Phần lớn giảng viên Trường Đại học Công đoàn có trình độ Thạc sĩ

04/09/2023 06:37
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở báo cáo thống kê cả 2 năm trong đề án tuyển sinh 2022 và 2023 đều cho thấy nhà trường không có giáo viên cơ hữu giảng dạy là Giáo sư.

Quy mô đào tạo có xu hướng tăng, nguồn thu không biến đổi nhiều

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công đoàn được ban hành kèm theo Quyết định số 430/QĐ-ĐHCĐ ngày 11/4/2023, tính đến ngày 31/12/2022, trường đào tạo 222 học viên trình độ sau đại học với 12 nghiên cứu sinh, 210 học viên cao học; 8.377 sinh viên đại học chính quy và 55 sinh viên đại học đào tạo vừa học vừa làm.

Có thể thấy, quy mô đào tạo có xu hướng tăng ở tất cả các loại hình đào tạo so với năm trước. Cụ thể, theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Công đoàn đào tạo 149 học viên trình độ sau đại học, trong đó chỉ có 7 nghiên cứu sinh và 142 học viên cao học.

Cũng trong đề án năm 2022, lượng sinh viên đại học chính quy là 7.549 sinh viên và không có sinh viên vừa học vừa làm.

Theo thông tin đề án tuyển sinh 2023, danh mục ngành được phép đào tạo của Trường Đại học Công đoàn có 18 ngành, trong đó có 3 ngành do trường tự chủ và mới bắt đầu đào tạo: Ngôn ngữ Anh (bắt đầu đào tạo từ 2022), Việt Nam học (bắt đầu đào tạo từ 2022) và Kinh tế (bắt đầu đào tạo từ 2023).

Đề án tuyển sinh cũng chỉ ra tổng nguồn thu hợp pháp/ năm của Trường Đại học Công đoàn là 104,5 tỷ đồng; con số này không có nhiều biến động so với các năm trước. Cụ thể, đề án tuyển sinh năm 2022 và 2021 thì tổng nguồn thu hợp pháp/ năm của trường lần lượt là khoảng 102,2 tỷ đồng và 102,1 tỷ đồng.

Khuôn viên Trường Đại học Công đoàn. Ảnh trên website trường.

Khuôn viên Trường Đại học Công đoàn. Ảnh trên website trường.

Về học phí, trong đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Công đoàn có nêu rõ mức học phí của trường đã áp dụng trong năm học 2022 - 2023 là 9,8 triệu đồng/sinh viên /năm học.

Mức học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 sẽ thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ và Nhà trường đang chờ hướng dẫn đảm bảo thu học phí theo khung quy định của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Mức thu học phí đối với sinh viên đào tạo đại học vừa làm vừa học bằng không quá 1,5 lần đào tạo đại học chính quy.

Thống kê cơ sở vật chất, tổng diện tích đất Trường Đại học Công đoàn là 27,15 ha; số chỗ ở ký túc xá sinh viên là 300 phòng (có khoảng 6 - 8 chỗ/ phòng). Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 6,9 m2.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu bao gồm: 123 hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên của cơ sở đào tạo với diện tích 40.223 m2; 1 thư viện, trung tâm học liệu có diện tích 2.141 m2 và 13 trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập với diện tích 15.695 m2.

Giảng viên có trình độ Thạc sĩ chiếm phần lớn

Thống kê về giảng viên trong đề án tuyển sinh 2023 của Trường Đại học Công đoàn chỉ ra, số lượng giảng viên cơ hữu là 310, trong đó không có giảng viên là Giáo sư, chỉ có 8 Phó Giáo sư, 84 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 208 giảng viên trình độ Thạc sĩ và 10 giảng viên trình độ đại học.

Trong khi tại đề án tuyển sinh năm 2022 của trường cũng cho thấy đa phần giảng viên có trình độ Thạc sĩ (chiếm 179/275 giảng viên). Còn lại là, 7 giảng viên có trình độ Phó Giáo sư, 81 giảng viên có trình độ Tiến sĩ và 8 giảng viên trình độ đại học.

Giảng viên Trường Đại học Công đoàn phần lớn là Thạc sĩ. Ảnh trên website trường.

Giảng viên Trường Đại học Công đoàn phần lớn là Thạc sĩ. Ảnh trên website trường.

Có thể thấy, dù lượng giáo viên toàn thời gian của Trường Đại học Công đoàn đã có sự gia tăng, từ 275 người lên 310 người. Tuy nhiên, Phó Giáo sư và giảng viên trình độ Tiến sĩ của trường không có sự thay đổi lớn (tăng 1 Phó Giáo sư và 3 Tiến sĩ) còn giảng viên có trình độ Thạc sĩ tăng 29 người.

Đáng chú ý, ở báo cáo thống kê cả 2 năm trong đề án tuyển sinh 2022 và 2023 đều cho thấy nhà trường không có giáo viên cơ hữu giảng dạy là Giáo sư.

93,3% sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng

Đề án tuyển sinh 2023 và 2022 có thống kê số liệu kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ này được căn cứ theo tổng số sinh viên phản hồi.

Số liệu này được tính từ kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm.

Lĩnh vực/ Ngành đào tạo

Tỷ lệ SV tốt nghiệp đã có việc làm (theo đề án tuyển sinh 2022)

Tỷ lệ SV tốt nghiệp đã có việc làm (theo đề án tuyển sinh 2023)

Quản trị kinh doanh

88,6

92,5

Tài chính - ngân hàng

85,4

97,1

Kế toán

92,1

89,1

Quản trị nhân lực

85,4

98,3

Quan hệ lao động

72,4

87,1

Luật

66,7

95,4

Xã hội học

66,2

98,5

Công tác xã hội

71, 4

91,3

Bảo hộ lao động

93,4

90,8

Nhìn vào số liệu thống kê trong đề án tuyển sinh 2023, có thể thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm của trường khá cao và tương đối đồng đều ở các nhóm ngành, đạt tới khoảng 93,3%.

Cũng theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm được báo cáo trong đề án tuyển sinh 2022 chỉ đạt mức 80,2%.

Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được báo cáo trong đề án tuyển sinh 2023 cao hơn tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được chỉ ra trong đề án tuyển sinh 2022 khoảng 13%.

Cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở hầu hết các ngành đào tạo được báo cáo trong đề án tuyển sinh 2023 đều tăng từ 2,6% - 32,3% so với tỷ lệ này trong đề án tuyển sinh 2022. Chỉ có 2 ngành Kế toán và Bảo hộ lao động, tỷ lệ sinh viên có việc làm giảm nhẹ so với năm trước với con số lần lượt là 3% và 2,6%.

Hồng Giang