Pháp sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào gây nguy hiểm cho an ninh của mình, Điện Elysee cho biết trong một tuyên bố hôm 24/6 sau một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia về một báo cáo của WikiLeaks.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống Francois Hollande (phải). Ảnh Sputnik. |
Hôm 23/6, WikiLeaks bắt đầu cho xuất bản các tài liệu cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật nghe lén các cuộc điện đàm của các quan chức Pháp từ năm 2006-2012 về một loạt vấn đề như khủng hoảng tài chính quốc tế, nợ của Hy Lạp, tương lai của Liên minh châu Âu.
Những người bị nghe lén gồm Tổng thống Pháp Francois Hollande và người tiền nhiệm của ông Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac, cùng một số quan chức hàng đầu khác của Pháp.
"Pháp sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho an ninh và quyền lợi của mình", Sputnik dẫn tuyên bố của Điện Elysee cho biết.
Tuyên bố cũng nói rằng Washington phải tuân thủ các bảo đảm của mình sau khi hoạt động gián điệp đồng minh của NSA bị đưa ra ánh sáng vào năm 2013.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Paris để phản ánh lập trường của Paris về vấn đề trên, truyền thông Pháp hôm 24/6 cho biết.
Đảng Xã hội Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng họ "sửng sốt" bởi quyết định có hệ thống các chính phủ liên minh của Mỹ.
"Làm thế nào mà một quốc gia, nơi đề cao quyền tự do cá nhân lên trên hết, lại chà đạp điều đó dưới chân của nó?", tuyên bố viết.
Đây là vụ bê bối giám sát mới nhất liên quan tới chương trình giám sát an ninh gây tranh cãi của NSA. Trước đó, theo tiết lộ của cựu nhà thầu NSA Edward Snowden, các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập dữ liệu về các đồng minh châu Âu trong nhiều năm./.