LTS: Câu chuyện về đôi vợ chồng già hơn 80 tuổi ở làng Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị 7 người con đẻ đẩy ra đường ăn Tết với cỗ quan tài khiến dư luận phát sốc và phẫn nộ. Ông Nguyễn Văn Qúy (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Chén (80 tuổi) sinh hạ được 7 người con nhưng đến cuối đời không người phụng dưỡng.
Cụ ông bị con trai kề dao vào cổ, con dâu rút ngói mái nhà cho mưa ướt giường chiếu. Cụ bà bị con chửi bới, đánh đập thậm tệ. Hai thân già buộc lòng phải ra đi vì không chịu đựng được sự vô tình và nhẫn tâm của những đứa con rút ruột đẻ ra.
Ông Quý, bà Chén từ có đất, có vườn, có con, có cháu trở thành người tứ cố vô thân phải nương nhờ ở đình làng Đồng Lư, không chút tài sản phòng thân lúc tuổi về chiều.
GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có những chia sẻ với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.
“Tôi đã bị sốc nặng…”
GS. Văn Như Cương cho biết: “Tôi đã bị sốc nặng sau khi đọc những thông tin phản ánh về trường hợp hai vợ chồng già ngoài 80 tuổi ở Quốc Oai – Hà Nội bị 7 người con ngược đãi đẩy ra đường ăn Tết cùng cỗ quan tài. Trong cuộc sống, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe, vẫn thấy có những trường hợp con cái hỗn hào cãi lời, chửi bới và thậm chí đánh lại bố mẹ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được biết đến một sự việc như vậy. Cả thảy 7 người con cùng “rủ nhau bất hiếu”, đẩy bố mẹ già ra đường với 6 mảng gỗ đóng quan tài. Nó quá thể quá! Nó quá đặc biệt! Nó quá hiến hoi!... Phẫn nộ quá! Thật sự tôi không ngờ lại có những chuyện như vậy xảy ra trên cuộc đời này”.
GS. Văn Như Cương bị sốc nặng… khi biết chuyện con đuổi bố mẹ ra đường |
“Cá nhân tôi đã đi từ trạng thái sốc tâm lý cho đến phẫn nộ rồi xót thương. Tôi bị sốc vì quá bất ngờ và thảng thốt trước hành động của 7 người con kia. Lẽ nào cả 7 người con ông bà dứt ruột đẻ ra không một ai biết yêu quý và xót thương bố mẹ của mình. Họ cũng đã trưởng thành và làm cha, làm mẹ cả rồi mà. Không lẽ, không có chút tình máu mủ nào chảy trong người họ? Không lẽ, cả 7 người con đều thờ ơ và chối bỏ trách nhiệm với những người sinh thành ra mình?...
Hành động của 7 người con kia khiến người ta phẫn nộ vì đó không phải là hành động của con người với con người, không phải là những thứ mà con cái xưa nay dùng để báo hiếu với bố mẹ. Họ đã đẩy chính bố mẹ của mình lúc già yếu nhất, cần sự chăm sóc nhất ra đường cùng cỗ quan tài. Không lẽ, họ nghĩ 1 cỗ quan tài đã đủ để đền ơn công sinh thành, nuôi dưỡng họ? Hành động này không xứng làm người…”, GS. Văn Như Cương phẫn nộ.
“Đừng dùng 1 sự kiện hy hữu để gọi tên 1 hiện tượng xã hội…”
GS. Văn Như Cương nhấn mạnh: “Kính trên, nhường dưới; hiếu nghĩa với bố mẹ; trọng nghĩa hiếu khách; quý già già để tuổi cho; anh em như răng với môi, môi hở răng lạnh; thương người như thể thương thân; … vẫn là những chuẩn mực đạo đức ở bất cứ thời đại nào.
Kinh tế khó khăn nhưng người Việt Nam vẫn không ngừng nghỉ hành trình làm từ thiện, chia sớt khó khăn, vất vả cùng những người nghèo khó, bất hạnh. Với gia đình, nghĩa tình lại càng phải nặng sâu hơn, thắm đượm hơn vì đó là những người thân, người ruột thịt của nhau.
Về tình, về lý, chuyện 7 người con đẩy bố, mẹ già ra đường là chuyện không thể chấp nhận và dung thứ được.
Về tình, 7 người con đó đã phạm vào cái tội lớn nhất của một con người, đó là: “tội bất hiếu”.
Về lý, 7 người con đó ngang nhiên vi phạm pháp luật khi dùng bạo lực hành hạ, văng tục, chửi bới, nhục mạ người khác. Nó đã đi qúa xa những chuẩn mực đạo đức cho phép. Nó đã khiến người đời phẫn nỗ, căm ghét.”
Hai vợ chồng già bị 7 người con đẩy ra đường với 6 miếng gỗ đóng quan tài đang phải nương nhờ ở đình làng Đống Lư |
Không coi đó là một biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội hiện đại, GS. Văn Như Cương gọi đó là một “hiện tượng hiếm gặp”.
Ông chia sẻ: “Tôi không tin đất nước Việt Nam này có “nhiều hơn 1” trường hợp như trường hợp của hai ông bà lão ở Quốc Oai – Hà Nội. Tôi cũng không tin xã hội hiện đại, con người hiện đại lại đang quay mặt với những chuẩn mực đạo đức, với những hiếu nghĩa thường tình của con người. Đây chỉ là một trường hợp đặc biệt, một trường hợp hết sức hy hữu khiến người ta đau lòng và căm phẫn. Do đó, chúng ta không nên dùng 1 sự kiện hiếm gặp để gọi tên cho cả 1 hiện tượng xã hội…”
Chính quyền phải vào cuộc
“Tại sao chính quyền địa phương lại im lặng trước sự kiện này? Đây không còn đơn thuần là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình nữa. 7 người con đã hùa nhau “vứt bỏ” bố, mẹ già ra đường để lấy tài sản và chối bỏ trách nhiệm làm con. Trước những hành xử vô tình, nhẫn tâm, không có tình người của 7 người con và tình cảnh bi đát, khốn khổ của 2 thân già, chính quyền địa phương nên sâu sát với tình hình từ lâu rồi mới đúng. Thiết nghĩ, có sự can thiệp của chính quyền sớm hơn thì hai ông bà lão đã không đến nỗi khốn khổ như vậy”, GS nói.
GS. Văn Như Cương chia sẻ thêm: “Không ai có quyền đối xử tệ bạc với 1 con người. Không ai có quyền chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ với các bậc sinh thành. Đừng quy kết mà hãy xem sự việc này là một tấm gương để mỗi người tự soi vào đó để hiểu thêm về cuộc sống và trân trọng tình thân…”