Phát triển nghệ thuật tác chiến bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới

03/03/2013 09:15
Theo QĐND
(GDVN) - Phát triển nghệ thuật tác chiến đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới.
Ngày 9-3-1949, tại chiến trường Việt Bắc, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Nghiên cứu Không quân. Đây là một việc nhằm thực hiện chủ trương nhanh chóng đưa quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại, với đầy đủ các lực lượng chủ chốt Lục quân, Hải quân, Phòng không, Không quân.

(Không quân Việt Nam - ảnh minh hoạ)
(Không quân Việt Nam - ảnh minh hoạ)

Nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Không quân là xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của Không quân Pháp để tìm các biện pháp chống lại, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và huấn luyện, đào tạo cán bộ… để đón thời cơ. Để giữ bí mật, Ban Nghiên cứu Không quân mang tên “Nông trường Thí điểm”. Do yêu cầu nhiệm vụ, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Không quân.

Ngày 3-3-1955, Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Quyết định số 15/QĐA thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay. Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng không quân và là bước đi phù hợp với tình hình, khả năng của đất nước lúc bấy giờ. Thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay là việc làm khởi đầu cho quá trình xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 3-3-1955 trở thành ngày truyền thống của bộ đội không quân.

Cùng với sự phát triển của cách mạng, của quân đội và Quân chủng PK-KQ, Không quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội không quân đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình.

Bộ đội không quân đã cùng với quân và dân cả nước đánh thắng trận đầu, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Mở mặt trận trên không thắng lợi”, góp phần đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12-1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” - đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội không quân đã hành quân thần tốc cùng các đơn vị bạn tiến vào giải phóng miền Nam. Ngoài việc SSCĐ ở miền Bắc, các đơn vị không quân đã lập “Cầu hàng không” phục vụ công tác chỉ huy, tiếp tế, vận tải, cơ động lực lượng.

Đặc biệt với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, chỉ sau 6 ngày luyện tập, chiều ngày 28-4-1975, “Phi đội Quyết Thắng” gồm 5 phi công đã sử dụng máy bay A37 vừa thu được của địch, cất cánh từ Sân bay Phan Rang, bất ngờ tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 25 máy bay các loại, tiêu diệt gần 300 tên địch...

Chiến công này đã khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của bộ đội không quân, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội không quân đã bắn rơi 320 máy bay các loại (trong đó có 2 chiếc B-52), trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc.

Sau khi đất nước thống nhất, bộ đội không quân có sự phát triển mới cả về tổ chức và nhiệm vụ. Không quân nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng bố trí lại lực lượng, thu hồi sử dụng các loại máy bay, khí tài của địch để tăng cường sức mạnh chiến đấu, đồng thời tích cực triển khai việc quản lý hệ thống sân bay ở cả hai miền Nam-Bắc.

Dù chia tách thành quân chủng độc lập hay nằm trong đội hình Quân chủng PK-KQ, bộ đội không quân luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, đảm bảo hệ số kỹ thuật, hệ số SSCĐ, tích cực đổi mới huấn luyện, nâng cao trình độ làm chủ VKTBKT; đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị VMTD góp phần cùng toàn dân, toàn quân thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Máy bay của Sư đoàn Không quân 370 xuất kích làm nhiệm vụ. Ảnh: T.H.
Máy bay của Sư đoàn Không quân 370 xuất kích làm nhiệm vụ. Ảnh: T.H.

Những năm gần đây, Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục được đầu tư mua sắm một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại.

Đồng thời, bộ đội không quân đã cải tiến, hiện đại hóa một số vũ khí, trang bị hiện có. Cùng với đó, bộ đội không quân tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế, điều chuyển lực lượng; tiếp nhận, huấn luyện chuyển loại, đào tạo, đào tạo lại cán bộ; đầu tư nâng cấp một số công trình sân bay, công trình chiến đấu… nhằm xây dựng Quân chủng PK-KQ nói chung và bộ đội không quân nói riêng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, phức tạp. Do vậy, trước hết phải xây dựng được nhân tố chính trị tinh thần để mọi cán bộ, chiến sĩ có tinh thần quyết tâm dám đánh, biết đánh và đánh thắng địch trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Đặc biệt, trong chiến tranh hiện đại, việc sử dụng vũ khí công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến, vì thế việc chuẩn bị trước các nhân tố về chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm là việc làm hết sức cần thiết.

Một yêu cầu hết sức quan trọng khác, đó là phải tiếp tục nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ nói chung và không quân nói riêng đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng trời trong điều kiện mới. Nếu chiến tranh xảy ra, kẻ địch sẽ dùng phương thức tiến hành với nhiều âm mưu, thủ đoạn tác chiến mới.

Thực tiễn đòi hỏi bộ đội PK-KQ, trong đó có bộ đội không quân phải có cách đánh phù hợp, mưu trí, sáng tạo, tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch. Phải phát huy mọi lực lượng để đánh từ xa đến gần, tiêu diệt các phương tiện mang phóng vũ khí công nghệ cao của địch và bảo toàn lực lượng của ta.

Cùng với đó, bộ đội PK-KQ phải tiếp tục đẩy mạnh huấn luyện, nhằm sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện có; cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Quân chủng PK-KQ, bộ đội không quân nói riêng cũng sẽ tiếp tục trang bị bổ sung, cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, nhất là các loại tên lửa, máy bay, ra-đa, pháo cao xạ mới… nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng PHƯƠNG MINH HÒA - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân
Theo QĐND