PGS Vương Xuân Tình: Tôi đến với Dân tộc học hoàn toàn bất ngờ và là cái duyên

19/04/2024 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu không có nghiên cứu cơ bản về tộc người sẽ ảnh hưởng đến việc nhận diện và cung cấp cơ sở khoa học cho giải quyết các vấn đề dân tộc ở Việt Nam ngày nay.

Ở Việt Nam, Nhân học là mở rộng của Dân tộc học, tức phát triển trên nền tảng của Dân tộc học, vì thế mới có thuật ngữ “Dân tộc học/Nhân học” với hàm nghĩa khó chia tách.

“Tôi đến với Dân tộc học hoàn toàn bất ngờ và là cái duyên” – đó là tâm sự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình – nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

PGS TS Vuong Han Tinh.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình. Ảnh: NVCC

Yêu văn chương nhưng lại bén duyên với Dân tộc học

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình (sinh năm 1954) quê ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Thế hệ của thầy sinh ra ở thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, song đất nước lại tiếp tục đương đầu cuộc chống Mỹ, cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đó là những tháng ngày vô cùng gian lao, ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập và công tác của thầy.

Thầy Tình có tình yêu văn học từ nhỏ, từng là học sinh chuyên Văn của huyện và thành phố.

Năm 1973, sau khi thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy Tình được nhà trường xếp vào học Khoa Lịch sử, “đây là một sự trớ trêu suốt giai đoạn tuổi trẻ của tôi” – thầy Tình tâm sự. Tình yêu với văn học đã thúc giục thầy xin chuyển khoa nhưng không thành nên dù học Sử mà tâm hồn thầy vẫn để sang Văn.

Tháng 4/1975, (khi 21 tuổi) thầy Tình nhập ngũ. Hơn 5 năm trong quân ngũ, công việc chính của thầy Tình là làm bản tin cho Sư đoàn 371, Quân chủng Không quân (nay là Quân chủng Phòng không – Không quân) và viết bài cho báo Không quân nhân dân và Quân đội nhân dân.

Tháng 8/1980, thầy Tình xuất ngũ, tiếp tục về học chuyên ngành Lịch sử thế giới, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, thầy Tình dự định làm ở một tờ báo nào đó về mảng quốc tế, song nhận lời động viên của bạn bè, thầy Tình ứng tuyển vào Tạp chí Dân tộc học của Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các tiền bối trong Viện, thầy Tình trở thành biên tập viên của Tạp chí. Sau đó, thầy làm Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học và làm Viện trưởng Viện Dân tộc học. Năm 2023, thầy Tình nhận quyết định nghỉ hưu sau 39 năm công tác tại Viện Dân tộc học.

Phỏng vấn già làng người Ê-đê ở huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, năm 2022. Tác giả ngoài cùng, bên trái..JPG
Thầy Tình (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng nghiệp đang phỏng vấn già làng người Ê-đê, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk (năm 2022). Ảnh: NVCC

Nhìn lại chặng đường học tập và công tác, thầy Tình cho rằng, bản thân đến với Dân tộc học hoàn toàn bất ngờ và là cái duyên. Nhưng duyên ấy chưa thắm ngay từ những ngày đầu bởi cho đến gần 40 tuổi, thầy vẫn “đa mang” với văn chương. Và chính tình yêu với văn chương đã giúp thầy Tình làm tốt công việc nghiên cứu Dân tộc học, nhất là giúp thầy có óc quan sát – một phẩm chất rất cần cho miêu thuật Dân tộc học, khám phá và phát hiện, hay khả năng biểu đạt,... “Vì vậy mà tôi không ân hận về tuổi trẻ đã đa mang với văn chương” – nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học bày tỏ.

Bốn hướng nghiên cứu chính của nhà Dân tộc học Vương Xuân Tình

Trong nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học, thầy Tình tập trung vào 4 hướng nghiên cứu chính. Trong đó, hướng nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên là ẩm thực.

"Xác định đề tài là khâu quan trọng vì liên quan đến việc định hình lĩnh vực nghiên cứu của nhà khoa học. Trong giai đoạn xác định đề tài để làm nghiên cứu sinh, tôi như lạc vào rừng của các ý định và lời khuyên từ bậc đàn anh. Đêm hôm trước của ngày phải nộp đề tài đăng ký làm tiến sĩ, tôi rơi vào ảo giác, miên man với nhiều hình ảnh, câu chữ lộn xộn. Đặc biệt, bỗng trong đầu tôi loé lên ý nghĩ: "Sao người Việt nói về chuyện ăn uống nhiều vậy?", và nhớ tới những thành ngữ, tục ngữ liên quan đến ăn uống, mượn ăn uống để nói chuyện đời.

Tôi quyết định lấy ẩm thực làm hướng nghiên cứu của luận án tiến sĩ, với điểm nghiên cứu là vùng Kinh Bắc xưa. Ngày hoàn thành luận án, tôi như trống rỗng vì bị vắt kiệt sức lực, bởi đây là luận án tiến sĩ ẩm thực đầu tiên ở Việt Nam nên không có một khuôn mẫu nào. Đáp lại công sức nghiên cứu ấy, cuối năm 1999, khi bảo vệ, luận án tiến sĩ của tôi được hội đồng đánh giá cao và đạt điểm 10”, thầy Tình kể lại.

Cũng từ hướng nghiên cứu về ẩm thực, năm 2002, thầy Tình làm nghiên cứu sau tiến sĩ (PostDoc) ở Trường Đại học Wisconsin-Madison (Hoa Kỳ) với đề tài an ninh lương thực. Dựa trên kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ và sau tiến sĩ, năm 2004, công trình sách “Tập quán ăn uống của người Việt vùng Kinh Bắc” của thầy Tình xuất bản, được Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam trao giải Nhất năm 2005.

Từ nghiên cứu cơ bản về ẩm thực, thầy Tình mở rộng nghiên cứu phát triển về vấn đề an ninh lương thực ở vùng cao Việt Nam. Hướng nghiên cứu này được Quỹ Rockefeller (một tổ chức tri thức phúc thiện quốc tế được thành lập từ năm 1913 bởi nhà kỹ nghệ John D. Rockefeller của Mỹ-PV) tài trợ 2 dự án, trong đó có 1 dự án hợp tác với các đồng nghiệp của thầy Tình ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Sau này, tuy phải thực hiện nhiệm vụ với hướng nghiên cứu khác nhưng thầy Tình vẫn “nặng lòng” và vẫn có nhiều bài viết về vấn đề ẩm thực. Từ năm 2019 đến năm 2022, thầy Tình làm Trưởng nhóm Ẩm thực của Quyển 35 (thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam). Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy Tình vẫn có kế hoạch nghiên cứu về ẩm thực.

Tác giả ở làng người Pu Péo (huyện Đồng Văn, Hà Giang), 2015..JPG
Nhà Dân tộc học Vương Xuân Tình tranh thủ làm việc khi đang ở làng người Pu Péo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Bức ảnh được chụp vào năm 2015. Ảnh: NVCC

Hướng nghiên cứu thứ hai của nhà khoa học Vương Xuân Tình là hưởng dụng đất ở vùng cao. Khởi nguồn của hướng nghiên cứu này là khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, nông nghiệp được xác định khâu đột phá, và ưu tiên vấn đề cải cách chính sách sử dụng, quản lý đất đai. Ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vấn đề nóng bỏng là việc giao đất, giao rừng cho người dân. Trong bối cảnh đó, thầy Tình đã tham gia nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu được tài trợ bằng ngân sách nhà nước và nước ngoài. Điều này đã giúp thầy Tình định hình hướng nghiên cứu về hưởng dụng đất ở vùng cao Việt Nam.

“Dưới góc độ Khoa học xã hội, tôi và một đồng nghiệp người Thụy Điển là những người đầu tiên được nghiên cứu về việc thử nghiệm giao đất, giao rừng ở vùng cao Việt Nam, qua trường hợp của người Hmông và người Dao tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) năm 1996. Sau đó, tôi cùng đồng nghiệp trong ngành Dân tộc học và một số ngành khác như Lâm nghiệp, Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu vấn đề giao đất giao rừng, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng ở các tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Trị, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum.

Trong hơn 10 năm nghiên cứu về hưởng dụng đất ở vùng cao, những đề tài nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp không chỉ góp phần giải quyết nhiệm vụ chương trình, dự án cụ thể mà còn nêu luận điểm đối với vấn đề sở hữu cộng đồng về đất đai ở các dân tộc thiểu số Việt Nam; kiến nghị để Nhà nước giao đất, giao rừng cho cộng đồng – vấn đề đã được Luật Đất đai 2003 tiếp nhận và được phát triển trong Luật Đất đai sửa đổi những năm sau đó”, thầy Tình chia sẻ.

Hướng nghiên cứu thứ ba của thầy Tình là văn hóa và phát triển. Những năm 90 của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, hoạt động tư vấn cho các dự án, chương trình của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Do chương trình, dự án nào cũng phục vụ con người nên không thể thiếu sự tham gia của nhà khoa học thuộc Khoa học xã hội, nhất là Dân tộc học/Nhân học và Xã hội học. Do đó, thầy Tình tích cực làm việc với các chương trình, dự án về văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, tái định cư với tư cách là chuyên gia xã hội và văn hóa.

Bữa cơm tối trong ngày làm việc ở Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc tỉnh Đồng Nai), 2016. Ăn cơm trong mùng để chống muỗi. Tác giả là người thứ hai, bên phải..JPG
Nhà khoa học Vương Xuân Tình (thứ hai, hàng bên phải) dùng bữa tối cùng đồng nghiệp và cán bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Mâm cơm phải đặt trong chiếc màn lớn để chống muỗi (năm 2016). Ảnh: NVCC

Hướng thứ tư là nghiên cứu quan hệ tộc người với quốc gia – dân tộc. Đây là hướng nghiên cứu mà thầy Tình đầu tư nhiều công sức nhất. Bởi, khi làm quản lý (như Phó Viện trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học, và Viện trưởng Viện Dân tộc học), hướng nghiên cứu của thầy Tình được đặt trong nghiên cứu của Viện và của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam.

Do đó, gần 10 năm (đặc biệt từ năm 2011 đến năm 2016 khi làm Viện trưởng Viện Dân tộc học), thầy cùng ban lãnh đạo Viện và các cộng sự đã xây dựng chương trình tổng kết nghiên cứu về tộc người kể từ khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam năm 1979, dựa trên kết quả nghiên cứu và xác minh thành phần dân tộc của Viện Dân tộc học. Mục đích của chương trình là đánh giá thành tựu, rút ra hướng nghiên cứu của Viện, đồng thời biên soạn bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” để tiếp nối thành tựu của bộ sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam”. Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” do thầy Tình làm chủ biên đạt giải B của Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019.

“Không kể thời gian chuẩn bị từ trước, trong 6 năm (từ năm 2012 đến năm 2018), tôi cùng tập thể lãnh đạo và 104 lượt tác giả trong và ngoài Viện Dân tộc học tập trung hoàn thành bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” chỉ với nguồn lực ít ỏi từ kinh phí của đề tài cấp cơ sở (khoảng 4 tỷ đồng).

Với tôi, ngoài chỉ đạo chung và trực tiếp biên tập, tôi còn phải dành thời gian để biên soạn phần Mở đầu và phần Kết luận của bộ sách. Trong đó, phần Kết luận nhằm tổng kết vấn đề nghiên cứu tộc người ở Việt Nam, làm rõ mối quan hệ tộc người với quốc gia – dân tộc, dung lượng gần 200 trang được viết ròng rã trong 9 tháng nhưng không có kinh phí (vì kinh phí cho nghiên cứu, biên soạn bộ sách khi đó đã hết). Hoàn thành xong phần Kết luận, tôi cũng thấy trống rỗng vì bị vắt kiệt sức lực – giống như ngày tôi hoàn thành luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, kết quả do bộ sách mang lại là phần thưởng mà khi mới bắt đầu thực hiện, tôi không bao giờ dám mơ đến”, nhà Dân tộc học Vương Xuân Tình chia sẻ.

Tác giả (bên phải) cùng đồng nghiệp điền dã Dân tộc học ở Lạng Sơn trong một ngày mưa lũ, năm 2012..JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến điền dã Dân tộc học ở tỉnh Lạng Sơn (năm 2012). Ảnh: NVCC

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình, hướng nghiên cứu thứ tư rất quan trọng, bởi nếu không có nghiên cứu cơ bản về tộc người sẽ ảnh hưởng đến việc nhận diện và cung cấp cơ sở khoa học cho giải quyết các vấn đề dân tộc ở Việt Nam ngày nay. Cùng với phần Kết luận của bộ sách nêu trên, những công trình nghiên cứu khác về quan hệ tộc người với quốc gia – dân tộc của thầy Tình thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tộc người, về xây dựng quốc gia - dân tộc, quá trình tộc người, quan hệ tộc người xuyên quốc gia, văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia,...

Khó có kết quả nghiên cứu tốt nếu nhà Dân tộc học “sợ” điền dã

Thầy Tình cho rằng, thành công của nhà Dân tộc học ngoài có kiến thức cơ bản, phải dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn ba phẩm chất: thích đi, thích viết và biết người biết ta.

“Thích đi” – là thích đi điền dã Dân tộc học vì đây là đặc thù của ngành khoa học này. Nghiên cứu Dân tộc học/Nhân học là nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là văn hóa các cộng đồng dân cư nên trong công trình nghiên cứu kinh điển không thể thiếu điền dã ở cấp cộng đồng.

Từng nhiều lần điền dã hàng tháng ở cộng đồng nên thầy Tình thấm thía nỗi vất vả, nhất là những người thành phố về sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa để nghiên cứu. So với nam giới, việc đi điền dã của các nhà nghiên cứu nữ lại càng vất vả gấp bội. Trong giới Dân tộc học thường gọi những người nghiên cứu lười đi điền dã là “nhà Dân tộc học sa lông”, và nếu sợ điền dã thì sẽ khó thu được kết quả nghiên cứu tốt.

Thích điền dã vẫn chưa đủ vì nhiều người thích đi nhưng lại lười viết, khiến cho những tư liệu thu thập được đều bỏ xó, điền dã bằng không hoặc mất thì giờ, tốn kém tiền bạc.

“Biết người biết ta” là biết ưu điểm và hạn chế của ngành Dân tộc học/Nhân học, đặc biệt là hạn chế trong tư vấn xử lý tình huống cụ thể để học hỏi thêm người khác. Theo thầy Tình, Dân tộc học/Nhân học quan tâm đến văn hóa nên khi nghiên cứu ứng dụng sẽ dễ nêu ý kiến chung chung. Do đó, nhà khoa học cần tham gia nghiên cứu liên ngành để phát huy ưu thế và bổ trợ cho những hạn chế của bản thân.

Trong quá trình nghiên cứu, thầy Tình có nhiều ấn tượng khi điền dã Dân tộc học, trong đó phải kể tới chuyến điền dã cho nghiên cứu về Thủy điện Lai Châu, tháng 3/2014.

“Để đến điểm nghiên cứu huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), chúng tôi phải di chuyển mất 2 ngày bằng ô tô, vượt qua 700km trên địa hình đồi núi phức tạp vùng Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Đến nơi, các cán bộ huyện Mường Tè chào đoàn công tác “Cảm ơn các anh chị đã về với Mường Tè !”. Tôi nghĩ chao ôi, đoàn công tác tức là thực hiện nhiệm vụ, mà sao họ lại “đã về”, sao phải “cảm ơn”?

Càng ở thêm ngày tại Mường Tè, tôi càng thấy câu chào hỏi của cán bộ huyện chứa đựng chân tình. Bởi, lên đến Mường Tè mới biết danh bất hư truyền. Chỉ hơn 70km từ huyện Nậm Nhùn tới huyện lỵ Mường tè mà chúng tôi mất 4 tiếng đồng hồ. Con đường tới Mường Tè được dân gian khôi hài gọi là “đường Hà Quang Dự” – vì sự khổ ải sau khi hoàn thành và chẳng bao lâu lại chỉnh sửa để nâng cao trình trên mức mặt hồ thủy điện dự kiến. Đường đi chỉ lọt 4 bánh xe, một bên vách núi, một bên hun hút vực sông sâu, xe sau cách xe trước khoảng 10 mét, nhiều lúc không nhìn thấy gì vì mịt mù bụi”, thầy Tình chia sẻ.

Có buổi tối, khi thầy Tình cùng đoàn công tác đến bản tái định cư Nậm Củm 3, xã Mường Tè, khoảng hơn 11 giờ đêm, trong ngôi nhà sàn mới làm, cửa giả chưa xong thì xuất hiện mưa giông.

“Khi đó, tôi vừa kịp cuốn lại chăn thì sấm sét đùng đoàng, gió giật đùng đùng, gầm rít, mưa trút xối xả. Mưa trút xuống mái tôn của mấy chục nóc nhà tái định cư rầm rĩ, mưa thốc lối vào cửa và bao khe vách, sàn nhà lênh láng nước, chăn màn gối đệm ướt nhoẹt. Trong ánh chớp xanh lẹt, tôi thấy hai bố con chủ nhà ra sức giữ mảnh vải ri đô chắn cửa đang bay phần phần phật để cản bớt mưa xiên vào nhà. Tôi đã chịu nhiều trận mưa núi, nhưng chưa trận nào kinh hoàng như lần này. Cơn giông tưởng chừng muốn lật tung mái nhà. Mường Tè khi đó như là nơi chỉ dành cho anh hùng hảo hán chứ không phải một người như tôi nữa”, nhà Dân tộc học Vương Xuân Tình chia sẻ.

Bản tái định cư thủy điện Lai Châu, tháng 3, 2014..JPG
Bản tái định cư Thuỷ điện Lai Châu được thầy Tình chụp vào tháng 3/2014.

Trong Dân tộc học, bản sắc văn hóa tộc người là vấn đề rất được coi trọng. Song, nghiên cứu bản sắc văn hóa tộc người cực kỳ khó khăn. Theo thầy Tình, bản sắc văn hóa là những gì còn được giữ trong quá trình hội nhập hoặc bị đồng hóa.

Trăn trở trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

Đến nay, dù đã về hưu nhưng nhà khoa học Vương Xuân Tình vẫn còn nhiều trăn trở với Dân tộc học/Nhân học.

Trong nước, có 2 cơ sở đào tạo chính về Nhân học (Khoa Nhân học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) ở bậc cử nhân đến tiến sĩ.

Ngoài ra, một số cơ sở khác cũng đào tạo về Dân tộc học, hay Dân tộc học/Nhân học như Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên,... Nhưng các cơ sở này chỉ đào tạo về Dân tộc học, hoặc chỉ đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ hay kiến thức cơ bản về Dân tộc học/Nhân học.

Chỉ ra thách thức trong đào tạo Dân tộc học/Nhân học ở Việt Nam hiện nay, theo thầy Tình, nguồn đào tạo (đầu vào và đầu ra) còn khó khăn. Cụ thể, một số cơ sở gặp khó trong tuyển sinh, kể cả với 3 bậc đào tạo là đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Nữ sinh theo học Dân tộc học/Nhân học nhiều hơn nam sinh và ít thí sinh xuất sắc dự thi vào Khoa học xã hội nói chung, trong đó có Dân tộc học/Nhân học. Tuyển sinh thạc sĩ khó và tuyển sinh tiến sĩ càng khó hơn. Chưa kể, đầu ra - tìm việc làm của người học Dân tộc học/Nhân học còn hạn chế.

“Thực tế, nếu chỉ đào tạo Dân tộc học, nhu cầu của thị trường lao động cũng hạn hẹp; còn với sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực song ở Việt Nam lại chưa có nhiều người biết Nhân học là gì. Trong khi chờ nhu cầu thị trường lao động liên quan đến Dân tộc học/Nhân học tăng lên, cần chú trọng truyền thông cho ngành, nhất là với những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng, các giáo trình đào tạo tốt và phân tích sự đóng góp của các nhà khoa học trong ngành, đặc biệt là cán bộ trẻ với phát triển xã hội hiện nay”

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình_

Về các công trình nghiên cứu của ngành, thầy Tình nhận định, các thế hệ Dân tộc học/Nhân học Việt Nam đã có nhiều cố gắng để phát triển, nhưng vẫn chưa xuất hiện nhiều công trình khoa học có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Thời gian gần đây, khá nhiều đề tài cấp bộ/trường/tỉnh và nhà nước được thực hiện, nhưng do bối cảnh quản lý về khoa học ở Việt Nam nên phần lớn kết quả nghiên cứu chỉ đáp ứng yêu cầu nghiệm thu mà ít có tác phẩm xuất sắc. Các đề tài nghiên cứu thường theo lối mòn (từ đề tài luận án tiến sĩ đến đề tài nghiên cứu của các cấp nêu trên). Vì thế, sản phẩm khoa học như bài đăng trên tạp chí và sách thường phong phú, song lại ít công trình nổi trội. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thầy Tình lo lắng sẽ thưa vắng công trình nghiên cứu khoa học đỉnh cao cho ngành.

Thực tế, những năm gần đây, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Dân tộc học/Nhân học rất ít. Theo thầy Tình, đối với các ứng viên ở viện nghiên cứu, yêu cầu về số giờ giảng dạy là một khó khăn.

“Có một số cán bộ nghiên cứu được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, năng lực nghiên cứu, giảng dạy tốt, điểm công trình nghiên cứu cao vì có nhiều xuất bản phẩm ở trong và ngoài nước, song do thiếu giờ giảng nên không đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tôi rất tiếc cho những trường hợp như vậy.

Tại Viện Dân tộc học, lúc có tới 6 phó giáo sư, song hiện nay do về hưu nên chỉ có 2 phó giáo sư. Việc giảm số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các viện nghiên cứu rõ ràng ảnh hưởng đến vị thế đào tạo của không chỉ viện đó, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành”, thầy Tình trăn trở.

Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), thầy Tình mong rằng văn hóa của các tộc người không chỉ được gìn giữ mà còn ngày càng có nhiều thành tố trở thành giá trị chung của văn hóa quốc gia và là biểu tượng cho văn hóa quốc gia. Từ đó, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay.

Quá trình công tác của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình:

Năm 1984-1991, thầy Tình là cán bộ nghiên cứu tại Viện Dân tộc học

Năm 1991-2007, thầy Tình là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học

Năm 2007-2011, thầy Tình là Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học

Năm 2011 - tháng 3/2016, thầy tình là Viện trưởng Viện Dân tộc học

Tháng 4/2016 - tháng 12/2016, thầy Tình là Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc học

Tháng 1/2017 - 3/2023, thầy Tình trở lại làm cán bộ nghiên cứu vì hết tuổi làm quản lý.

Tháng 4/2023, thầy Tình nhận quyết định nghỉ hưu.

Một số giải thưởng báo chí và khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Xuân Tình:

- Tác phẩm “Rừng vàng mà vẫn khan tiền” đạt giải Ba báo chí về đề tài Lâm nghiệp, năm 1991.

- Sách “Tập quán ăn uống của người Việt vùng Kinh Bắc” đạt giải Nhất của Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, năm 2005.

- Bộ sách Chủ biên (4 tập, 5 quyển) “Các dân tộc ở Việt Nam” đạt giải B Sách Quốc gia năm 2019.

- Công trình nghiên cứu cấp bộ “Tộc người với quốc gia - dân tộc trong phát triển ở Việt Nam hiện nay”, đạt loại xuất sắc, được Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tặng Bằng khen, năm 2022.

Ngọc Mai