vở và đồ dùng học tập. Chủ trương của Chính phủ rất quan tâm chăm lo cho con cháu hộ nghèo rất thiết thực, nhất là con cháu hộ nghèo ở tỉnh ta.

Thế nhưng quá trình thực hiện tôi thấy bất ổn, đồng tiền vốn đi vòng vèo do quản lý qua gói Tăng cường trợ giúp xã hội và còn bị lợi dụng thậm chí nhiều nơi còn làm trái nguyên tắc quản lý vốn trong đề án.

Nhiều huyện có việc chỉ định nhà cung cấp không có kinh nghiệm, cấp sách giáo khoa không ai giám sát, kiểm tra, đồ dùng đồ chơi đa phần hành Trung Quốc nhưng bị đẩy giá bán quá cao, vở viết chất lượng thấp, bị thấm mực, nhòe khi viết như huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Bắc Mê, Xín Mần, Yên Minh. Nhà cung cấp do lãnh đạo huyện ép buộc và chỉ định”.

Công văn của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Công văn của Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Cũng tại thời điểm này (tháng 6/2019), Giáo dục Việt Nam bắt đầu nhận được nhiều phản ánh của giáo viên, hiệu trưởng tại tỉnh Hà Giang về việc Phòng giáo dục một số nơi đang thực hiện sai quy trình, sai nguyên tắc quản lý vốn của Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Trong đó 4 nhóm vấn đề được phản ánh bao gồm:

Thứ nhất: Phòng giáo dục một số huyện tại Hà Giang lựa chọn, chỉ định danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập (có sự tham gia của nhà cung ứng), yêu cầu học sinh được hưởng hỗ trợ Nghị định 86/2015/NĐ-CP phải mua là dựa trên cơ sở, nguyên tắc nào? Vì sao mỗi huyện lại chỉ định danh mục sách vở, đồ dùng học tập khác nhau?

Thứ hai: Việc phụ huynh, học sinh tham gia mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập phải dựa trên cơ sở tự nguyện, không ép buộc. Vì sao có huyện yêu cầu 100% học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP phải đồng loạt mua theo danh mục Phòng giáo dục chỉ định?

Thứ ba: Nguyên tắc, điều kiện nào để Phòng giáo dục lựa chọn, chỉ định nhà cung ứng sách giáo khoa, vở bài tập và đồ dùng học tập không qua đấu thầu? Vì sao các trường lại không có quyền được tự lựa chọn nhà cung ứng?

Thứ tư: Đồng tiền Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo chưa đến tay phụ huynh, học sinh đã trừ thẳng cho nhà cung ứng tại bưu điện là sai nguyên tắc quản lý vốn Nhà nước theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Mỗi huyện một cách làm, ai là người quản lý?

Theo thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, hàng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ xây dựng dự toán nhu cầu kinh phí chi trả cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập tổng hợp chung trong dự kiến nhu cầu dự toán chi ngân sách nhà nước của địa phương, của Bộ, ngành gửi Bộ Tài chính cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch.

Đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Căn cứ theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện giao nhiệm vụ trực tiếp cho Phòng giáo dục và đào tạo.

Đến bước này, tại mỗi huyện (thuộc tỉnh Hà Giang) lại có một cách làm khác nhau. Có huyện chỉ đạo sử dụng 100% chi phí hỗ trợ học sinh nghèo hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP để mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Cũng có huyện Phòng giáo dục và đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo không dấu, không có chữ ký.

Tình trạng “cát cứ” nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong đó dư luận đặt câu hỏi về vai trò của Sở giáo dục và đào tạo cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang trong việc quản lý, thực hiện tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Theo thông tin phản ánh, mặc dù những vấn đề sai phạm trong việc quản lý vốn, thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP gây bức xúc trong dư luận ngành giáo dục tỉnh Hà Giang một thời gian dài nhưng vấn đề này, đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trong những bài viết tiếp theo, Giáo dục Việt Nam sẽ đi sâu phân tích những sai phạm tại một số Phòng giáo dục huyện trong việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Hơn bao giờ hết, dư luận tỉnh Hà Giang rất mong ngóng có một sự vào cuộc mạnh tay của Ủy ban Nhân dân tỉnh thanh kiểm tra nhằm làm rõ những dấu hiệu sai phạm trên.

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc (Ảnh:V.N)

Xin mượn lời của một hiệu trưởng ở Hà Giang, cũng là nỗi lòng của nhiều giáo viên, hiệu trưởng trong toàn tỉnh Hà Giang:

“Chỉ riêng huyện tôi, có năm tiền hỗ trợ học sinh nghèo rơi vào khoảng 45 tỷ đồng. Đấy mới chỉ là một huyện còn rất nhiều huyện khác. Việc này đã có nhiều năm nhưng chúng tôi không ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập.

Nhưng tôi có thể khẳng định nếu tổ chức thanh tra thì không chỉ riêng huyện tôi mà còn có rất nhiều huyện khác tại Hà Giang cũng có tình trạng này. Tôi nghĩ rằng có nhóm lợi ích trong đây nhằm hưởng hoa hồng từ tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP”.

Vũ Ninh