Trường học nơi kinh doanh béo bở
Khoản lợi nhuận kếch xù mang tên “hoa hồng” đang biến nhiều trường học trong cả nước thành nơi kinh doanh cho không ít các dịch vụ, hàng hóa như sách vở, đồng phục, bút, thậm chí nhãn vở...cho năm học mới. Nhà trường thành người bán, còn phụ huynh là người mua.
Có điều "thuận mua vừa bán" lại không xảy ra trong trường học. Như việc bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, sách bổ trợ cho năm học mới được nhiều trường triển khai theo kiểu "đánh úp" vào thời điểm trước thi học kỳ 2 năm học cũ khiến phụ huynh trở tay không kịp và buộc phải gật đầu đồng ý.
Điều này ít nhiều khiến môi trường giáo dục vốn đề cao giá trị đạo đức, dạy chữ, dạy người lên trên hết phần nào trong mắt phụ huynh trường học đâu đó không còn vì mục tiêu giáo dục, vì học sinh.
Theo một chủ đại lý lớn chuyên cung cấp cho nhiều trường học khu vực miền Bắc sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ, bộ dụng cụ học sinh tiết lộ mức chiết khấu sách giáo khoa 19%, còn lại chiết khấu rất cao 40%.
Phụ huynh Tiểu học Phù Đổng vã mồ hôi mua sách cho con giá bằng cả tạ thóc |
Một phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 4 Trường tiểu học Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) bức xúc cho biết: “Bộ sách lớp 4 trên 500.000 đồng như Trường tiểu học thị trấn Yên Viên chưa thể cao bằng Trường tiểu học Ninh Hiệp.
Trường tiểu học Ninh Hiệp bán bộ sách lớp 4 của đứa nhỏ nhà tôi có giá lên đến 600.000 đồng. Họ bán kèm sách giáo khoa đủ thứ sách bổ trợ, sách tham khảo. Các khối khác trọn bộ sách giá cũng tương tự, thậm chí lớp 5 còn cao hơn”.
“Trên group phụ huynh lớp con tôi bức xúc về vấn đề sách tham khảo lắm, nhưng đành tặc lưỡi vì nói ra sợ mất lòng, nhà trường trù dập con thì khổ.
Nếu như những cuốn sách đó có ích, thật sự cần thiết thì chúng tôi không tiếc, nhưng mấy năm nay sách bổ trợ, sách tham khảo gần như không dùng đến, cuối năm học thừa rất nhiều. Như thế vô cùng lãng phí”.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh Trường tiểu học Ninh Hiệp bày tỏ sự thất vọng ngôi trường con họ học đang biến thành nơi thương mại, buôn bán từ sách đến đủ thứ nhằm kiếm lời.
Đáng nói nhà trường không minh bạch chỉ thông báo phụ huynh đăng ký mua sách trọn bộ cho con. Phụ huynh không được lựa chọn cuốn sách nào cần, sách nào không. Trong khi đó, nhà trường biết rõ cuốn nào không cần, nhưng vẫn cho vào bộ sách để hưởng hoa hồng cao.
Nhiều phụ huynh Trường tiểu học Ninh Hiệp bức xúc trước việc nhà trường bán sách, bán bút theo kiểu áp đặt, không minh bạch. Ảnh: GD&TĐ. |
Một phụ huynh khác cũng có con sang năm lên lớp 4 cho rằng: “Đúng là thừa giấy vẽ voi. Đa phần phụ huynh Ninh Hiệp làm nghề buôn bán nên rất bận, ít ai để ý việc đóng tiền nọ, tiền kia cho con đi học, nhà trường bảo sao phụ huynh đóng vậy.
Biết điều đó nên vài năm trở lại đây, nhà trường bán sách giáo khoa kèm thêm rất nhiều đầu sách tham khảo, sách bổ trợ và còn bán đủ các mặt hàng khác như đồng phục, bút chì, bút viết...giá cao ngất ngưởng.
Giáo viên chủ nhiệm chỉ thông báo cho phụ huynh qua tin nhắn trên group của lớp là đăng ký mua sách hay không. Phụ huynh đồng ý thì nộp tiền chứ không biết con cần mua những sách gì cho năm học mới.
Tôi đồng ý đăng ký, sau đó nhận được thông báo bộ sách có giá 600.000 đồng và phải đóng tiền luôn để nhà trường chốt. Tôi có thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm của con sao bộ sách nhiều tiền thế, tại sao phụ huynh không được lựa chọn cuốn sách nào cần thiết.
Giáo viên chủ nhiệm nói nhà trường bán trọn bộ sách như vậy, không bán lẻ, phụ huynh mua hay không là tùy. Phụ huynh có thể ra ngoài mua bộ sách như vậy.
Năm nào cũng vậy, chúng tôi đóng tiền mua sách từ đầu tháng 5, nhưng đến tháng 8 mới nhận sách. Trường thông báo đăng ký mua sách vào lúc các con chưa thi, chưa bế giảng đã yêu cầu mua sách cho năm mới nhằm mục đích gì, sao không để hè rồi ai có nhu cầu thì mua”.
Còn một phụ huynh cũng có con năm nay lên lớp 3 bức xúc trước việc nhà trường bán kèm sách giáo khoa rất nhiều sách tham khảo: “Năm nào cũng vậy, con nhà tôi mua rất nhiều sách tham khảo, sách bồi dưỡng của trường bán.
Điều lạ là trường bán sách tham khảo, sách bổ trợ, nhưng gần như học sinh không dùng đến. Bộ sách có nhiều cuốn sách tham khảo, bổ trợ đến cuối năm phải bỏ đi dù còn mới tinh vì chưa dùng đến.
Như bộ sách lớp 2 năm ngoái tôi mua của trường cho con có rất nhiều cuốn chưa dùng lần nào mà năm nay phải bán đồng nát cho đỡ chật nhà. Trong đó, có cuốn sách tham khảo có giá 40.000-50.000 đồng chứ không phải ít.
Phụ huynh biết rất lãng phí, nhưng không dám ý kiến, nhà trường bán cả bộ như vậy sao một mình dám đòi hỏi mua cuốn này không mua cuốn kia.
Nhưng không mua sách của trường, ra ngoài tìm những cuốn sách giống bộ sách trường bán rất vất vả. Không ép nhưng phụ huynh phải miễn cưỡng đồng ý”.
Nhiều trường phụ huynh phản ánh bán bộ sách giáo khoa chỉ vài chục ngàn, nhưng bán kèm rất nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ không cần thiết khiến bộ sách lên đến cả triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Hiệu trưởng gian dối hay phụ huynh
Không chỉ bán sách giáo khoa giá trên trời bằng cách bán trọn bộ sách, Trường tiểu học Ninh Hiệp còn ép phụ huynh mua bút chì, bút viết cho con giá cao gấp đôi so với thị trường.
Một phụ huynh chỉ rõ: “Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đóng tiền mua bút chì, bút viết cho học sinh cả lớp do trường bán.
Tôi là phụ huynh có đưa ra ý kiến sẽ nhận mua cho lớp 2 loại bút trên vì như giá của trường đưa ra cao gấp đôi so với giá tôi mua ngoài thị trường. Như loại bút chì ngoài bán có 5.000 đồng/cái, trường bán 12.000 đồng.
Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm lại nói cái này nhà trường yêu cầu không mua ngoài để các con viết cho đồng bộ nét chữ…. Rõ ràng cách làm của nhà trường có vấn đề nếu không muốn nói là ép buộc phụ huynh nhằm kiếm lời.
Nhà trường dạy chữ, dạy người chứ đâu phải nơi kinh doanh, kiếm lời”.
Trường học biến thành cửa hàng bán sách, hoa hồng bao nhiêu? |
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Hiệp cho biết: “Nhà trường triển khai đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện.
Giá sách từng bộ, chi tiết từng quyển trường triển khai đầy đủ. Phụ huynh đăng ký, trường không ép buộc.
Trường thông báo đến phụ huynh giá từng cuốn một, chứ trường không thông báo trọn bộ bao nhiêu tiền”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Minh nhiều lần khẳng định: “Nhà trường không nhận được thông tin phản ánh nào của phụ huynh về việc bán sách.
Trong buổi họp phụ huynh toàn trường, trong biên bản họp phụ huynh của từng lớp nhà trường vẫn đang giữ không có phụ huynh nào phản ánh vấn đề gì.
Cuộc họp phụ huynh giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, trong đó giáo viên có lấy ý kiến của phụ huynh thì không ai có ý kiến”.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà trường triển khai bán sách giáo khoa đến phụ huynh thời điểm nào.
Về việc này, bà Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết: “Nhà trường triển khai bán sách trước cuộc họp phụ huynh toàn trường.
Đến buổi họp phụ huynh, phụ huynh cũng không có vấn đề gì, không phụ huynh nào thắc mắc hay ý kiến. Nhà trường vẫn còn giữ biên bản buổi họp.
Cuộc họp phụ huynh đã thống nhất với nhà trường không có vấn đề gì”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Hiệp Nguyễn Thị Thanh Minh cho biết, trường triển khai đúng theo tinh thần của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm.
Như vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi phải chăng nhiều trường học cùng với Phòng Giáo dục và Đào tạo "bắt tay" với đơn vị cung cấp sách để hưởng lợi rồi chia chắc. Trong khi đó, phụ huynh có nơi phải nai lưng để có tiền mua sách cho con ăn học.