Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: SV diện NĐ 116 cố tình thi trượt, có phải bồi hoàn?

29/04/2023 06:44
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc khảo sát, xác định chỉ tiêu theo NĐ 116 để báo cáo số lượng đào tạo giáo viên hằng năm của các huyện, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, khó chính xác.

Sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ xảy ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên việc xác định nhu cầu giáo viên tại các địa phương vẫn là một bài toán khó trong quá trình triển khai Nghị định này.

Trong thời gian qua, khi các địa phương trong cả nước đang tìm nhiều giải pháp thực hiện việc đăng ký đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Song, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: PM

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: PM

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm S, để triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành ra sao và đạt kết quả như thế nào?

Tiến sĩ Phạm S: Căn cứ vào điều kiện ngành giáo dục của tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản về việc đăng ký số lượng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo không nhận được đăng ký số lượng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội của huyện, thành phố nào và đã báo cáo nội dung này về Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2022, có 5 huyện, thành phố đăng ký số lượng đào tạo.

Phóng viên: Lý do vì sao đến nay, tỉnh Lâm Đồng chưa thực hiện đăng ký đặt hàng với các đơn vị đào tạo, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm S: Qua quá trình chỉ đạo, chúng tôi thấy có nhiều lý do, trong đó có mấy lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, để thực hiện đăng ký đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên có liên quan đến nhiều nội dung như: Nhu cầu giáo viên, biên chế giao; việc tuyển dụng, sử dụng; việc bồi hoàn kinh phí,…

Điều 3 Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung: “Xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu” như sau:

Tại Khoản 1: “Hằng năm, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo….”

Tại Khoản 4: “Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương”.

Từ các nội dung trên cho thấy, việc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội phải gắn với nhu cầu sử dụng giáo viên các cấp học, bậc học hằng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sử dụng giáo viên tại các địa phương trong những năm tới đã tương đối bão hòa; mặt khác, việc khảo sát, xác định chỉ tiêu theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP để báo cáo số lượng đào tạo giáo viên hàng năm của các huyện, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, khó chính xác vì do số trường, lớp, học sinh biến động, trong khi đó biên chế viên chức do Sở Nội vụ quản lý và hằng năm, các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế… nên các huyện, thành phố không đăng ký số lượng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.

Theo phân cấp quản lý thì Sở Nội vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý viên chức toàn tỉnh, trong đó có viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo.

Đối với viên chức ngạch giáo viên; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý viên chức các trường trung học phổ thông và trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Do đó, nếu các địa phương không đề xuất nhu cầu đào tạo thì Sở Giáo dục và Đào tạo không có căn cứ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo.

Thứ hai, hiện nay, việc đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường. Điều này cần Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

Thứ ba, riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, muốn triển khai thuận lợi cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều sở và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, cụ thể như sau:

Sở Nội vụ phải tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ ưu tiên biên chế, giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tuyển dụng đủ số giáo viên theo định mức trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đáp ứng quy mô gia tăng số học sinh trong những năm tới và đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo hằng năm, chủ trì rà soát, kiểm tra nhu cầu đào tạo giáo viên của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra nhu cầu để thực hiện đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Sở Tài chính phải chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phân bổ kinh phí để triển khai việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phân tích, đánh giá nhu cầu giáo viên các cấp học để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở theo quy trình quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Phóng viên: Từ thực tiễn gặp nhiều khó khăn khi triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP bởi những lý do nêu trên, tỉnh Lâm Đồng có kiến nghị đề xuất gì, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm S: Xuất phát từ thực tiễn, tỉnh Lâm Đồng có những kiến nghị đề xuất như sau:

Thứ nhất, về mặt pháp lý khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Nếu đặt hàng đào tạo, sau này người được đặt hàng cũng phải tham gia tuyển dụng, nếu không đạt thì không được vào ngành. Trong khi đó, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải do địa phương đặt hàng vẫn có quyền thi tuyển biên chế bình đẳng với sinh viên đăng ký theo diện đặt hàng.

Thứ hai, cần có quy định rõ ràng về bồi hoàn kinh phí. Việc sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng (hiểu ngắn gọn là nhà nước chi trả tiền đào tạo) ra trường nhưng không phải đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục.

Trong quy định của Nghị định 116, nếu sinh viên đó tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Thế nhưng nếu không trúng tuyển thì sao? Có phải bồi hoàn chi phí hay không (không trúng tuyển là lý do khách quan, không phải ý chí chủ quan của các em).

Nếu không phải bồi hoàn chi phí đào tạo đối với trường hợp trượt trong các kỳ thi tuyển dụng thì liệu có trường hợp cố tình trượt để không bồi hoàn chi phí hay không?

Đó là những vấn đề nhiều địa phương băn khoăn trong quá trình thực hiện và mong muốn có quy định rõ ràng với từng trường hợp này.

Trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Minh