Lòng dân vẫn đang căng như dây đàn
Như Giáo dục Việt Nam đã nêu trong bài viết “Phụ huynh mang con lên UBND tỉnh để...xin cho con đi học" thì ngày 19/9 khoảng gần 50 phụ huynh khối Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã mang con em mình đến trước cổng phòng tiếp dân UBND tỉnh Nghệ An để phản đối việc sáp nhập điểm trường này về học tại điểm trường chính trường Tiểu học Quang Sơn.
Để bảo đảm trật tự, chính quyền đã phải huy động lực lượng công an, dân quân giải thích và làm công tác an ninh cho người dân. Nhiều người dân xin vào trụ sở UBND tỉnh, nhưng bị ngăn lại.
Để phản đối sáp nhập trường sáng ngày 19/9 hàng chục phụ huynh điểm trường lẻ Văn Hà đã mang con em mình đến trước cổng phòng tiếp dân của UBND tỉnh Nghệ An phản đối |
Một số học sinh tiểu học mang theo tấm biển làm bằng bìa giấy cứng viết các dòng chữ: “Cháu khao khát đi học”, “Bác ơi cháu rất muốn học”, “Mở điểm trường lẻ cho cháu học”… đứng tập trung trước trụ sở UBND tỉnh. Sau đó, một số cán bộ xã Quang Sơn xuất hiện để vận động bà con ra về nhưng không có kết quả.
Đến trưa, vẫn không được gặp lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, người dân đã nghỉ trưa, ăn cơm nắm mang theo ngay tại hàng cây trước cổng trụ sở tỉnh Nghệ An. Buổi chiều cùng ngày, hàng chục người dân và trẻ em lại tập trung trước cổng trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, xin vào gặp lãnh đạo để đề xuất nguyện vọng mở lại trường, nhưng không được chấp nhận. Cơ quan này phải nhờ vào sự hỗ trợ của nhiều cảnh sát để ngăn người dân tràn vào.
Cũng theo báo cáo của chính quyền huyện Đô Lương thì trước đó để phản đối việc sáp nhập điểm trường Văn Hà trong năm học 2013-2014 các phụ huynh tại đây đã cho 53 con em mình đang là học sinh từ lớp 1 đến 3 của khối Văn Hà đã phải nghỉ học suốt 1 năm qua. Không những vậy sang đến năm học mới 2014 - 2015 có 21 cháu tại các xóm trên đã đến tuổi vào lớp 1 cũng không được phụ huynh cho đến trường để phản đối việc sáp nhập này. Nâng con số học sinh không được phụ huynh cho đến trường là 74 em. Qua vận động thì đến ngày 16/9 đã có 25 em được phụ huynh cho đi học trở lại. Nhưng đến hiện tại vẫn còn 49 em chưa được phụ huynh cho đi học, trong đó đa số là học sinh lớp 1 để tiếp tục phản đối việc sáp nhập trường này.
Chưa được trả lời thích đáng đến chiều 19/9 hàng chục phụ huynh này tiếp tục đưa con em mình đến trước cổng trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tiếp tục đề xuất ý kiến phản đối |
Cũng theo báo cáo này một số đối tượng có dấu hiệu kích động người dân gây nên tình hình bất ổn an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình là đã có 5 gia đình cho con đi học trở lại đã bị các thành phần quá khích đốt đống rơm và phá hỏng lúa sắp đến kỳ thu hoạch. Một số gia đình cho con đi học trở lại đã phải chuyển con qua địa phương khác học để tránh những rủi ro.
Những hành động cương quyết phản đối đó của người dân đã bị lợi dụng. Những hành động đó của các phụ huynh rõ ràng cần phải lên án bởi việc không cho con em mình đến trường đã lấy đi quyền lợi các em nghiễm nhiên được hưởng. Cùng với đó việc đưa con trẻ đến các cơ quan công quyền phản đối đã làm khổ và ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các cháu sau này. Bởi các cháu còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi chơi làm sao hiểu được vấn đề lớn này. Hành động lợi dụng tình hình để quấy rối và phá họai tài sản của một số đối tượng cũng cần phải có biện pháp xử lý hợp lý.
Họp báo “xin ý kiến” nhưng lại “định hướng” một chiều
Những gì dân làm sai thì đã rõ, còn về phía chính quyền chiều ngày 19/9 tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức cuộc họp báo về tình hình người dân phản đối sáp nhập trường tại khối Văn Hà, xã Quang Sơn tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Trong buổi họp có đầy đủ các thành phần chính quyền huyện Đô Lương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Nhưng cuộc họp lại không có bất cứ đại diện nào của người dân ở khối Văn Hà liên quan đến vấn đề trên.
Trong khi đó chiều ngày 19/9 khi đưa ra những đánh giá vấn đề trong cuộc họp báo tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Dô Lương (người đang đứng phát biểu) lại cho rằng lỗi sai là do các phụ huynh mà không nêu rõ những thiếu sót và những việc làm chưa đúng của chính quyền |
Tại cuộc họp ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã báo cáo tóm tắt quá trình xoá điểm trường lẻ Văn Hà. Theo đó, xuất phát từ quy hoạch mạng lưới trường lớp và việc điểm trường lẻ đã xuống cấp, vào ngày 21/6/2013, Đảng uỷ xã Quang Sơn đã có chủ trương xoá điểm trường lẻ Văn Hà. Ngày 30/7/2013, HĐND xã Quang Sơn ban hành Nghị quyết về vệc xoá điểm trường lẻ và sau một ngày UBND xã Quang Sơn ra thông báo cho người dân thực hiện. Quyết định nói trên được Phòng Giáo dục và Đào tạo Đô Lương, UBND huyện Đô Lương đồng tình.
Bất ngờ bị xoá điểm trường, người dân làng Văn Hà đã phản ứng quyết liệt. Hàng chục gia đình đã không đưa con đến trường. Người dân tổ chức khiếu kiện đông người lên tận nhiều cấp chính quyền gây tình hình căng thẳng, bất ổn.
Ông Thành cho rằng, nguyên nhân của tình hình nói trên là do một bộ phận dân thiếu hiểu biết về pháp luật, bảo thủ, cực đoan, chống đối quyết liệt. Ngoài ra còn do hệ thống chính trị cơ sở yếu kém, không phát huy được tác dụng. Về giải pháp, huyện Đô Lương đề nghị phá bỏ điểm trường lẻ, huy động lực lượng công an điều tra, khởi tố, dùng biện pháp mạnh và tiếp tục tuyên truyền chủ trương.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xin nhận được sự đóng góp ý kiến của các phóng viên, nhà báo tham gia cuộc họp để giải quyết vấn đề nhưng cuối cuộc họp kết luận vẫn cho thấy sự phiến diện 1 chiều |
Ý kiến của ông Nguyễn Tất Thành bị một số cơ quan báo chí phản ứng vì có tính chất quy chụp, đổ lỗi tất cả cho dân. Trong khi đó bản thân cách làm của chính quyền chưa phù hợp với qui định của pháp luật, không hợp lòng dân, đến khi sai rồi thì không chịu thừa nhận và sửa.
Cụ thể, theo quy định của Điều lệ trường Tiểu học đang có hiệu lực, thì trường tiểu học là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc quyền quản lý của UBND huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo. UBND xã chỉ quản lý ở góc độ là cơ quan đóng trên địa bàn. Thế nhưng, trong việc xoá điểm trường lẻ, chính quyền cấp xã đã đứng ra quyết định, mà không hề có sự đề xuất của nhà trường.
Mặt khác, Điều lệ trường tiểu học cũng qui định, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh vùng nông thôn không quá 1 km. Nay xoá điểm trường, học sinh phải đi học hơn 2km. Do đó, việc xoá điểm trường lẻ là trái với qui định của Nhà nước.
Việc cương quyết của chính quyền và phụ huynh lại đang làm 49 em học sinh không được đến trường phải gánh thiệt thòi |
Ông Chủ tịch UBND huyện cho rằng lí do mà người dân đưa ra là khoảng cách từ điểm lẻ đến điểm trường chính xa là “phi lý”. Trong khi đó chính ông Thành cũng đã thừa nhận khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh làng Văn Hà là hơn 2km, đường còn khó đi, dân ở vùng thấp trũng, nghèo.
Giải pháp huy động lực lượng công an, dùng “biện pháp mạnh” của huyện Đô Lương, theo các cơ quan báo chí là không phù hợp. Nhiều phóng viên cơ quan báo chí nêu quan điểm nên có sự cân nhắc, xem xét trong giải pháp. Mặc dù chủ trương đúng nhưng thời điểm thực hiện, qui trình thực hiện chưa phù hợp thì có thể điều chỉnh, hoãn thực hiện, không nên làm lấy được sẽ làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho nhân dân và cả chính quyền. Cùng với đó nhiều phóng viên cho rằng ngoài mục đích nâng cao chất lượng học và cơ sở học thì phải chăng chính quyền sáp nhập điểm trường là để nhanh đưa trường Tiểu học Quang Sơn sớm đạt chuẩn Quốc Gia giai đoạn 2 lại không được đại diện chính quyền phản hồi lại. Vậy nên chăng chính quyền cần xem lại cách thực hiện và cách vận động của mình.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, việc xoá điểm trường là thực hiện chủ trương quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, đồng thời đề nghị UBND huyện Đô Lương hoàn thành việc làm đường từ làng Văn Hà lên điểm trường chính, xây nhà ăn bán trú ở điểm trường chính và có sự hỗ trợ học sinh bán trú.
Từ đầu cuộc họp, bà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan báo chí phát biểu, đề xuất các giải pháp để Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết. Tuy nhiên, cả UBND huyện Đô Lương và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đều “bỏ ngoài tai” những ý kiến đề xuất theo hướng mở lại điểm trường. Với quan điểm cương quyết đại diện các đơn vị này trước sau đều chỉ nêu lên một cách làm duy nhất là xoá bỏ điểm trường lẻ. Việc định hướng mang tính áp đặt nói trên đã không được một số phóng viên đồng tình. Bởi mục đích chính là làm sao để 49 em học sinh còn lại sẽ tiếp tục đến trường chứ không phải thất học như hiện nay. Trong khi đó sự cương quyết này dễ dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục phản đối, khiếu kiện và tình hình bất ổn còn có thể tiếp tục gia tăng. Cuối cùng như vậy cơ hội để đưa được số học sinh còn lại đến trường sẽ khó thực hiện.
Khi biết được quan điểm trên của chính quyền và ngành giáo dục địa phương hàng chục người dân Văn Hà đứng trước trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi cuộc họp đã ngay lập tức bày tỏ quan điểm: “Như vậy là chính quyền vẫn không hề đếm xỉa đến nguyện vọng của dân. Chúng tôi rất thất vọng với định hướng nói trên và sẽ tiếp tục đấu tranh để giữ lại điểm trường lẻ Văn Hà”.
Như vậy, việc không đồng nhất quan điểm của chính quyền và người dân phần nào đã rõ. Nhưng cái cốt của vấn đề là làm sao để 49 học sinh còn lại tiếp tục đến trường thì lại chưa có hồi đáp cuối cùng.