Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich và lãnh đạo đối lập vào cuối ngày 19/2 đã đồng ý tham gia "thỏa thuận ngừng bắn" và tập trung chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị trong nước sau khi 26 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên đường phố một ngày trước đó.
Theo tuyên bố trên trang web chính thức của Tổng thống Viktor Yanukovich, sau thỏa thuận, các bên sẽ bắt đầu tham gia "các cuộc đàm phán với mục tiêu kết thúc đổ máu, ổn định tình hình trong nước vì lợi ích của hòa bình".
|
Tổng thống Viktor Yanukovich |
Tổng thống Yanukovich đã gặp gỡ các lãnh đạo của đảng đối lập gồm Oleg Tyagnibok của đảng dân tộc Svoboda, Arseniy Yatsenyuk của đảng Batkivshchyna và Vitaly Klitschko của đảng UDAR.
Ông Yanukovich cũng tuyên bố dành ngày 20/2 là ngày quốc tang dành cho các nạn nhân của các cuộc đụng độ chết người giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ ba tháng qua.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động trong ngày 19/2 tại thủ đô Kiev sau một đêm đẫm máu. Chính phủ đã kêu gọi tiến hành các biện pháp mạnh mẽ và thiết lập tình trạng khẩn cấp chống lại cuộc biểu tình được xem là "nỗ lực đảo chính". Tuy nhiên, nỗ lực này bất thành do phản đối từ phe đối lập và các cảnh báo từ phương Tây.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã triển khai biện pháp hạn chế thị thực chống lại 20 quan chức cấp cao của Ukraina vì tin rằng họ là những người chịu trách nhiệm về việc sử dụng bạo lực. Nếu hình thức xử phạt visa không đủ, Mỹ sẵn sàng tiến hành các bước tiếp theo với sự phối hợp với EU để chấm dứt bạo lực tại Ukraina.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, mối quan hệ của Ukraina với NATO sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình, Reuters cho biết.
|
Ông Yanukovich cũng tuyên bố dành ngày 20/2 là ngày quốc tang dành cho các nạn nhân của các cuộc đụng độ chết người giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ ba tháng qua. |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Lầu Năm Góc cảnh báo chính phủ Ukraina sẽ phải đối mặt với những "hậu quả", nếu bạo lực tiếp tục và quân đội Ukraina bước vào cuộc xung đột.
Trong khi đó, các Ngoại trưởng EU cũng đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt chính phủ Ukraina sau cuộc đụng độ bạo lực đêm ngày 18.2 gồm đóng băng tài sản và hạn chế thị thực.
Ít nhất 26 người, trong đó có 10 sĩ quan cảnh sát, đã thiệt mạng và khoảng 800 người bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc bạo động tại Kiev vào ngày 18/2 khi những người biểu tình đòi xông vào tòa nhà Quốc hội.
Cảnh quay từ hiện trường cho thấy những kẻ nổi loạn bịt mặt dùng súng ngắn và súng trường tấn công cảnh sát và đâm cảnh sát bằng xe tải, ném bom xăng. Cả cảnh sát và những người biểu tình đều bị thương vong do đạn bắn. Một số cảnh sát bị thương nặng.
Các quan chức Ukraina cho biết, nhiều người đã bị bắn vào đầu hoặc cổ khiến họ nghi ngờ rằng có kẻ bắn tỉa nằm trong số đám đông hỗn loạn.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Ukraina bùng nổ 3 tháng qua sau khi chính quyền Tổng thống Yanukovick rút khỏi một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu để ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Nga./.
Nguyễn Hường