Rất nhiều câu hỏi được người lao động bình thường, quan chức và người đại diện quyền lực cho nhân dân tại các cơ quan dân cử đặt ra sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) “lại quả” cho lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương gần 30 tỷ đồng khi hai pháp nhân này thực hiện 05 hợp đồng mua bán vật tư y tế liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm của Công ty Việt Á là “Hàng nội, giá ngoại” đi ngược hoàn toàn với trào lưu quảng cáo của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là “Hàng ngoại, giá nội”.
Bên cạnh ý kiến về giá còn một luồng ý kiến khác đang được tập trung mổ xẻ là chuyện hối lộ quan chức CDC các tỉnh, chuyện chống lưng của cơ quan chức năng với doanh nghiệp,…
Tuy nhiên, điều mà người viết cũng như không ít độc giả quan tâm không dừng lại ở chuyện lợi ích nhóm, tham nhũng hoặc năng lực một số cá nhân liên quan đến các chủ trương, chính sách mà là khía cạnh khoa học của sản phẩm, chất lượng bộ kit liên quan đến sức khỏe gần 100 triệu người Việt.
Những đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trong vụ án Việt Á. (Ảnh: Nld.com.vn) |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là những vấn đề gắn với bộ kít xét nghiệm của Công ty Việt Á. Báo cáo nêu một số số liệu:
“Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập họp ngày 03/03/2020. Toàn bộ 8/8 chuyên gia và nhà khoa học là thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng.
Bên cạnh đó USCDC (Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ) đã hỗ trợ các phòng xét nghiệm trên địa bàn của 62 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Phú Yên) thực hiện 3 đợt ngoại kiểm chất lượng độc lập (EQA) xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong ba đợt ngoại kiểm này, số lượng sinh phẩm của Công ty Việt Á chiếm 24% (đợt 1); 19% (đợt 2) và 13% (đợt 3). [1]
Không khó để nhận xét, rằng đề tài nghiên cứu khoa học là của Bộ Khoa học & Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu do chính Bộ Khoa học & Công nghệ thành lập và chuyện cả 8 thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng có vẻ như đã được tiên liệu.
Mặt khác, số lượng sinh phẩm của Công ty Việt Á tham gia các đợt ngoại kiểm tính bình quân cả ba đợt là 18,7%, nghĩa là chưa đến tổng 1/5 số lượng sinh phẩm kiểm định chất lượng.
Lấy kết quả khảo nghiệm của 81,7% mẫu không phải của Công ty Việt Á để kết luận chất lượng sản phẩm của Công ty Việt Á là “phù hợp tiêu chuẩn” có phải là cách làm khoa học?
Vì sao cách làm này lại thuyết phục được hàng loạt cơ quan cấp bộ như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế?
Liệu có phải chỉ các chuyên gia mới đủ trình độ đánh giá (chấp nhận) kết quả “ngoại kiểm” còn những người dân thường có lẽ chỉ nên tập trung tư tưởng nghe giải thích?
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng “Đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Có cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. [1]
Theo Bộ trưởng Long, Công ty Việt Á vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì “lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi” chứ không không thấy ông Long nhắc đến chuyện hối lộ quan chức, tạo “Nhóm lợi ích” trong nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh,…
Công ty Việt Á không thể tự “thổi giá” nếu không được hàng loạt cơ quan chức năng “bật đèn xanh”.
Cùng với Bộ Khoa học & Công nghệ, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long có nhắc đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhưng không nhắc đến Học viện Quân Y và nhiều cơ quan khoa học khác như các viện hàn lâm, các đại học quốc gia trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bách là tìm các loại thuốc phòng chống Covid-19.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, “Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ” chứ không phải cơ quan nghiên cứu về khoa học & công nghệ.
Việc Bộ này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ vừa chủ trì đề tài cấp nhà nước về khoa học và công nghệ có gì đó na ná chuyện vừa đánh trống, vừa thổi còi!
Liệu Bộ Y tế có thể công bố những căn cứ pháp lý hay khuyến cáo từ các cơ quan quản lý giá mà dựa vào đó Bộ này định giá một bộ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á có giá 470.000 đồng trong khi WHO vẫn chưa công nhận kit test Việt Á?
Tựu trung lại, có hai vấn đề và bốn câu hỏi lớn mong được cơ quan chức năng làm rõ:
Hai vấn đề:
Thứ nhất, chất lượng thực sự của bộ kit test của Công ty Việt Á là thế nào?
Thứ hai, ngoài hai Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Y tế, còn cơ quan nào liên quan đến vụ việc tại Công ty Việt Á?
Bốn câu hỏi:
1. Công ty Việt Á có phải là sân sau của người/tổ chức nào đó?
2. Công ty Việt Á đã chính thức bán được bao nhiêu vật tư y tế và thu lợi bất chính bao nhiêu?
3. Trách nhiệm của các Bộ liên quan đến việc bật đèn xanh cho kit xét nghiệm của Việt Á tung ra thị trường (chưa được WHO chấp nhận) và vai trò định giá của cơ quan nhà nước khi Công ty Việt Á được thổi phép giá vật tư y tế cao hơn nhiều mặt hàng của nước ngoài?
4. Có hay không lỗ hổng trong quản lý nhà nước lĩnh vực y tế và những thiếu sót trong các điều khoản của các đạo luật đang được áp dụng?
Trước sự bức xúc của nhân dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vừa có thông báo về chủ trương chỉ đạo vụ việc này.
Cụ thể là Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Đây là tin đáng mong đợi song không phải là tin vui bởi sau đó sẽ là hàng loạt phiên toà, hàng loạt cán bộ sẽ vướng vòng lao lý.
Nếu không kiên quyết cắt bỏ ung nhọt, “những con voi” giống như Việt Á sẽ còn chui qua được nhiều lỗ kim bé tẹo mà dân chúng ngỡ chỉ có trong “Những người thích đùa”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/vu-vie-t-a-vi-pha-m-pha-p-lua-t-nghie-m-tro-ng-lo-i-du-ng-di-ch-be-nh-de-tru-c-lo-i-806407.html