Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật tổ chức Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam hiện không có Bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có Bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
"Tôi tha thiết lần này làm luật đặt vấn đề đó. Chúng ta không tăng biên chế gì cả, nhưng sử dụng chính những con người đó chuyển thành quản lý nhà nước, có được không?”, bà Ngân nhấn mạnh.
Muốn thành hiện thực, phải làm đề án
Ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ (Ảnh: Internet) |
Bình luận về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho rằng, đó là một ý kiến đáng quan tâm. Tuy nhiên, nếu muốn hiện thực hóa đề xuất đó thì phải làm đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội… thì mới thành lập một Bộ mới được.
“Về nguyên tắc, có đề xuất thì sau đó phải làm đề án”, ông Toản nhấn mạnh.
Nếu Bộ khác cũng đòi thành lập thì sao?
Đó là trăn trở của ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Tiến nói: “Tôi rất ủng hộ đề xuất đó. Trước đây chúng ta đã từng có Ủy ban Gia đình và Trẻ em là cơ quan ngang bộ do một nữ đồng chí làm Bộ trưởng, đứng đầu cơ quan đó. Khi cơ quan đó giải thể, rõ ràng những lĩnh vực như gia đình, trẻ em không có ai theo dõi dù chúng ta đã chia nhỏ ra cho mỗi Bộ quản lý một chút. Như vậy có thể thấy nó không thành một đầu mối nên nếu thành lập được Bộ Phụ nữ, tôi nghĩ sẽ rất tốt”.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng đề cập tới các khó khăn nếu thành lập Bộ Phụ nữ.
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: ĐSPL) |
Khó khăn thứ nhất là áp lực về tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối. Khó khăn thứ hai là tạo là sự đồng thuận trong việc này. Các Bộ khác, lĩnh vực khác có thể sẽ có ý kiến rằng Bộ của họ cũng rất cần tại sao không thành lập chẳng hạn Bộ Thanh niên…
“Gia đình là tế bào của xã hội. Rất nhiều vấn đề về gia đình như bạo lực gia đình, thuần phong mỹ tục của gia đình, nề nếp của gia đình… tác động rất lớn tới xã hội. Đó cũng là nơi đầu tiên hình thành tính cách của trẻ em nên nếu không có một cơ quan chăm sóc, theo dõi, quản lý thì sẽ là một khiếm khuyết”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, lộ trình giảm biên chế là giảm những người không làm được việc – số 30% sáng cắp ô đi tối cắp ô về, những người không đủ điều kiện về mặt sức khỏe mà vẫn cố tình làm, số đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng không chịu về hưu…
Tuy nhiên, cùng với quá trình giảm biên chế đó, vẫn có quá trình đầu vào. Tuyển dụng nhân sự mới giống như thay máu. Đơn vị, cơ quan nào cần bỏ ta nên bỏ, nên giảm còn cơ quan nào cần thiết ta vẫn phải tổ chức lại sao cho hợp lý chứ không nên cực đoan.
“Tôi nghĩ sắp tới sẽ phải xem xét, tổng kết lại toàn bộ Luật tổ chức Chính phủ xem trong thời gian qua những bộ nào tách ra mà làm chưa tốt thì nhập lại, còn bộ nào giải thể rồi mà giờ cần hình thành thì nên hình thành lại”, ông Tiến nói thêm.
Nên, nhưng Bộ máy Nhà nước đang quá cồng kềnh
Ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: qbtv) |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, nếu có một Bộ quản lý phụ nữ, trẻ em, thậm chí gia đình thì rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì dân số, gia đình, trẻ em là 3 lĩnh vực có liên quan, nhưng hiện lại thuộc các Bộ, ngành khác nhau quản lý khiến gia đình tách khỏi trẻ em, dân số cũng không liên quan nhiều… Đó là điều bất hợp lý trên thực tế.
“Điều bất hợp lý đó dẫn tới việc ở cơ sở không có người phụ trách hoặc nếu có thì không có người kiêm nhiệm mà tách ra thành 3 bộ phận khác nhau. Nếu có Bộ Phụ nữ, Gia đình và trẻ em thì sẽ hay hơn vì phụ nữ gắn với gia đình và trẻ em”, ông Phương cho biết.
Nhiều tiếng nói có "vai vế" ủng hộ thành lập Bộ Phụ nữ
(GDVN) - Quan chức, đại biểu quốc hội cho rằng thành lập Bộ Phụ nữ là cần thiết để khai thác tiềm năng của phụ nữ, nhưng phải tính tới hiệu quả của nó cho sự phát triển.
Theo ông Phương, khó khăn hiện nay là bộ máy Nhà nước đang quá cồng kềnh. Biên chế đã tăng và tinh thần của Bộ Chính trị là phải tinh giản biên chế để phát huy hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước.
“Nếu nói thành lập một Bộ mới mà không tăng biên chế là vô lý. Một khi đã tách Bộ thì phải có trụ sở, bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương. Chỉ có một cách để thu gọn bộ máy đó là giảm tất cả các bộ phận có liên quan hiện nay, đưa vào bộ máy.
Ở các địa phương có thể vẫn sẽ tăng biên chế, còn ở các tỉnh, cấp trung ương sẽ phải có thêm văn phòng trụ sở, bộ máy hành chính như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc Sở, Phó giám đốc, văn thư, thủ quỹ, kế toán… Chắc chắn nếu tăng biên chế, tăng đầu mối thì ngân sách sẽ bị ảnh hưởng từ việc đầu tư xây trụ sở, mua sắm trang thiệt bị tới trả lương cho các bộ phận tăng thêm… Nếu cứ giữ nguyên như hiện nay, các bộ phận như văn thư, thủ quỹ, kế toán…của các cơ quan, tổ chức quản lý trẻ em, gia đình, dân số…sẽ chung với các Bộ ngành mà nó trực thuộc”, ông Phương phân tích.
Cũng theo vị đại biểu quốc hội này, hiện nay còn có vướng mắc ở chỗ các nghị quyết của trung ương, Quốc hội, các đề án tinh giản biên chế đều kêu gọi tinh giản biên chế trong khi ta lại đề xuất thành lập thêm Bộ mới.
Còn việc bóc tách các bộ phận liên quan ở các Bộ ngành hiện tại đưa vào Bộ Phụ nữ tôi nghĩ không có gì khó khăn lắm. Các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tới phụ nữ, trẻ em…không phải là thừa thãi, nhưng tổ chức như hiện nay thì chưa hợp lý. Do vậy, ta phải bóc tách những cái chưa hợp lý ở các Bộ ngành hiện nay để gom vào một chỗ thì sẽ tốt hơn.
“Tuy vậy, nếu có lộ trình cụ thể thì trong tương lai ta vẫn có thể thành lập Bộ Phụ nữ. Điều quan trọng nhất trước khi thành lập Bộ mới là phải điều tra, đánh giá tác động của những điểm cần thiết, chưa cần thiết khi thành lập Bộ này cũng như lộ trình thành lập Bộ trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Khi thành lập Bộ mới cũng phải nêu rõ quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy đó. Tôi nghĩ Bộ Phụ nữ có chức năng, nhiệm vụ: nâng cao hoạt động, vai trò của gia đình trong xã hội, gắn được gia đình với trẻ em với chính sách dân số”, ông Phương khẳng định.