2 lần bị đứng trước lớp vì đồng phục cũ
Không chỉ bán bộ sách giá cao 600.000 đồng theo kiểu “đánh úp” bằng cách giáo viên nhắn tin qua nhóm kín cho phụ huynh đăng ký mua sách, Trường tiểu học Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Thành Phố Hà Nội) còn bị phụ huynh tố nhiều tiêu cực, cách hành xử thiếu nhân văn.
Một phụ huynh có con vừa học xong lớp 3 Trường tiểu học Ninh Hiệp cũng bày tỏ bức xúc không chỉ bộ sách “bia kèm lạc” có giá 600.000 đồng, phụ huynh còn phải mua đồng phục mới vào đầu năm học.
Phụ huynh này cho biết: “Năm học 2018-2019 con tôi lên lớp 3, nhà trường yêu cầu phụ huynh đăng ký mua đồng phục. Tôi thấy bộ đồng phục của cháu vẫn còn mới, chiếc áo trắng mặc vừa nên tôi không đăng ký.
Nhưng không thể ngờ, vào năm học mới, cháu bị cô cho đứng trước toàn thể lớp 2 lần nhằm mục đích bêu riếu chỉ vì cháu mặc đồng phục cũ”.
Trường tiểu học Ninh Hiệp đánh úp bán sách, bán bút cho học sinh giá cao |
“Đó là cách hành xử rất khó hiểu của giáo viên nếu không muốn nói là một sự sỉ nhục đối với cháu.
Các cháu còn rất nhỏ có biết gì mà cô làm vậy, gia đình rất bức xúc về việc này.
Còn đứa cháu tôi cũng học lớp 3, bố mẹ cháu định may đồng phục ở ngoài để chất lượng vải tốt hơn, nhưng đi học không hiểu giáo viên chủ nhiệm nói kiểu gì về bắt bố mẹ phải đăng ký ở trường.
Đạo đức nhà giáo, môi trường giáo dục sao cho phép họ làm thế. Đó là sự tàn nhẫn với con trẻ”, phụ huynh này nói.
Một phụ huynh khác cũng có con đang theo học Trường tiểu học Ninh Hiệp phản đối trước tình trạng phụ huynh đua nhau “chạy” con vào lớp 1 học cô Thuý Anh và cô Tĩnh.
“Người ta cứ tung tin 2 cô này dạy giỏi, dạy tốt. Phụ huynh chuẩn bị có con vào lớp 1 lại đua nhau xin trường cho con vào học lớp 2 cô này dạy.
Để xin vào học hai lớp này phụ huynh cũng phải “lót tay” không ít. Nhiều phụ huynh bức xúc trước tiêu cực nhưng không biết phản ánh đi đâu”, một phụ huynh nói.
Học sinh Trường tiểu học Ninh Hiệp đang nghỉ hè, nhưng các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1 phụ huynh thông tin đã phải đi học ghép vần trước. Ảnh: V.P. |
Đua nhau "chạy" chọn giáo viên
Một phụ huynh từng phải nhờ vả mới xin được một suất cho con vào lớp 1 cô Tĩnh thẳng thắn cho biết: “Đúng là có tình trạng phụ huynh “chạy” để vào học lớp cô Tĩnh dạy.
Vì đa phần phụ huynh Ninh Hiệp công việc buôn bán rất bận nên có tâm lý gửi con vào lớp cô giáo dạy tốt. Tuy nhiên, giáo viên dạy tốt, dạy giỏi như thế nào chưa thấy nhưng đã thấy tiêu cực đầu tiên.
Nhận thấy cho con học trong môi trường giáo dục như vậy không ổn, tôi đã chuyển trường cho con”.
Ngoài ra, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được thông tin phản ánh của một số phụ huynh Trường tiểu học Ninh Hiệp về vấn đề học thêm, dạy thêm diễn ra công khai, nhan nhản.
Phụ huynh này chỉ rõ: “Giáo viên không dạy ở nhà mà thuê địa điểm để tổ chức dạy thêm, học thêm. Phụ huynh phải tự làm đơn xin học thêm gửi giáo viên. Nói làm đơn tự nguyện nhưng phụ huynh nào dám không cho con đi học thêm.
Chuẩn bị vào lớp 1, từ đầu hè các cô đã tổ chức dạy ghép vần trước cho các cháu. Khi các cháu vào lớp 1 đã biết ghép vần rồi. Phụ huynh nào không cho con đi học thêm sẽ bị kém hơn nhiều so với các bạn.
Bởi vậy, phụ huynh lại phải tìm đến cô nhờ dạy trước khi vào lớp 1 nếu không con mình vào lớp 1 không theo kịp các bạn.
Còn khi vào lớp 1 rồi cô lại dạy thêm 2 buổi trên/tuần. Mức học phí 600.000 đồng mỗi tháng”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Minh (áo đỏ ngoài cùng bên phải) phủ nhận những thông tin phụ huynh phản ánh là thiếu cơ sở. Ảnh: Mai Nguyen Thi. |
Một phụ huynh có 2 con từng học Trường tiểu học Ninh Hiệp vì bức xúc và không hài lòng với môi trường giáo dục tại ngôi trường này đã cho con chuyển trường.
Phụ huynh này thẳng thắn cho biết: “Có nhiều khoản phát sinh phụ huynh phải đóng góp mang tên tự nguyện nhưng thực chất là ép buộc tại ngôi trường này.
Biết phụ huynh Ninh Hiệp buôn bán có đồng ra đồng vào, nhà trường vì thế cũng nghĩ ra đủ thứ tiền kêu gọi phụ huynh ủng hộ, đóng góp.
Như đầu năm con tôi vào lớp 1, buổi họp phụ huynh nhà trường kêu gọi phụ huynh lớp 1 ủng hộ nhà trường 2 máy cắt cỏ.
Nói ủng hộ tùy tâm nhưng ban phụ huynh thay mặt trường nói rõ tối thiểu ủng hộ 200 ngàn đồng. Riêng lớp con tôi đã ủng hộ được 16,5 triệu đồng. Trong khi đó còn mấy lớp 1 nữa số tiền không phải là ít.
Mỗi chiếc máy cắt cỏ giá thị trường chỉ giao động 3,4 triệu đồng. Rất nhiều tiền phụ huynh lớp 1 vào ủng hộ không biết đi đâu”.
Thông báo của giáo viên chủ nhiệm Trường tiểu học Ninh Hiệp gửi nhóm kín phụ huynh đăng ký mua bộ sách 600.000 đồng. Ảnh: NVCC. |
Phụ huynh này cũng cho biết thêm vì không hài lòng trước cách làm quá đáng của nhà trường nên chỉ ủng hộ 50 ngàn đồng. Kết quả cả phụ huynh và học sinh bị cô giáo chủ nhiệm tỏ thái độ luôn.
Không thể ngờ chỉ vì ủng hộ ít, vào đầu năm học mới, con tôi đã bị trù dập, còn tôi nhận được thái độ khó hiểu từ giáo viên chủ nhiệm”.
Vào tháng cuối năm học vừa rồi, phụ huynh cũng bày tỏ bức xúc trước việc bị ép ủng hộ nhà trường làm sân bóng nhân tạo.
“Giáo viên chủ nhiệm thông báo phụ huynh ủng hộ số tiền tối thiểu mỗi phụ huynh 100.000 đồng.
Biên lai nhà trường đánh máy thu tiền các khoản tháng 5 như tiền ăn, tiền bán trú, tiền 2 buổi… riêng tiền ép phụ huynh ủng hộ làm sân bóng giáo viên chủ nhiệm ghi bằng tay phía dưới.
Đó đâu phải là tự nguyện mà họ ép phụ huynh đóng theo kiểu bổ đầu”, một phụ huynh lớp 4 nói.
Những thầy cô giỏi chuyên môn thì mấy khi được làm hiệu trưởng! |
Làm việc với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Hiệp cho biết: “Nhà trường yêu cầu giáo viên các lớp thông báo đến phụ huynh từng danh mục, đầu sách để phụ huynh đăng ký.
Về thông tin phụ huynh phản ánh giáo viên chủ nhiệm chỉ thông báo qua tin nhắn tổng số tiền bộ sách để phụ huynh đăng ký, trường sẽ cho kiểm tra lại”.
Phóng viên đề nghị nhà trường cung cấp thông báo gửi phụ huynh đăng ký mua sách của trường đến của các khối cụ thể ra sao, bà Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết: “Cô thư viện nghỉ có việc nên nhà trường chưa cung cấp được”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Hiệp cũng khẳng định không có việc trường kêu gọi phụ huynh lớp 1 mua 2 máy cắt cỏ ủng hộ trường.
Còn về khoản tiền nhà trường thu mỗi phụ huynh 100.000 đồng ủng hộ làm sân bóng trong khuôn viên trường, bà Nguyễn Thị Thanh Minh cho hay: “Vị trí sân bóng cỏ nhân tạo trước đây là nền đất cỏ mọc um tùm rất mất mỹ quan.
Ban phụ huynh đã đề xuất làm sân bóng cỏ nhân tạo để học sinh rèn luyện thể lực, vui chơi nên nhà trường đồng ý cho triển khai. Không có chuyện bổ đầu phụ huynh học sinh phải đóng góp, ủng hộ.
Đồng phục nhà trường không ép buộc, phụ huynh có thể may ở ngoài nhà trường mua hộ phù hiệu trường”.