Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đồng Nai chia sẻ quyết tâm vừa dạy-học vừa chống dịch

11/09/2021 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiết nghĩ, phụ huynh học sinh nói riêng, xã hội nói chung không nên quá lo lắng, hãy tin tưởng thầy cô giáo.

Trong thời điểm hiện tại, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp tại tỉnh Đồng Nai.

Tính đến ngày 7/9, số ca nhiễm Covid-19 ở Đồng Nai là hơn 30.000 ca, đứng thứ 3 trên cả nước về số ca nhiễm.

Trước tình hình như vậy, nhiều huyện, thành phố đã phải thực hiện việc giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng không ít đến tình hình học tập của học sinh trên địa bàn.

Về tình hình và các phương án giảng dạy, học tập của học sinh và giáo viên trong năm học mới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai phải đối mặt khi năm học mới bắt đầu, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài?

Đồng Nai là một trong những cái nôi công nghiệp hóa của cả nước. Đồng Nai liên tục khẳng định vị thế về công nghiệp, thương mại và đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ, thương mại cấp quốc gia, quốc tế.

Hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động, trong đó hơn một nửa lao động là đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện dân số của tỉnh Đồng Nai đã là trên 3 triệu người. Nói như thế để thấy rằng áp lực về trường lớp, đội ngũ giáo viên đối với ngành giáo dục của tỉnh hàng năm là rất lớn, chưa kể đây cũng là điều kiện tiên quyết thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Áp lực càng lớn hơn trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Cụ thể, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh thì đã có hơn 220 trường học trên 11 huyện, thành phố trên địa bàn được trưng dụng làm khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến.

Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (ảnh: NVCC)

Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai (ảnh: NVCC)

Đặc biệt, tại các vùng trọng điểm về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các trường học đều đã được trưng dụng. Một bộ phận đội ngũ là giáo viên, nhân viên vừa đảm bảo tham gia tập huấn, chuẩn bị về chuyên môn cho năm học mới, vừa tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch. Có đến hơn 4.300 cán bộ, nhân viên, giáo viên đang tham gia vào công tác này.

Công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học mới bị đình trệ, sách giáo khoa, tập vở chậm đến tay học sinh. Đây rõ ràng là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Thế nhưng, ngành giáo dục của tỉnh cũng đã có những nỗ lực nhất định, cùng với sự chung tay hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của quý vị phụ huynh học sinh…thì ngành cũng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, sẵn sàng cho một năm học mới đàng hoàng.

Việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh triển khai, thực hiện như thế nào trong năm học mới này, thưa ông?

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng dịch bản dạy và học trong năm học mới này, tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Chẳng hạn, nơi nào có thể dạy học trực tiếp thì phải đảm bảo 5K (nếu có điều kiện thì sắp xếp khối học luân phiên…), khuyến khích học sinh mang theo nước uống, nước muối pha loãng để súc mũi, vòm họng thỉnh thoảng trong thời gian giải lao.

Nơi nào không thể đến trường thì rà soát, thống kê học sinh có điều kiện học trực tuyến, học trên tivi, giao bài cho học sinh (bố trí các địa điểm thuận lợi để học sinh nhận và trả bài)…để có giải pháp dạy học phù hợp. Tất nhiên, công tác biên soạn, hướng dẫn học tập phải chi tiết, cô đọng theo bài, chủ đề…nhưng phải cụ thể và dễ hiểu (học sinh đọc, nghiên cứu bài và trả lời câu hỏi của giáo viên), thì sau này học trực tiếp sẽ đào sâu hơn...

Rồi lên kế hoạch học tập học tập cho học sinh không có điều kiện tham gia, không theo kịp trong thời gian nghỉ dịch, khi trở lại trường.

Dạy học trực tuyến được Đồng Nai xác định là hình thức chủ đạo thời gian này (Ảnh minh họa: P.N)

Dạy học trực tuyến được Đồng Nai xác định là hình thức chủ đạo thời gian này (Ảnh minh họa: P.N)

Trước mắt, trong thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh triển khai các hình thức tổ chức tổ chức dạy và học trực tuyến, học qua truyền hình, giao bài qua zalo, messenger, email…trong đó thì việc dạy và học trực tuyến vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo.

Sở cũng đã phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức tập huấn phần mềm Microsoft Teams – một ứng dụng hỗ trợ giảng dạy và học tập, làm việc online cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên cốt cán, cũng như có tham khảo các phần mềm trực tuyến khác của VNPT, Viettel.

Song song đó, Sở cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai tiến hành ghi hình các tiết giảng một số bộ môn, phát sóng trên truyền hình từ giữa tháng 9 này.

Với số lượng học sinh không đủ thiết bị, đường truyền để học tập trên internet, ngành đã có những giải pháp gì để hỗ trợ, cũng như đảm bảo công việc học tập cho các em?

Qua khảo sát của Sở, hiện nay, trên toàn địa bàn tỉnh thì bậc tiểu học có khoảng 50% (chủ yếu lớp 3, 4, 5), trung học cơ sở là 70% và trung học phổ thông là 90% học sinh có thể tham gia vào việc học trực tuyến. Như vậy, vẫn có một số lượng khá lớn học sinh không thể tham gia vào việc học trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là các em không có thiết bị để học.

Trước thực trạng này, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có thư kêu gọi các mạnh thường quân cho, tặng các thiết bị để học tập online như máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại cũ, mới…

Tỉnh cũng có văn bản đề xuất với VNPT, Viettel, Mobifone…hỗ trợ sim 3G cho học sinh vùng sâu, vùng xa hay các học sinh gặp khó khăn.

Dạy học trực tuyến là một trong những hình thức tổ chức dạy và học có thể tiến hành song song với việc dạy học trực tiếp, phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, phát huy tác dụng trong tình thế “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”.

Thiết nghĩ, phụ huynh học sinh nói riêng, xã hội nói chung không nên quá lo lắng, hãy tin tưởng thầy cô giáo, và trong tương lai, cố gắng trang bị cho con em một thiết bị để có thể tham gia vào việc học trực tuyến, giúp khai thác nguồn kiến thức vô tận từ đây trong thời đại công nghiệp số như hiện nay.

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, học sinh có thể kéo dài thời gian học trực tuyến, vậy tỉnh có kiến nghị hay đề xuất gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc giảm tải chương trình, kiểm tra đánh giá…thưa ông?

Một trong những quyền tự chủ của nhà trường là được xây dựng chương trình nhà trường dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất nhiên là không được cắt xén, phải đảm bảo mạch kiến thức khoa học, đầy đủ về chuẩn nội dung, kiến thức và kỹ năng…theo đúng quy định.

Trong tình hình này, khi hình thức dạy học trực tuyến là chủ đạo thì việc xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy ngày càng khoa học, phù hợp, không gây nặng nề và áp lực cho học sinh.

Về thời gian năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, dựa trên định hướng chung của Bộ. Như vậy, thời gian này vẫn có thể điều chỉnh trong tình hình dịch bệnh xảy ra còn lâu dài.

Do đó, việc giảm tải chương trình có thể không cần thiết, nhưng việc kiểm tra và đánh giá học sinh thì cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp cụ thể dạy trực tiếp và dạy trực tuyến.

Cái chính là Bộ nên tính toán lại về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có thể chỉ tính điểm chỉ dựa trên tổng điểm thi của thí sinh, mà không có số % điểm học bạ năm lớp 12 của thí sinh.

Trân trọng cảm ơn ông.

Việt Dũng