Kịch bản tội lỗi của người đàn bà “xẻ thịt” con cháu kiếm miếng ăn

13/03/2012 04:10
Thanh Huyền Ngọc/ Pháp luật và Thời đại
Người đàn bà tay chân luôn run rẩy, đi lại, nói năng đều khó khăn ấy đang bị “trời hành”, đang phải trả giá cho những nghiệp chướng gây ra thời trẻ.
Nếu ai có dịp đi qua đường Hồng Hà (Hà Nội) sẽ thấy một quán nước chè tồi tàn, tường vôi bong tróc nhuốm bụi bám xám xịt. Chủ quán là một người đàn bà khó đoán tuổi, tay chân luôn run rẩy, cử động cứng đờ, đi lại, nói năng đều khó khăn. Để ý sẽ thấy đó là triệu chứng của bệnh Parkinson, một loại bệnh về thần kinh rất khó chữa trị. Nhưng những người sống lâu năm trong khu vực lại cho rằng: Người đàn bà ấy bị “trời hành”, đang phải trả giá cho những nghiệp chướng gây ra thời
trẻ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gái quê sa ngã

Người đàn bà ấy tên Nguyễn Thị Huyền (SN 1958), quê gốc ở Tuyên Quang. Bà ta mù chữ, nhưng con chữ duy nhất bà ta có thể viết là tên của mình. Thất học nhưng sinh ra ở vùng đất được mệnh danh trong câu “chè Thái gái Tuyên”, thời thanh nữ Huyền khá xinh đẹp. Và như hầu hết các cô gái có chút nhan sắc, Huyền cũng mơ về hạnh phúc lấy được tấm chồng đàng hoàng tử tế. Với giấc mơ đó, tròn 18 tuổi, Huyền đi theo một số người muốn “thoát ly” khỏi quê nghèo xơ xác, tìm về miền đất lầy hứa hẹn Hà thành.
Những năm thời bao cấp, cuộc sống cho dù ở thành thị cũng đầy rẫy những khó khăn, làm gì có cơ hội cho một cô gái quê mùa lại thất học. Gặp sự “vỡ mộng” đầu tiên, Huyền không tỉnh giấc, trái lại sự ngu ngơ còn làm cho cô nhanh chóng rơi vào sa ngã. Thuê nhà ở ngoài “bãi” (khu vực ngoài đê sông Hồng – PV) ngày ấy là nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, Huyền đã bị dỗ ngon dỗ ngọt bởi một đám đàn anh đàn chị. Không phải là những tay chân giang hồ cộm cán gì, đám này chuyên hoạt động trong lĩnh vực “phe” tem phiếu kiêm “công ty hai ngón”.

Thời bao cấp, mọi vật dụng thiết yếu trong cuộc sống như gạo, thịt, dầu đốt…đều được đổi bằng tem phiếu. Hằng tháng, hàng tuần, đến ngày đã định, trước những cửa hàng lương thực ở Hà thành, dòng người xếp hàng chờ đến lượt dài dằng dặc. Huyền sẽ lẩn khuất trong những dòng người như thế. Với vẻ ngoài xinh xắn, dễ lấy lòng tin, bằng nhiều cách Huyền phải làm người đối diện xao lãng. Lúc ấy, đồng bọn của Huyền sẽ xuất hiện, trộm cắp tiền bạc hoặc tem phiếu của nạn nhân.
Chỉ được ít thời gian, băng nhóm của Huyền bị cơ quan chức năng truy quét. Huyền may mắn không bị bắt nhưng lại rơi vào cảnh bơ vơ, lạc lõng. Trót quen ăn chơi không quen lao động, lại chỉ biết những mối quan hệ thuộc về tệ nạn, Huyền đã chấp nhận con đường làm gái bán dâm để kiếm tiền. Khu vực hoạt động của Huyền là ở hồ Tây. Trở lại vài chục năm trước, nơi con phố Trấn Vũ đẹp đẽ bây giờ chỉ là một đường đất nhỏ đi qua đảo Pháo (Tên gọi một dải đất nhô ra hồ Trúc Bạch, trưng bày những khẩu pháo cao xạ thời chống Mỹ, đảo này bây giờ không còn – PV) thì đây là khu vực tập trung của chị em “gà móng đỏ”. Cùng với các “đồng nghiệp”, Huyền cũng chường mặt ra hồ, nhâng nháo chào mời khách: “Đi văn nghệ không anh giai ơi?” Càng dạn dày với nghiệp “buôn hương bán phấn”, Huyền càng quên dần cái gốc gác quê mùa. Những thói hư tật xấu, những thủ đoạn đối xử tàn tệ giữa người với người đã rất nhanh chóng tiêm nhiễm vào Huyền, để rồi sau này thị sẽ đem áp dụng với chính những người thân của mình.

Biến nhà riêng thành ổ điếm

Ngoài 20 tuổi Huyền lấy anh chồng hơn mình đến mười mấy tuổi, cũng là một gã du thủ du thực. Chồng Huyền tuy “tiền án nhiều hơn tiền mặt” nhưng đi tù chỉ toàn vì tội trộm cắp vặt vãnh. Là dạng tội phạm tép riu, lấy được vợ đẹp, nên gã sợ Huyền lấy chồng nhưng vẫn không bỏ “nghề” cũ. Người chồng có thể cũng biết nhưng không dám có ý kiến gì. Bởi gã đi tù nhiều hơn ở nhà, lại không làm ra tiền nên đành phải “khuất mắt trông coi”.
Rồi Huyền mang thai và sinh con gái đầu lòng. Thời gian này anh chồng lại đi tù án dài vì liên quan đến ma túy, gánh nặng chăm sóc bà mẹ chồng ốm yếu liên miên và đứa con thơ đè nặng lên vai Huyền. Không thể vứt con đấy mà đi “hành nghề”, Huyền đã tìm ra một giải pháp “kinh dị”. Những căn nhà tập thể chỉ có một phòng ở Phúc Tân thời ấy thường có thêm một gian bếp chừng 2m2 ở ngoài nhà.

Huyền đã kê giường rồi tống mẹ chồng vào đó. Gian bếp vốn ẩm thấp, lủng củng nồi niêu giờ lại thêm cái giường, càng chật chội. Bà cụ nếu đã vào giường thì chỉ có nằm, muốn ngồi lên cũng khó. Dù uất ức lắm nhưng bà cụ không thể kêu ai. “Thằng con trời đánh” ở trong tù, đứa con dâu dù là loại “nặc nô” nhưng cũng là lao động chính. Nó mà đi mất thì thân già biết trông cậy vào ai. Lại còn đứa trẻ măng sữa nữa. Thế là bà cụ đành phải nuốt lòng, cam chịu.
Từ đó Huyền ngang nhiên tiếp khách làng chơi ngay trong căn nhà của mình. Lúc đầu còn tương đối kín đáo, sau quen dần thì gần như công khai. Thậm chí ngay cả khi con gái đã có thể đem gửi trẻ, Huyền cũng không muốn chuyển địa điểm nữa. Thực ra mọi việc chỉ xảy ra sau cánh cửa đóng kín, hàng xóm dù có biết cũng chỉ dị nghị, bàn tán, chứ hơi đâu mà can thiệp chuyện không phải của mình. Chỉ khổ thân con gái của Huyền. Mỗi tuần mỗi lớn và khi đủ để hiểu biết về giới tính, cô bé đã không ít lần phải chứng kiến “công việc” của mẹ mình. Tâm hồn của bé gái đã bị đầu độc ngay từ trong trứng nước như thế.
Dù con gái giống mình như đúc, cũng xinh xắn, trắng trẻo nhưng Huyền không nương tay, gặp việc gì không vừa ý là đánh đập không thương tiếc. Con bé sợ mẹ hơn sợ cọp. Đến tuổi, Huyền cũng cho con gái đi học nhưng chỉ hết lớp 5. Bởi quan niệm của người mẹ này, chỉ cần biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia là đủ rồi. Từ ngày không được đi học, ru rú trong nhà làm việc vặt, bị nhốt mỗi khi mẹ đi vắng, cô bé đã có biểu hiện của trầm cảm. Nhưng bị kịch của cô bé mới chỉ bắt đầu.

Bán con bán cháu

15,16 tuổi đầu, dù mặc bệnh trầm cảm nên có vẻ hơi ngu ngơ nhưng về hình thể con gái Huyền vẫn phát triển phổng phao. Lúc này người mẹ cũng đã hết thời xuân sắc. Khách khứa ngày càng ít đi trong khi cuộc sống vẫn phải ăn uống, vẫn cần tiền. Nhìn đứa con gái nét mặt dài dại nhưng cũng trắng trẻo, đầy đặn, người mẹ đã đi đến một quyết định tàn ác: Thị bắt con đi làm gái điếm để nuôi mình. Người mẹ này lợi dụng sự kém phát triển trí óc của con, ép con vào nghề mại dâm. Mọi việc từ tìm mối khách cho đến thỏa thuận giá cả, bà ta đều xử lý. Cuối cùng, bà ta chỉ việc dắt cô bé tội nghiệp đến “bến đỗ” và trợn mắt buộc con tuân theo.

Trở thành nạn nhân của chính mẹ đẻ nhưng bi kịch của cô vẫn chưa dừng lại. Trong quãng thời gian ô nhục, làm mọi việc chỉ theo quán tính, không có biện pháp “bảo vệ’, cô đã hai lần có thai. Hàng xóm kể lại lúc đầu thì sợ nhưng sau cô lại…thích cảm giác đó. Bởi lúc mang thai là lúc cô không bị mẹ bắt đi tiếp khách. Và mối liên hệ với đứa con trong bụng khiến cô “khôn” lên một chút. Tiếc rằng cô chưa bao giờ có cảm giác được làm mẹ. Hai lần sinh con trong viện, khi về nhà thì hai lần mẹ cô bế đứa bé đi và không thấy mang trở lại nữa. Cô hỏi, bà mẹ trả lời lạnh tanh: “Hâm hâm như mày nuôi con thế nào được. Tao mang cho người ta rồi”. Đến lần thứ hai mất con thì cô gần như điên hẳn.
Những người hàng xóm khẳng định: “Mụ đàn bà thất đức đã mang bán chính những đứa cháu ngoại của mình. Nếu không có mưu tính từ trước thì đời nào mụ ấy để cho con bé mang thai rồi sinh nở. Với mụ ấy, tiền là trên hết”, Một người khác cho biết thêm: “May mắn là con bé tội nghiệp cũng được cứu. Sau vài năm nó bị ép đi bán dâm, bố nó trở về tuy chẳng khác xưa là mấy nhưng cũng đủ dũng cảm để cướp con bé khỏi tay mụ vợ. Rồi hai bố con nó đi đâu không rõ. Chỉ biết rằng dù đi đâu thì cũng hơn là ở bên mụ đàn bà kinh dị kia”.
Sau này do ham mê cờ bạc, người đàn bà tội lỗi đã phải bán nhà trả nợ. Quán nước chè bây giờ chính là căn bếp 2m2 “nhốt’ mẹ chồng ngày trước. Quán vắng tanh vắng ngắt. Chỉ có vài người hàng xóm thương tình bệnh tật, ủng hộ chén nước gọi là. Ngày ngày bà ta cứng đơ ngồi, mắt nhìn xa xăm.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Điểm nóng:
Chủ tịch quỹ VIASA: Cường đôla sẽ khóc nếu đặt cạnh Warren Buffett

Sắp xử Lê Văn Luyện: "Lời cháu Bích như xát muối vào lòng tôi"

Từ vùng dịch đến… chợ gia cầm Sửa chế độ tiền lương CBCCVC, lực lượng vũ trang

Phạt mũ bảo hiểm rởm: Trút gánh nặng sang người dân

Vì sao có "cung đường sắt chết người"?
Rùng mình trẻ em vùng núi chơi đùa với rắn lạ Bộ Tài chính: Việt Nam có quyền đánh thuế Google, Facebook

Thanh Huyền Ngọc/ Pháp luật và Thời đại