Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở trong hoàn cảnh tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine khi những người ủng hộ Nga thúc đẩy phong trào ly khai ở khu vực Đông Nam quốc gia này, trong một động thái mà Kiev và phương Tây cáo buộc rằng Moscow đang lặp lại kịch bản Crimea.
Chính phủ Kiev cũng đã tiến hành "chiến dịch chống khủng bố" quy mô lớn trấn áp những người biểu tình đòi ly khai miền Đông, Nam đẩy Ukraine tới bờ vực nội chiến và nguy cơ can thiệp quân sự từ Nga.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon |
Trước bối cảnh trên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình xấu đi ở Đông Ukraine và nguy cơ diễn biến thành những cuộc đối đầu bạo lực.
Theo ông, tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai và kêu gọi tất cả các bên thực hiện nỗ lực làm dịu tìn hình, tuân thủ luật pháp và kiềm chế tối đa, thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 13/4 cũng lên tiếng kêu gọi Liên hợp Quốc và tổ chức OSCE nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn chính phủ Kiev sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình hòa bình - một động thái mà Moscow cho rằng vi phạm các quyền hợp pháp của người dân ở khu vực Đông Nam Ukraine.
Moscow cũng cực lực lên án sự cố gắng sử dụng sức mạnh vũ lực chống lại người biểu tình, các nhà hoạt động của nhóm Right Sector, các nhóm vũ trang bất hợp pháp và "những tay sai của Maidan" (lực lượng an ninh Ukraine).
Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án chiến dịch quân sự trấn áp người biểu tình của chính phủ Kiev và nói rằng trách nhiệm của phương Tây hiện nay là ngăn chặn cuộc nội chiến ở Ukraine.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen |
Cơ quan này cho biết sẽ thúc đẩy một cuộc thảo luận khẩn cấp về tình hình "cực kỳ nguy hiểm" ở miền Đông Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, phương Tây không ngừng đổ lỗi cho Nga về sự hỗn loạn hiện nay ở Ukraine. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Samantha Power cho biết trên ABC News rằng sự kiện mới nhất ở Ukraine mang "những dấu hiệu của sự tham gia của Moscow".
"Tổng thống đã nói rõ rằng, tùy thuộc vào hành vi của Nga, biện pháp trừng phạt ngành năng lượng, ngân hàng, khai thác mỏ có thể đặt lên bàn", bà nói thêm.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen bày tỏ lo ngại về sự tương đồng trong các sự kiện hiện nay ở Đông Nam Ukraine với Crimea. Ông kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới của Ukraine và cảnh báo về khả năng Moscow sẽ bị cô lập hơn nữa.
Rasmussen cũng cho rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Ukraine được dàn dựng bởi lực lượng thân Nga nhằm gây bất ổn Kiev.
Các Ngoại trưởng EU dự kiến sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine ở Luxembourg vào ngày 14/4 sau khi Anh kêu gọi Moscow không hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở láng giềng./.
Nguyễn Hường