Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với cơ sở GD đại học

22/05/2024 15:53
Bài và ảnh: Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sáng 22/5, tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục ĐH.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục.

Diễn đàn có sự tham dự của Tham tán giáo dục - Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; Tham tán giáo dục - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học.

GDVN_KM.JPG
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy nền giáo dục của mỗi quốc gia không ngừng đổi mới. Những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và thị trường lao động yêu cầu các trường đại học phải liên tục cập nhật và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng các xu hướng và thách thức mới.

Vì vậy, diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học là cơ hội để các bên kết nối, hợp tác, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm. Các cơ sở giáo dục đại học có cơ hội áp dụng những nghiên cứu của mình vào thực tiễn, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các nghiên cứu và sáng tạo từ các trường đại học để nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới, tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng.

GDVN_Thaytung.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

“Trường Đại học Xây dựng Hà Nội với gần 70 năm kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đã rất quan tâm tới các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác truyền thống như nghiên cứu khoa học, đào tạo, học bổng và tuyển dụng… các chuyên gia, các Viện nghiên cứu của trường đã hợp tác rất chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc nghiên cứu thị trường Việt Nam, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào các công trình thực tế tại Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng cho biết.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Các cơ sở giáo dục đại học dần trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống, tích cực thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hiện nay, với 243 cơ sở giáo dục đại học với 2.252.697 sinh viên (theo số liệu thống kê năm học 2023-2024) đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

GDVN_Thutruong.JPG
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay vẫn tồn tại sự mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu nhân lực chất lượng cao trong thị trường lao động. Cụ thể, tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%. Nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.

Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI cần phải liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong tìm kiếm nguồn nhân lực, và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cần coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển”.

Để kết nối hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học. Diễn đàn này là một trong số các hoạt động mà Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thường niên theo Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

“Tại diễn đàn hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các quý vị đại biểu, các tổ chức, cá nhân, đại diện các doanh nghiệp FDI, các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác; trao đổi, đề xuất, hiến kế tháo gỡ khó khăn giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng, hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thêm.

GDVN_chupanh.jpg
Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI.

Nhân dịp này, 6 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI đã được trao tại diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo về việc hợp tác đại học và doanh nghiệp trong chia sẻ tri thức, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

GDVN-TSngoc.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc cho rằng, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp mang đến rất nhiều lợi ích.

Thứ nhất, về phía các trường đại học, hợp tác với doanh nghiệp góp phần xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp, giúp nhà trường cải tiến tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, góp phần tăng cường năng lực, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp, hợp tác giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhanh nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình.

Thứ ba, hợp tác đại học - doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội được lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, được củng cố về kỹ năng làm việc và hơn nữa là nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường. Việc hợp tác này cũng giúp sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng, hoặc có thêm thu nhập khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp.

Thứ tư, về phía xã hội, hợp tác đại học - doanh nghiệp giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho vùng, giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

Chia sẻ trực tuyến với diễn đàn, Tiến sĩ Greg McMillan - chuyên gia tư vấn giáo dục đại học, Aus4Skills đã nêu các kinh nghiệm tốt nhất về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu và đào tạo tại Australia.

Tiến sĩ Greg McMillan cũng nhìn nhận, chất lượng nghiên cứu của Australia luôn đạt tiêu chuẩn cao, tuy nhiên, mức độ đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết năng lực nghiên cứu của các trường đại học.

Tiến sĩ Greg McMillan cho rằng, trong thời gian tới nên thành lập một quỹ nghiên cứu chiến lược mới để khen thưởng các trường đại học sử dụng hiệu quả chuyên môn và năng lực nghiên cứu cũng như ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức lớn của quốc gia do chính phủ, doanh nghiệp và các ngành kinh tế đặt ra. Đồng thời, xây dựng một lộ trình tài trợ toàn phần cho nghiên cứu của các trường đại học. Chính phủ cần tăng cường sử dụng nghiên cứu của các trường đại học.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Greg McMillan, đánh giá đề xuất các cơ quan chính phủ, đơn vị trong ngành và doanh nghiệp nên thiết lập mục tiêu để tăng cường tuyển dụng các ứng viên có bằng tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực của mình.

Tiến sĩ Greg McMillan nêu ví dụ, Đại học Melbourne là một trong những trường đại học hàng đầu của Australia, áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện và công khai để thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới, khởi nghiệp và quan hệ đối tác với doanh nghiệp. Hay Đại học Sydney xây dựng các trung tâm nghiên cứu rất đa dạng...

Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học và đại diện một số trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực giữa doanh nghiệp FDI với cơ sở giáo dục đại học thời gian qua.

GDVN_ANIEM.JPG
Đại diện Công ty Aureole BCD-Mitani Sangyo Co.Ltd (Nhật Bản) trình bày tại diễn đàn.
GDVN_Adung.JPG
Đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận.
GDVN_BK.JPG
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận.
GDVN-NT.JPG
Đại diện Trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận.
GDVN_BKHCM.JPG
Đại diện Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Trong khuôn khổ diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia cũng bàn các giải pháp tăng cường kết nối.

GDVN_TD.JPG
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm các giải pháp tăng cường kết nối, diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tiến Dũng chủ trì tọa đàm. Tọa đàm cũng có sự tham gia chia sẻ của bà Vũ Thị Kim Chi (Viện Nghiên cứu Mitsubishi thuộc hệ sinh thái Mitsubishi, Nhật Bản); ông William Badger (Đồng Chủ tịch Tiểu ban nhân sự và đào tạo, EuroCham); ông Phùng Mạnh Dương (Điều phối viên chương trình bán dẫn hợp tác Đại sứ quán Hoa Kỳ).

GDVN_JIC.JPG
Nishikawa Naotaka – Cố vấn hình thành dự án Jica tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Nishikawa Naotaka – Cố vấn hình thành dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cũng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có sự hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài và ảnh: Thi Thi