Những chuyện khó tin nhưng có thật trong việc cô Cảnh bị chậm lương hưu

19/04/2020 06:29
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Cô giáo Cảnh có chức danh nghề nghiệp được pháp luật công nhận là giáo viên trung học cơ sở nhưng Quyết định số 2549 lại ban cho cô chức vụ nhân viên thư viện.

Ngày 06/10/2019, Giáo dục Việt Nam đã phản ảnh về sự sai phạm trong việc ban hành quyết định nghỉ hưu cho cô giáo Nguyễn Thị Cảnh của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, ngày 26/08/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành quyết định số 2549 về việc nghỉ hưu trước tuổi cho viên chức theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP cho cô giáo Cảnh.

Mặc dù cô giáo Cảnh có chức danh nghề nghiệp được pháp luật công nhận là giáo viên trung học cơ sở nhưng Quyết định số 2549 lại ban cho cô chức vụ “nhân viên thư viện” một cách tréo ngoe.

Hiện tại, theo quy định của pháp luật, chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở và chức danh nghề nghiệp nhân viên thư viện khác hẳn nhau về vị trí công việc cũng như về chế độ chính sách. 

Quyết định nghỉ hưu ký trái thẩm quyền
Quyết định nghỉ hưu ký trái thẩm quyền

Nhưng đã 6 tháng trôi qua, quyết định này vẫn được tồn tại nên góp phần không nhỏ trong việc lương hưu nhà giáo bị giam hãm.

Không chỉ ban hành tréo ngoe về chức vụ cho cô giáo Cảnh, Quyết định 2549 về việc nghỉ hưu trước tuổi cho viên chức theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Ủy ban Nhân dân huyện còn trái thẩm quyền.

Theo hồ sơ, ngày 26/9/2017, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã ban hành văn bản số 139/UBND-PNV về việc phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.

Văn bản số 139/UBND –PNV phân cấp hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong địa bàn có trách nhiệm và thẩm quyền thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu cho viên chức theo quy định hiện hành.

Như vậy, dù đã phân cấp nhưng trên thực tế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận lại xâm lấn thẩm quyền đã phân cấp bằng việc ký ban hành quyết định hưu cho cô giáo Cảnh và nhiều nhà giáo khác như tin đã đưa.

Hài hước giao quyền nhưng lại sợ mất quyền

Từ hồ sơ vụ việc nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận bị xâm hại chế độ, đã lộ ra rất nhiều bất cập trong công tác quản lý viên chức của huyện này.

Thực tế, không chỉ xâm lấn thẩm quyền đã phân cấp trong việc ban hành quyết định nghỉ hưu cho viên chức.

Không chỉ cô Cảnh, nhiều nhà giáo Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu cũng mòn mỏi chờ lương
Không chỉ cô Cảnh, nhiều nhà giáo Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu cũng mòn mỏi chờ lương

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật được Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận cân nhắc cắt xén mang tính chất “dè xẻn” một cách hài hước.

Cụ thể, một trong hai căn cứ pháp lý làm cơ sở phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo để Văn bản số 139/UBND –PNV ngày 26/9/2017 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận áp dụng chính là Thông tư Liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo;

Theo đó, Thông tư liên tịch số 07/2009 hướng dẫn việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là đơn vị) có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.

Văn bản số 139/UBND-PNV về việc phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.
Văn bản số 139/UBND-PNV về việc phân cấp thẩm quyền quản lý viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo.

Đối tượng áp dụng trong thông tư này là Cơ sở giáo dục mầm non; Cơ sở giáo dục phổ thông; Trường trung cấp chuyên nghiệp; Cơ sở giáo dục đại học; Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trường chuyên biệt; Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.

Về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư 07/2009 TTLT-BGDĐT-BNV quy định rõ:

Người đứng đầu đơn vị được quyền ký hợp đồng làm việc; bổ nhiệm vào ngạch viên chức đối với những người được tuyển dụng lần đầu trên cơ sở bảo đảm đủ tiêu chuẩn của ngạch cần tuyển và phù hợp với cơ cấu chức danh nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của pháp Luật;

Người đứng đầu đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch viên chức đối với các ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; quyết định chuyển ngạch, bổ nhiệm ngạch sau đào tạo hoặc sau thi nâng ngạch cho viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống theo quy định của pháp Luật.

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm sắp xếp, bố trí, phân công công tác, giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị phù hợp với trình độ đào tạo và ngạch của viên chức, bảo đảm chế độ, chính sách và Điều kiện cần thiết để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ;

Quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ các ngạch không thuộc phạm vi quản lý thì việc quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc do cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp Luật.

Việc Điều động, biệt phái, nghỉ hưu, thôi việc đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị do cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ.

Như vậy, mặc dù lấy căn cứ pháp lý là Thông tư 07/2009 TTLT-BGDĐT-BNV để áp dụng phân cấp thẩm quyền bằng văn bản số 139/UBND –PN nhưng Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận lại cắt xén một cách triệt để thẩm quyền của cơ sở giáo dục cho dù điều này đã được văn bản pháp quy quy định rõ ràng.

Và điều hài hước đang bộc lộ đó là dù đã  giao quyền nhưng Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận vẫn không đành lòng nên vẫn cố tình ký quyết định hưu trái thẩm quyền một cách hài hước .

Vụ việc giải quyết chế độ hưu của nhà giáo đang rất cấp bách, hy vọng rằng Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận nhanh chóng xử lý và cần thu hồi quyết định trái thẩm quyền, trái chức danh nghề nghiệp của nhà giáo, ban hành quyết định hưu đúng pháp luật để nhà giáo có cơ sở thực hiện chế độ chính đáng của mình.

Diễn tiến vụ việc cũng như những “góc tối” sẽ tiếp tục được Giáo dục Việt Nam đăng tải ở kỳ sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan